Gần 20 năm trước, trong câu chuyện kể của một người bạn nhà báo khi đến với xóm nhỏ Sơn Đừng, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đời sống của người Đàng Hạ nghe ra thật nhiều bí ẩn, thật buồn...
Gần 20 năm trước, trong câu chuyện kể của một người bạn nhà báo khi đến với xóm nhỏ Sơn Đừng, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đời sống của người Đàng Hạ nghe ra thật nhiều bí ẩn, thật buồn. Trở lại Sơn Đừng một ngày cuối năm, cuộc sống của người Đàng Hạ hiện ra trước mắt chúng tôi ngày một rõ hơn, sáng hơn.
Chiều về xóm Sơn Đừng. |
Rời bến Vạn Giã, phải mất hơn cả buổi trời, con đò nhỏ mới đưa tôi ra tới bè nuôi tôm hùm của ông Ba Ất, một người bạn cũ. Bè neo trong khu vực vịnh Vân Phong, rộng và kín gió.
Ông Ba Ất chiêu đãi tôi mấy con cá dìa bắt dưới rọ lên đang giẫy đành đạch đem nấu lá giang, nhắm cùng rượu gạo. Ông bảo, ông đã nghe rất nhiều câu chuyện về nguồn gốc người Đàng Hạ, nhưng không biết đâu là xác thực, duy có điều ông khẳng định là người Đàng Hạ rất tốt bụng, ai có việc gì cần kíp chạy vào Sơn Đừng luôn được bà con hết lòng chia sẻ. Rồi ông lấy ghe đưa chúng tôi về thôn Sơn Đừng. Chừng tàn vài điếu thuốc, Sơn Đừng dần hiện ra sau làn khói sóng lờ mờ, trong bóng chiều tím thẫm đang đổ nhanh xuống mặt biển. Xa xa, mấy nếp nhà nép mình dưới chân động cát trầm mặc bên những rặng dừa già nghiêng bóng. Ấy là nơi cư trú của một tộc người có tên gọi rất lạ: Đàng Hạ. Họ sống trong một dải đất hẹp, sát bên mép nước biển, dưới chân núi Hòn Ông. Biệt lập. Lặng lẽ.
Từ những câu chuyện kể
Người Đàng Hạ là ai; từ đâu đến; đến từ bao giờ; vì sao lại đến nơi này... cho tới nay vẫn là những dấu hỏi, đầy bí ẩn. Chỉ biết rằng, Đàng Hạ là tên gọi để phân biệt họ với những tộc người thiểu số sống trên núi cao.
Bà cháu người Đàng Hạ. |
Trước khi đi Sơn Đừng, tôi được nghe kể khá nhiều câu chuyện về người Đàng Hạ. Ở biển bao đời nay mà người Đàng Hạ không hề biết làm lưới, đánh cá. Họ chỉ biết lên núi đá Khải Lương, Ninh Đảo chặt củi, đốt than rồi mang ra chợ đổi lấy gạo mắm, quần áo, thuốc men. Họ không có khái niệm rõ ràng về những bữa cơm gia đình: Đói đâu, ăn đó; có gì, ăn nấy. Nhiều hộ gia đình ba, bốn nhân khẩu mà chỉ có vài cái quần, người ở nhà phải nhường quần cho người có việc phải đi ra ngoài. Những tưởng đó là những câu chuyện thêu dệt nên, nào ngờ, trò chuyện cùng Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh Trương Thái Hùng, anh bảo đó là chuyện hoàn toàn có thật về đời sống người Đàng Hạ những năm trước đây.
Người đầu tiên tôi gặp là anh Đinh Văn Thành, con trai lớn của ông Đinh Văn Năm, người Đàng Hạ đầu tiên nhảy núi từ năm 1969, làm liên lạc cho cách mạng trên chiến khu. Thành dùng điện thoại di động khá thành thạo. Ở những nơi khác, dùng điện thoại là chuyện rất bình thường. Còn ở đây, chiếc điện thoại di động đã như một hiện thân nhiệm màu của sự kết nối, dẫn truyền ánh sáng văn minh về nơi xóm nhỏ xa xôi, cô quạnh. Thành không biết chữ, bởi tôi thấy Thành lưu tên tôi vào máy điện thoại di động bằng một ký hiệu gì đó mà chỉ anh mới có thể hiểu được. Từ lớp người tuổi chừng trên dưới bốn mươi như Thành trở về trước, người Đàng Hạ không mấy ai biết chữ quốc ngữ. Nhiều cụ già bảo, con cháu bây giờ không biết viết, biết nói tiếng mẹ đẻ của mình, chỉ biết tiếng của người Kinh.
