Lạ thay cho cái nỗi nhớ ấy. Nỗi nhớ Tết xưa trong cái Tết nay vốn ngày một đủ đầy, ngày một sung túc hơn theo thời gian. Ấy là nhớ cái không khí, dư vị của những cái Tết xưa giờ đã khác nay.
Lạ thay cho cái nỗi nhớ ấy. Nỗi nhớ Tết xưa trong cái Tết nay vốn ngày một đủ đầy, ngày một sung túc hơn theo thời gian. Ấy là nhớ cái không khí, dư vị của những cái Tết xưa giờ đã khác nay.
Tết xưa, cái Tết đầu tiên ngày mới chuyển vào Nam những năm 80 của thế kỷ trước, một ngôi nhà nho nhỏ được cất lên gần cái sân vận động thị trấn, một gia đình lạ được sự giúp đỡ, bao bọc bởi tình làng nghĩa xóm. Cái Tết ấy cũng vì thế đượm nghĩa đượm tình khi 4 - 5 gia đình cùng nhau chuẩn bị đón Tết. Qua Tết ông Táo, các gia đình đã rục rịch cùng nhau hòa bột, chuẩn bị khuôn để đổ bánh thuẩn. Nhìn những chiếc bánh nở đầy, vàng ruộm mà thích mắt. Lũ trẻ chúng tôi lại lăng xăng quẩn quanh bên chân người lớn, cũng học cách đổ bánh, rồi tíu tít khi được cho nếm thử những chiếc bánh không may bị vỡ hay chưa đẹp. Sau đổ bánh thuẩn lại đến giai đoạn rim mứt gừng, mứt dừa, chùm ruột... 29 Tết, các nhà quây quần ở một cái sân rộng, cùng nhau gói bánh chưng. Rồi thì là giây phút cùng nhau bên bếp củi canh thức, tiếp nước cho nồi bánh. Bên ánh lửa bập bùng, những câu chuyện xưa lại hiện về trong mỗi người. Lũ trẻ con chúng tôi khi ấy thức được đến đâu thì đến, rồi lăn ra say giấc nồng trong lúc người lớn vẫn tiếp nối những câu chuyện thầm thì trong đêm vắng. Để đến sáng, thức dậy đã thấy những chùm bánh treo lủng lẳng ở cột bếp, hóa ra bánh chín và được vớt từ tờ mờ sáng.
Tết xưa, chưa đến Tết nhưng không khí đã rộn rã. Từ những chậu hoa được trang hoàng rất sớm từ trước ngõ. Này thược dược, mãn đường hồng, mào gà, hướng dương, vạn thọ... đua nhau khoe sắc. Rộn rã nhất là những buổi tất niên. Nhà nào cúng tiễn năm cũ cũng mời nhà khác đến chung vui, cho ấm thêm tình làng nghĩa xóm. Có lúc, nhiều nhà cùng cúng tiễn, hàng xóm lại phải chạy sô ăn tất niên. Lũ trẻ con thích nhất là xem pháo nổ. Nhà ai cũng có pháo, ít nhất 2 phong, 1 cho tất niên, 1 cho giao thừa, có điều kiện thì nổ pháo cả mùng 1 và mùng 3. Trước tất niên 1 ngày, bố đã phơi những bánh pháo ra nắng để khi nổ được to, giòn giã. Trẻ con đứa nào cũng ngóng bên này, bên nọ xem pháo nhà ai nổ to hơn, rồi lại hí hửng với lũ trẻ hàng xóm khi có lần bố nối 2 phong pháo dài vào nhau, nghe sướng cả tai. Sau này, pháo không được phép đốt thì có pháo sáng nhưng chỉ được thưởng thức vào mỗi đêm giao thừa, mà cũng chỉ được vài năm rồi thôi. Dẫu vậy, những chùm pháo sáng như những chùm hoa tung nở trên bầu trời trong đêm giao thừa, lấp lánh sắc màu mà như vỡ ra cả chùm ước mơ của con trẻ. Khi tiếng chuông điểm thời khắc bước qua năm mới, cả nhà cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Lũ trẻ thì hớn hở được bố mẹ lì xì những tờ tiền còn thơm mùi giấy mới, đến độ đi ngủ vẫn còn cầm chặt trong tay, sáng ra lại xúng xính trong bộ quần áo mới cùng bố mẹ đi chúc Tết, hay lên chùa du xuân...
Tết xưa, những đứa con đi học xa nhà cuối năm lại bồn chồn mong tới ngày về quê đón Tết. Niềm vui dâng trào trong đáy mắt mẹ cha nơi ngõ vắng. Một cái Tết còn thiếu thốn nhưng vẫn đủ đầy theo nhiều nghĩa, đủ đầy trong không khí ấm cúng, trong sự sum vầy của một đại gia đình…
Tết nay, nơi phố thị, đã không còn cái không khí các gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón tết, mà nhà nào cũng yên phận trong mái ấm nhỏ nhoi, nếu không muốn nói là chật chội của mình. Cái sân 1,3m không đủ rộng nên không còn cái nếp nấu bánh chưng, chỉ là giáp Tết, vào siêu thị hay ra chợ mua 1 cặp về cúng ông bà. Tết bây giờ ở phố cũng chẳng còn thói quen rim mức gùng, mức dừa, mức chùm ruột hay đổ bánh thuẩn như ngày nào, thế vào đó là thùng bánh của các thương hiệu nổi tiếng người ta biếu nhau, đến hết Tết vẫn thấy nằm im một góc. Cũng chẳng còn cái cảnh tẩn mẩn lột thau kiệu đến chảy cả nước mắt, lột vỏ me để rim, để ngâm đến đau những đầu ngón tay. Thị trường có sẵn tất tần tật, muốn mua thì vào siêu thị, hoặc đặt bà hàng nào đó, chẳng cần nhọc công làm gì giữa cuộc sống bộn bề. Để rồi cũng quen với nhịp Tết ấy.
Tến nay, đường phố vẫn rất đông, vẫn rực rỡ sắc màu của hoa, của trang hoàng ánh sáng mà lòng người như hẹp lại, chùng lại. Không còn đêm giao thừa với đủ đầy thành viên khi những đứa con, đứa cháu chia năm bảy nẻo với những mái ấm riêng. Người già chỉ biết quẩn quanh bên bàn thờ gia tiên, giao thừa chừng như cũng dài hơn. Đâu đó, có đứa con đón giao thừa, xem pháo hoa trên những tầng cao của những khách sạn nhiều sao, tây ta lẫn lộn với tiệc buffet, với ly champagne trong giai điệu rộn ràng của bản nhạc Happy New Year. Có đứa con chọn cách du xuân khắp nẻo như một cách đáp đền cho một năm túi bụi cùng công việc. 3 ngày Tết trôi qua trong trống vắng.
Tết nay, những nếp xưa trong nhà dần trôi theo năm tháng. Những mùi vị Tết cũng khác xưa.
Tuổi trẻ vốn thức thời, buồn vui chóng vánh.
Chỉ còn đôi bóng người già trong nỗi ngùi ngùi nhớ những cái Tết xưa trong cái Tết nay.
B.T