Khi Tết đến xuân về, trên những buôn làng vùng cao xứ Trầm Hương, đồng bào Raglai, Êđê cũng chộn rộn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Khi Tết đến xuân về, trên những buôn làng vùng cao xứ Trầm Hương, đồng bào Raglai, Êđê cũng chộn rộn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Đồng bào Êđê giã gạo chuẩn bị bữa ăn cơm đầu năm mới |
Niềm vui đón Tết
Làng Ma O (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) trong tiết xuân nồng. Trên những nẻo đường quê, bước chân của các away (mẹ), ama (bố) người Raglai như vội vàng hơn. Họ tranh thủ gùi từng quầy chuối về bán để có tiền mua sắm Tết. Tuy phiên chợ Tết ở vùng cao Khánh Sơn không lớn, nhưng cũng nhộn nhịp người mua, người bán; cũng đầy đủ các loại từ lương thực thực phẩm, bánh kẹo, quần áo… Trò chuyện với chúng tôi, già Cao Hồng Tịnh bảo: “Đã mấy năm nay, Tết nào gia đình mình cũng gói bánh tét cúng ông bà tổ tiên và để ăn dần trong mấy ngày Tết”.
Đồng bào Raglai ở thôn Ma O gói bánh tét |
Như để chứng minh cho lời nói của mình, già Tịnh mời chúng tôi đến nhà xem gói bánh tét. Trong ngôi nhà nhỏ, các thành viên đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh, nào gạo nếp, lá dong, đậu xanh, thịt heo. Ngoài bánh tét, già Tịnh còn cho chúng tôi biết một số món ăn truyền thống của đồng bào Raglai như: canh bồi, thịt heo gác bếp và Tapai (rượu cần). “Những món ăn đó vốn có trong lễ ăn mừng lúa mới của người Raglai, nhưng bây giờ ăn Tết của người Kinh, đồng bào mình cũng chế biến những món này để ngày Tết thêm vui”, già Tịnh chia sẻ. Chuyện chơi Tết của đồng bào Raglai cũng thật giản dị. Trong mấy ngày Tết, đồng bào đến nhà bà con lối xóm để chúc Tết. Họ nói với nhau chuyện nương rẫy, chuyện gia đình và cùng bàn tính những dự định cho năm mới.
Trong ngôi nhà sàn của mình ở Buôn Đung (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) - nơi có đông đồng bào Êđê sinh sống, chúng tôi bắt gặp già làng Y Tài đang xem lại những ché rượu cần để chuẩn bị đón Tết. “Rượu cần là thứ không thể thiếu trong những ngày vui của người Êđê. Đón Tết Nguyên đán phải có rượu cần thì mới vui. Nhà nào càng giàu thì càng có nhiều ché rượu cần để đãi khách”, già Y Tài cho biết.
Chiếc bánh tét đặc biệt dành riêng cho trẻ em của đồng bào Raglai |
Để có những ché rượu cần ngon, từ trước đó 4 đến 5 tháng, đồng bào Êđê đã vào rừng đào củ gừng dại mang về giã nhỏ trộn với bột gạo ngâm, sau đó nắm thành những bánh bằng chiếc bát để phơi khô làm men. Men rượu được trộn với gạo nếp, ủ vài ngày, sau đó đổ vào ché, bịt kín miệng, rượu để càng lâu càng ngon… Quanh ché rượu cần ngày xuân, người dân trao đổi tâm tình, bàn chuyện làm ăn. Trai gái thổ lộ những yêu thương thầm kín. Trong dịp Tết, nếu nhà nào có khách quý tới thăm thì đó là niềm vui của gia chủ. Đồng bào Êđê cũng có những món ăn độc đáo trong ngày Tết như: cơm lam, canh thụt, thịt heo xông khói…
Già làng Y Tài kiểm tra lại ché rượu cần đón Tết |
Một sự kiện đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán đối với mỗi gia đình người Êđê chính là lễ cúng cho con cháu trong nhà. Già làng Y Tài cho biết: “Sáng mùng 1 Tết, mỗi gia đình sẽ sửa soạn một mâm cơm để cúng tuổi cho thành viên nhỏ nhất trong gia đình. Lễ cúng này là dịp để mọi người trong gia đình quây quần sum họp bên nhau trong ngày đầu năm mới”. Nói rồi, già Y Tài chỉ bé H’Tường Vi Niê - cháu ngoại của mình: “Thằng bé này năm nay được cúng tuổi lần đầu. Người lớn sẽ cầu chúc cho nó bước sang tuổi thứ 2 được sức khỏe, may mắn”. Sau lễ cúng tuổi, đồng bào Êđê ở Buôn Đung sẽ đến thăm nhà nhau. Trai gái trong làng sửa soạn những bộ váy, áo đẹp để đi chơi xuân. Có người đi chơi trong làng, cũng có những nhóm bạn rủ nhau xuống thị xã Ninh Hòa hay vào TP. Nha Trang.
