06:02, 23/02/2015

Thú chơi lộc bình

Với quan niệm đem lại sự sung túc, tài lộc, là nơi cất giữ của cải, tiền bạc…, thời gian gần đây, đã có nhiều người đầu tư trưng lộc bình (còn gọi là lục bình, độc bình). Vật liệu để làm lộc bình cũng vì thế mà đa dạng, phong phú...

Với quan niệm đem lại sự sung túc, tài lộc, là nơi cất giữ của cải, tiền bạc…, thời gian gần đây, đã có nhiều người đầu tư trưng lộc bình (còn gọi là lục bình, độc bình). Vật liệu để làm lộc bình cũng vì thế mà đa dạng, phong phú...

 

1
Cặp lộc bình đoạt kỷ lục quốc gia mang tên “Việt Nam Long hình đồ” tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.


Từ những cặp lộc bình gỗ...


Ở Khánh Vĩnh, người ta nhắc nhiều về một nữ đại gia tên H. sống ở xã Khánh Nam - người sở hữu nhiều cặp lộc bình độc đáo. Tìm đến nhà bà H., hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cặp lộc bình “khủng” trang trí 2 bên cửa chính. Cặp lộc bình có hình dáng đẹp mắt, được chạm trổ công phu hình ảnh tứ thời (xuân, hạ, thu, đông), cao khoảng 2,5m. Không chỉ vậy, trong nhà còn nhiều bộ lộc bình lớn, nhỏ trông đẹp mắt, sang trọng.


Không xa nhà bà H., gia đình ông Phan Thanh Dũng (thôn Hòn Dù) cũng là hộ có thú chơi đồ gỗ chuyên nghiệp. Ông Dũng cho biết, nghề sưu tầm đồ gỗ đã “sống” trong ông từ hàng chục năm qua. Bên cạnh công việc nương rẫy, ông đã tranh thủ sưu tầm đồ gỗ để thỏa niềm đam mê. Những năm trước, khi gỗ rừng dồi dào, đồ gỗ có lắm loại bằng danh mộc; còn gần đây, do nguồn gỗ khan hiếm nên ông chỉ sưu tầm những gốc, rễ cây để trang trí trong nhà. Ông không chú trọng mấy đến việc chơi lộc bình; tuy nhiên, đôi lộc bình bằng gỗ ké chưng trong nhà cũng xếp vào hạng “khủng”. Cặp lộc bình cao 2m, nặng khoảng 4 tạ, trị giá 45 triệu đồng. Theo ông Dũng, chơi lộc bình gỗ chỉ chọn những loại cây có lõi, nhiều vân và bền, bởi chỉ cần có giác (vỏ) thì rất dễ bị nứt, xì mủ...

 

1
Chiếc lộc bình “khủng” được chạm khắc tinh vi tại nhà bà H.


Không chỉ trang trí trong nhà, lộc bình còn được chưng tại nhiều hàng quán ở huyện Khánh Vĩnh như mong có thêm tài lộc. Anh Nguyễn Công Đài - chủ quán cà phê Thanh Mai (thị trấn Khánh Vĩnh) cho biết, anh đã sưu tầm đôi lộc bình gỗ từ khi mở quán cách đây mấy năm. Đôi lộc bình này cao 1,95m, đường kính 60cm, bằng gỗ ké, trị giá 35 triệu đồng. Cặp lộc bình này cũng xếp vào loại “khủng” ở Khánh Vĩnh.


Thú chơi lộc bình không chỉ ở những người trung niên, cao niên, mà còn “thấm” đến lớp thanh niên, những người chưa lập gia đình. Anh Nguyễn Ngọc Thạch (xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh) có bộ sưu tập đồ gỗ kha khá. “Mỗi lần về đến nhà, tôi lại lau chùi, nhìn ngắm bộ sưu tập cho thỏa thích. Từng vân gỗ trên lộc bình như khắc họa dấu ấn thời gian, bao thăng trầm nghiệt ngã như đời một con người...”, anh Thạch triết lý. Ngoài ra, anh và các bạn có cùng sở thích đã lập “hội”; mỗi lần ai có tác phẩm mới là cả nhóm cùng tham gia bình phẩm...  


... đến lộc bình giấy, đá


Tuy đam mê thú chơi lộc bình, nhưng không muốn cổ vũ cho nạn phá rừng; vì vậy, họa sĩ Hàn Quốc Định (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) đã dùng vật liệu bằng giấy carton để làm những chiếc lộc bình. Thời gian làm việc trong một công ty bao bì, hàng ngày tiếp xúc với giấy bìa, carton, niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật bằng chất liệu giấy trỗi dậy trong anh như một cơ duyên. Để thỏa niềm đam mê làm lộc bình giấy, anh đã xin nghỉ việc để chuyên tâm sáng tạo, mặc cho gia đình và bè bạn can ngăn. “Không hiểu sao, những tấm bìa carton cứ làm tôi day dứt mãi; ý nghĩ sao không sử dụng giấy để sáng tạo nghệ thuật cứ ám ảnh tôi. Vật liệu giấy vừa dễ kiếm lại không làm hại môi trường, cuốn, xếp tùy ý nên có thể làm ra những sản phẩm độc đáo...”, họa sĩ Hàn Quốc Định chia sẻ.

 

1
Chơi lộc bình là niềm đam mê của nhiều người.


Đến nay, họa sĩ Hàn Quốc Định đã sáng tạo nhiều tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm nổi bật. Tác phẩm đầu tay là bộ lộc bình rồng thời Lý, cao 2,05m, nặng khoảng 40kg, đoạt kỷ lục quốc gia về lộc bình giấy. Cặp lộc bình thứ 2 cũng đoạt kỷ lục quốc gia mang tên “Việt Nam Long hình đồ”, được làm để tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, cao 2,41m, nặng khoảng 60kg, hình ảnh dáng rồng tượng trưng cho đất nước Việt Nam bay lên, 2 chân rồng vươn ra 2 viên minh châu là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cặp lộc bình thứ 3 họa sĩ dành tặng cho Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt với hình hoa sen cách điệu, cao 2,05m, nặng khoảng 40kg. Hiện nay, anh đang chế tác một cặp lộc bình hình rồng khác, mang logo hoa sen, do Bảo tàng Điện ảnh Việt Nam đặt hàng. Điều đặc biệt là lộc bình giấy được chế tác công phu bằng giấy cán, phủ lớp hạt nhựa, không bị mối mọt hay độ ẩm làm hư hỏng, có thể sử dụng cả trăm năm.


Gần đây, làng nghề đá ở Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) cũng bắt đầu có đơn hàng về lộc bình đá. Theo ông Lê Song - tổ liên kết đá Ninh Giang, một trong những cặp lộc bình của tổ sản xuất được trang trí tại Khu du lịch Sông Lô (TP. Nha Trang) cao 60cm, bằng đá xanh, giá 3 triệu đồng. Làng đá Ninh Giang có thể chế tác những cặp lộc bình độc đáo hơn bằng đá nguyên khối...


Sau thời gian rộ chơi lộc bình “khủng”, hiện nay, phong trào đã chuyển sang chơi lộc bình sử dụng vật liệu chủ yếu từ gốc, rễ cây. Đây là cách mà người chơi tránh được việc sử dụng gỗ rừng. Tuy nhiên, chỉ có những người thợ được học nghề bài bản mới làm được sản phẩm.


VĨNH LẠC