Nhân dịp đón xuân Ất Mùi, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những định hướng trong năm 2015.
Nhân dịp đón xuân Ất Mùi, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những định hướng trong năm 2015.
- Thưa ông, tuy còn nhiều khó khăn nhưng năm 2014 được đánh giá là năm kinh tế cả nước bắt đầu hồi phục sau giai đoạn suy giảm dài. Xin ông đánh giá những thành tựu cơ bản của tỉnh trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội?
- Năm 2014, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến rất phức tạp, kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn gặp khó khăn do phục hồi chậm. Điều này đã ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 8,55%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,23%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,9%; doanh thu du lịch tăng 27,76%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 1,07 tỷ USD; thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 123,45% dự toán; tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 17,95%... Để tiếp tục phát triển các ngành có tiềm năng trong thời gian tới, tỉnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (đường băng số 2 và nhà ga), chuyển đổi công năng của Cảng Nha Trang thành cảng hành khách và tổ hợp dịch vụ để phát triển dịch vụ du lịch, nâng cấp hạ tầng đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường...
Bên cạnh đó, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa thể thao, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
- Năm 2014 cũng là năm quyết định mức độ thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Xin ông đánh giá mức độ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI; những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra?
- Theo thống kê, có 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó có: 12 chỉ tiêu về kinh tế, 8 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường.
Dự kiến, đến hết năm 2015, hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết của HĐND tỉnh đều đạt; so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, môi trường đều đạt, riêng các chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt, trừ chỉ tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Nguyên nhân hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra là do dự báo tình hình kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ 2011 - 2015 của tỉnh vào năm 2010 chưa sát với tình hình khó khăn chung của cả nước. Việc huy động các nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, Trung ương liên tục thay đổi về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, quy định sau thường có chế độ bồi thường cao hơn quy định trước dẫn đến chi phí đầu tư của các dự án tăng cao nên tiến độ thực hiện các dự án chậm. Bên cạnh đó, những chương trình, đề án gắn liền với các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực thực hiện theo cơ chế, chính sách của Trung ương quy định, tuy đã được tỉnh xây dựng, phê duyệt và triển khai kịp thời, nhưng nguồn vốn Trung ương chưa hỗ trợ hoặc hỗ trợ rất ít so với nhu cầu vốn cần thực hiện nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nói riêng.
Theo tôi, có những bài học kinh nghiệm sau đây khi thực hiện các chỉ tiêu đề ra: Một là, công tác dự báo và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cần phải lường hết được các tình huống khó khăn. Hai là, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ và có chiều sâu. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết, tuy nhiên, do nguồn lực Nhà nước còn hạn chế nên lựa chọn những dự án thật sự có hiệu quả làm trước và dứt điểm, vận dụng các cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của tỉnh để phát huy nguồn nội lực địa phương và doanh nghiệp. Ba là, trong việc quán triệt và vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành cần phải nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm cao. Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào mà lãnh đạo quan tâm chỉ đạo thì nơi đó thực hiện rất tốt các kế hoạch đề ra.
- Thưa ông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm đang triển khai xây dựng, nhiều dự án lớn đang được xúc tiến đầu tư. Ông có thể nhận định những đổi thay của tỉnh khi các công trình, dự án được đưa vào sử dụng?
- Thời gian qua, tỉnh đã triển khai đầu tư hạ tầng theo đúng định hướng tại Kết luận số 53 của Bộ Chính trị về “xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Chương trình hành động số 07 ngày 27-7-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Trong đó, các công trình hạ tầng trọng điểm được lồng ghép theo định hướng phát triển. Nhiều công trình hạ tầng trọng điểm đã và đang triển khai xây dựng như: Cầu Sơn Bình (huyện Khánh Sơn), cơ sở hạ tầng khu tái định cư Ninh Thủy, khu dân cư và tái định cư Xóm Quán, cải tuyến Tỉnh lộ 1B đoạn từ Hyundai VinaShin đến Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), đường Nha Trang - Diên Khánh (đoạn Cao Bá Quát - Cầu Lùng), đường Phong Châu, hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến đầu sông Tắc, cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang... Đồng thời, tỉnh đang hoàn chỉnh thủ tục để khởi công xây dựng các dự án lớn như: Đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh, Khu đô thị hành chính mới của tỉnh, cơ sở hạ tầng Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ)...
Các công trình, dự án trọng điểm này khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, TP. Nha Trang được từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng mở rộng thành phố về phía Tây, phía Nam như quy hoạch đã được phê duyệt; hình thành các khu đô thị mới đa chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố để trong tương lai trở thành một đô thị trung tâm, văn minh, hiện đại, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Ngoài ra, nhiều dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn đã được tỉnh xúc tiến đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Nhà máy xi măng Công Thanh, Nhà máy bia Sài Gòn... sẽ góp phần tăng thêm năng lực sản xuất mới trong năm 2015 và những năm sau.
Đến thời điểm hiện nay, có thể thấy, tỉnh đã chuẩn bị khá tốt các điều kiện cần thiết để tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
- Năm 2015 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây cũng là năm Khánh Hòa cần phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Với lợi thế riêng có của địa phương, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra?
- Để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong năm 2015, tỉnh tiếp tục triển khai các nội dung theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình hành động về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tái cơ cấu và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý.
Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp để tăng tốc độ phát triển; có giải pháp huy động vốn đầu tư toàn xã hội, kể cả các nguồn vốn trong và ngoài nước, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án sớm triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng, chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp, đủ năng lực tài chính và cam kết tiến độ thực hiện dự án, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không có năng lực tài chính, không thực hiện đúng theo cam kết về tiến độ thực hiện dự án đã ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về giải quyết việc làm, dạy nghề, nâng cao đời sống người có công, người cao tuổi, giảm nghèo, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, triển khai những giải pháp hiệu quả để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện đồng bộ các giải pháp để củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, những giải pháp nêu trên sẽ được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả, góp phần tạo động lực để Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!
HOÀNG TRIỀU (Thực hiện)