Tết của tình đoàn kết
Trong tâm thức của đồng bào Raglai và Êđê, lễ cúng mừng lúa mới là lễ quan trọng nhất trong năm. Họ lấy đó làm mốc đánh dấu thời gian 1 năm và cũng là ngày Tết chính của đồng bào. Lễ cúng lúa mới thường diễn ra vào khoảng tháng 10 âm lịch. Trong ngày lễ lớn đó, đồng bào tổ chức những nghi thức trang trọng để cảm ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Những năm gần đây, bên cạnh lễ cúng lúa mới, đồng bào còn tổ chức đón Tết Nguyên đán của người Kinh. “Đứng từ góc độ văn hóa, đây có thể xem là một biểu hiện tiếp biến văn hóa giữa các tộc người sinh sống cùng nhau. Đồng thời, nó cũng thể hiện cho tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong mái nhà chung Việt Nam”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban nhận định.
Các thiếu nữ Êđê trong những bộ trang phục mới chuẩn bị du xuân. |
Đồng bào vùng cao đón Tết Nguyên đán với những cách thức vừa có điểm chung vừa có nét riêng. Diễn tiến của hiện tượng đó hoàn toàn tự nhiên, là minh chứng cho mối quan hệ cộng đồng tốt đẹp giữa các dân tộc trên cùng một địa bàn sinh sống. “Mình thấy người Kinh đón Tết đông vui, nên cứ mỗi lần đến Tết của người Kinh, gia đình mình cũng sửa soạn để đón cùng. Nhiều năm như thế, bây giờ cũng thành quen”, bà Mấu Thị Nghiệm (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) cho biết. Già làng Y Tài nói: “Ngày trước, do đời sống khó khăn nên nhiều khi tổ chức Tết ăn mừng lúa mới, hay lễ cúng bến nước không được sung túc. Bây giờ, cuộc sống người dân đã dần khá hơn. Đón Tết Nguyên đán cũng là dịp để đồng bào mình hòa chung niềm vui với anh em người Kinh”. Hiểu được tâm tư của đồng bào nên trong ngày Tết Nguyên đán, các gia đình người Kinh sống trong buôn làng cũng đến thăm hỏi, vui chơi tại các gia đình người Raglai, Êđê. “Vui lắm, cứ Tết đến, chúng tôi lại kéo nhau đến tất cả các nhà trong làng, nhà người Kinh cũng như nhà người Raglai để chúc cho nhau những lời tốt đẹp đầu năm mới”, anh Nguyễn Văn Thành (xã Sơn Trung) tâm sự.
Sợi dây gắn tình đoàn kết dân tộc được thể hiện tinh tế trong những ngày vui đầu năm mới. Từ đó, tình cảm giữa các hộ dân trong mỗi buôn làng trở nên gắn bó, yêu thương nhau hơn. “Ngày Tết ở vùng cao chúng tôi luôn ấm tình đồng bào bền chặt, sâu đậm. Người Kinh, người Êđê cùng hòa chung niềm vui ngày Tết, tạo niềm hứng khởi để cùng nhau xây dựng buôn làng ngày càng phát triển”, ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây chia sẻ.
Để đồng bào vùng cao đón Tết Nguyên đán được đủ về vật chất, ấm áp tinh thần, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp lại ngược xuôi mang những phần quà Tết đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Một mùa xuân mới đang về, mùa xuân của sum vầy, của mối gắn kết bền chặt tình cảm giữa các dân tộc trên xứ Trầm Hương.
NHÂN TÂM - THANH LONG