Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng để toàn dân noi theo. Suốt đời, Người đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Quan niệm coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng có cội nguồn từ truyền thống văn hóa Đông phương mà Người được giáo dục, hấp thụ từ khi còn rất nhỏ.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng để toàn dân noi theo. Suốt đời, Người đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Quan niệm coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng có cội nguồn từ truyền thống văn hóa Đông phương mà Người được giáo dục, hấp thụ từ khi còn rất nhỏ.
Vài nét về tư tưởng Đức trị và Pháp trị
Khổng Tử (551 - 479 tr CN) là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa. Các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời). Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, “Đạo Trung dung” và các đức tính “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”. Khổng Tử chú trọng vào sự tu dưỡng đạo đức cá nhân trước tiên, sau đó nuôi dưỡng gia đình, rồi mới đến cai trị thiên hạ bằng lòng nhân từ. Thiên hạ thực sự thái bình chỉ khi nào có vua sáng, tôi hiền. Đây còn gọi là tư tưởng Đức trị hay Nhân trị.
Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo. Khổng giáo còn được xem như là một tôn giáo lớn của loài người, nhất là dân tộc Trung Hoa và những nước có nền văn hóa bị ảnh hưởng như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo để trị nước của các vương triều Trung Hoa trong lịch sử.
Hàn Phi Tử là triết gia thời Chiến quốc, sau Khổng Tử khoảng hơn 200 năm. Tư tưởng chủ yếu của ông là thuyết Pháp trị. Không phải ông là người đầu tiên nêu lên học thuyết này mà trước đó Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại... đã khởi xướng. Tư tưởng của Hàn Phi Tử đối nghịch với tư tưởng của Nho giáo (vốn cho rằng để quản lý xã hội thì dùng Nhân trị và Đức trị), ông cho rằng cách tốt nhất để quản lý xã hội là dùng pháp luật: “Pháp luật không hùa theo người sang... Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu”. Ông không bàn đến nhân nghĩa, cũng không trọng lễ như Tuân Tử, mà đề cao phương pháp dùng thế, dùng thuật, dùng luật của pháp gia để trị nước.
Sự tiếp thu có chọn lọc
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, có truyền thống hiếu học, từ thưở nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được học chữ Hán, được giáo dục theo đúng tinh thần Nho giáo. Những bài học đầu đời đã trở thành nền tảng nhận thức, giúp Người sau này tiếp thu có chọn lọc, hấp thụ các tinh hoa tư tưởng của nhân loại để tạo nên giá trị riêng biệt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó lý giải vì sao, đạo đức giữ vị trí quan trọng đến như vậy trong tư tưởng của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thống kê trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng.
Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Khi tư tưởng đạo đức thấm nhuần vào mỗi con người sẽ tạo nên sức mạnh vô biên. Lịch sử đã chứng minh thực tiễn ấy. Trong các cuộc kháng chiến, sức mạnh của ý chí đã vượt qua những thiếu thốn vật chất để nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.
Và phát triển nhuần nhuyễn
Là con người tư duy bằng phương pháp duy vật biện chứng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hai vấn đề Đạo đức và Pháp luật có mối quan hệ mật thiết với nhau, Người không đề cao, tuyệt đối hóa một vấn đề nào. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức; ngược lại đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác, nhưng nhiều khi rất cần sự hỗ trợ của pháp luật. Đạo đức, tư tưởng trong một hoàn cảnh nhất định, sẽ tạo cho con người sức mạnh vô song.
Quan niệm về sự thống nhất giữa “Đức trị” với “Pháp trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống văn hóa phương Đông và từ tấm gương trị nước của các vị vua chúa hiền minh trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, vượt lên tất cả những ông vua đức độ và kẻ sĩ hiền tài, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Hồ Chí Minh đã thực thi triệt để vấn đề “Đức trị” với “Pháp trị” trên cơ sở cách mạng, khoa học và nhân nghĩa, nói đi đôi với làm vì hạnh phúc của nhân dân. Không tuyệt đối hóa một lĩnh vực nào. Sinh thời, dẫu nhiệm vụ thống nhất đất nước là bao trùm, song Người vẫn dành tâm huyết cho việc cốt lõi là tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Chính phủ phải thật sự là công bộc của dân.
* *
*
Chúng ta coi việc giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa cơ bản, lâu dài và cấp bách. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đang tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế quản lý công khai, minh bạch. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa “Đức trị” với “Pháp trị” là hết sức cần thiết, vì nó tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới của Đảng và dân tộc ta.
TRẦN DUY