Theo tác giả Trần Ngọc Quang, trên Tạp chí “Thông tin cuộc sống” số 2-1989 của Trung tâm Cổ động tỉnh Phú Khánh, người Đàng Hạ da đen, tóc quăn, mày rậm, con ngươi vàng. Họ cùng nhau thành lập làng riêng; nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt sơ sài; không biết tích lũy; không có ngày Tết; chết thì quấn chiếu đem chôn; trai gái ưng nhau thì cứ về ở với nhau, không có nghi lễ cưới hỏi gì. Người Đàng Hạ không biết làm ruộng, đi biển, nuôi gia súc, không có nghề thủ công, không có ngôn ngữ riêng cho nên các nhà nghiên cứu rất khó tìm ra được một nét văn hóa nào đặc trưng của họ.
Chuyện kể lại, tự thuở trước, có mấy chiếc thuyền không rõ thuộc quốc gia nào, bị bão biển nhấn chìm trên vùng biển Khánh Hòa. Một số ít người trong số họ may mắn sống sót trôi giạt vào vùng đất hoang sơ này. Không còn cách nào về lại quê hương, họ đã chọn nơi đây làm chốn nương thân, cùng nhau lập nên xóm nhỏ Sơn Đừng bây giờ. Lịch sử người Đàng Hạ giờ chỉ được hình dung qua những câu chuyện kể như vậy. Thời gian lạnh lùng phủ một lớp bụi mờ trên những nhánh gia phả vốn đã rất mông lung, ảo huyền của họ. Đến nỗi, chính họ cũng không thể biết đích thực nguồn gốc của mình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người Đàng Hạ có mang trong mình chút tính chất Nam Đảo; đến đây, sở dĩ họ hòa nhập được với người dân bản địa là nhờ có chung hệ ngôn ngữ Môn - Khơme và văn tự Phạn (Sanskrit). Nhưng, giả thiết vẫn chỉ là giả thiết.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Việt Kỉnh, trong cuốn “Người Hẹ - Văn hóa tộc người”, đến khoảng cuối năm 1990, nơi đây chỉ có 36 nhân khẩu người Đàng Hạ, sống trong 7 nóc nhà. Gọi là nhà, kỳ thực ấy là những túp lều trên cát, được dựng bằng hai mảng lá cây lơ thơ ghép lại. Cho tới trước ngày đất nước được giải phóng, người Đàng Hạ sống rất đơn điệu, nghèo nàn. Không đường đi, lối lại. Không điện thắp sáng. Không điện thoại. Không nhà cửa. Không đánh bắt. Không canh nông. Không học hành. Những con số không tự bao đời cứ đè nặng trên thân phận những người Đàng Hạ, hết lớp này tới lớp khác, từ đời này sang đời khác. Họ sống trầm lặng, ưu tư; đầy tự ti, mặc cảm trong mấy túp lều hoang dại, giữa một bên là tiếng sóng nước gầm gào của đại dương sâu thẳm và một bên là không gian cô tịch của đồi cát trắng lung linh, huyền hoặc trong đêm trăng.
Vững chãi bước về phía trước
Đối với người Đàng Hạ, năm 1999 là mốc thời gian thật đáng nhớ. Qua nghiên cứu đời sống người dân ở đây, tỉnh Khánh Hòa cấp hẳn kinh phí xây 7 ngôi nhà cho 7 hộ dân người Đàng Hạ. Không chỉ vậy, mỗi hộ còn được cấp 40 con tôm hùm giống, 1 con bò và cây điều giống. Nhưng, câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người xây nhà, nuôi tôm hùm, nuôi bò và trồng cây điều, bởi những công việc ấy đối với người Đàng Hạ là hoàn toàn xa lạ, mới mẻ. Thiếu tá Lê Phạm Chúc, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng 358 Đầm Môn cứ nhớ mãi kỷ niệm những ngày cùng đồng đội về Sơn Đừng trực tiếp dạy người dân nơi đây học chữ; học kỹ thuật nuôi tôm hùm; học cách đánh cá, trồng cây... Tất cả đều phải làm từ đầu, căn cơ và tỉ mỉ, như một lớp vỡ lòng thực thụ, đầy bỡ ngỡ và nhiều cảm xúc.
Người thanh niên này nếm nước ngọt ngay sát mép biển. |
Những thầy giáo mang quân hàm xanh lặn lội dạy cho từng trò nhỏ người Đàng Hạ biết mặt chữ. Nhiều khi thầy mải dạy đến trưa xế, không thấy người nhà cho trẻ ăn, hỏi ra mới biết nhà không còn... gạo. Vậy là thầy phải chạy về đồn, mang gạo, mang nồi ra, rồi thầy trò cùng hì hụi nấu cơm. Chao ôi, cái ánh mắt đã thèm của lũ trẻ được ăn cơm sao mà khó phai trong ký ức Thiếu tá Chúc đến vậy. Mỗi lần nhắc tới, ông đều rất xúc động. Giờ thì cả ba đứa con của anh Đinh Văn Thành đều được đi học, trường ở trên Đầm Môn, cách nhà 6 cây số. Hàng ngày Thành và vợ thay nhau đưa đón các cháu đi học. Anh bảo: “Tôi đã không biết chữ rồi. Giờ cố gắng cho mấy đứa nhỏ đi học, chừng nào lo hết nổi thì thôi”.
Lại nói về chuyện làm ăn. Sau hơn một năm nuôi tôm hùm, nhiều hộ dân người Đàng Hạ đã có trong tay vài chục triệu đồng, số tiền mà trước nay họ không thể nào thấy được, dù trong những giấc mơ. Từ đó, không chỉ biết nuôi tôm hùm, nuôi bò, trồng cây ăn trái, người Đàng Hạ bắt đầu biết mua ghe, sắm lưới; biết học cách tiến ra biển, đánh bắt con cá, con tôm. Câu chuyện làm ăn tưởng chừng rất đỗi bình thường là vậy, nhưng ở đây sao nghe quá đỗi lớn lao. Rõ ràng, người Đàng Hạ đã thực sự thay đổi, thay đổi cả một tập quán sinh hoạt, cả một tập quán lao động sản xuất. Cũng từ đó, câu chuyện lên rừng chặt củi, đốt than, cực nhọc vậy mà vẫn cứ đói lay đói lắt ngày nào của người Đàng Hạ đã dần lùi vào quá khứ.
Nay thì người Đàng Hạ đã biết ở nhà xây; dùng điện lưới quốc gia; nhiều hộ gia đình có tàu đánh cá; thanh niên sử dụng rất thành thạo điện thoại di động và đã biết... cưới nhau; trẻ con đã biết mặt chữ quốc ngữ và hát karaoke trôi chảy... Và, điều quan trọng nhất là người Đàng Hạ đang ngày một tự tin hơn trên mảnh đất mình đang sống. Ở đó, họ đón nhận được sự bao dung, chia sẻ của cộng đồng; sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương. Sự tự tin ấy đã giúp họ có thêm sức mạnh để bước ra khỏi bóng đêm lạc hậu; vượt qua bao nỗi tự ti, mặc cảm mà vững chãi bước về phía trước.
Nhìn thật kỹ đôi mắt Thành, tôi thấy vẫn sâu thăm thẳm, nhưng xem ra đã vui lên nhiều lắm. Bởi Thành cứ ríu rít kể tôi nghe bao nhiêu câu chuyện về bản thân, về gia đình mình và người Đàng Hạ. Năm 1996, đã hơn 20 tuổi nhưng Thành chưa từng một lần rời khỏi xóm nhỏ Sơn Đừng. Hàng đêm, Thành cứ đứng thẫn thờ nhìn ánh sáng điện của thị trấn Vạn Giã mà thầm mong ước được một lần được đặt chân đến. Nay, thi thoảng, Thành đưa vợ con về tận TP. Nha Trang dạo chơi và mua sắm. Hiện Thành có một chiếc ghe nhỏ đi đánh lưới mành. Tối đi, sáng về. Ra chợ Đầm Môn bán mớ cá, hôm nào được, trừ tiền dầu mỡ, Thành còn khoảng 200.000 đồng, bữa ít một chút thì một trăm hoặc năm bảy chục nghìn đồng. Gia đình Thành giờ đã có những bữa cơm bài bản, theo đúng ý nghĩa của nó. Và, Sơn Đừng bây giờ có nhiều hộ sắm được hai chiếc ghe đi đánh lưới. Bên cạnh nhà của tỉnh xây cho, nhiều hộ đã tự xây thêm nhà mới, sắm được nhiều xe máy, ti vi...
Đang dở câu chuyện, đột nhiên Thành bảo: “Anh chờ em một chút”. Một loáng sau, đã thấy anh mang về một rổ lớn con hàu giá. Bếp lửa được nhóm lên. Đêm đã về tự lúc nào. Ngoài kia, biển động, nhưng Sơn Đừng đêm nay thật ấm. Nhắm món hàu giá sống chấm mù tạt, bạn tôi cứ xuýt xoa: “Ngon chi mà ngon lạ!”.
Chúng tôi rời Sơn Đừng lúc trời hừng Đông. Từ xa nhìn về, trong ánh bình minh đang rạng, Sơn Đừng dần hiện ra, ngày một rõ hơn, sáng hơn.
. Ghi chép của HÀ NHÂN - PHONG NGUYÊN