09:02, 20/02/2015

Tết của một thời chưa xa

Nha Trang thập niên 1990 còn nhỏ bé, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là những người ăn lương Nhà nước. Vậy mà những ngày Tết đơn sơ đã đi qua lại đầy ắp kỷ niệm. Kỷ niệm về một thời chưa xa…

Nha Trang thập niên 1990 còn nhỏ bé, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là những người ăn lương Nhà nước. Vậy mà những ngày Tết đơn sơ đã đi qua lại đầy ắp kỷ niệm. Kỷ niệm về một thời chưa xa…


Chợ Tết ngày ấy


Không khí Tết đầu tiên mà mỗi người cảm nhận bao giờ cũng là chợ Tết.

 

1
Hoa Tết bày bán trước cổng chợ Đầm


Chợ Tết Nha Trang những năm ấy chỉ tổ chức ở chợ Đầm và đoạn phố Phan Bội Châu trước cổng chợ. Những chợ khác, dẫu lớn như chợ Xóm Mới không có cổng chào đề chợ Tết, chỉ là thêm hàng hóa, thêm người mua bán mà thôi. Cổng vào chợ Đầm làm bằng những tấm ghi sắt, lúc này được sơn phết vui mắt và thêm hàng đèn nhấp nháy. Khoảng sau rằm tháng Chạp, Ban quản lý chợ sẽ tổ chức lễ khai trương chợ Tết, bà con buôn bán náo nức, dân tình cũng náo nức dự lễ khai trương. Cánh báo chí cũng náo nức vì có nhiều cảnh để chụp hình, nhưng vui nhất là sau lễ khai trương thường được Ban quản lý tặng cho hộp mứt hoặc cặp dưa hấu lấy thảo! Chợ được tiếp thêm không khí đón xuân bởi tiếng nhạc, tiếng hò reo của các hàng lô tô năm nào cũng bố trí dọc theo đường Nguyễn Thái Học, đoạn gần chung cư. Ngoài đường phố Phan Bội Châu có hàng hoa, xích vô chút là hàng dưa hấu, trong nữa là đủ đồ bánh mứt kẹo... Chợ chỉ túm húm như thế.


Hoa Tết ngày ấy thật giản dị, hoa mai chưa có mai chậu, chỉ là mai cành được chặt từ Thành đem xuống, Cam Ranh đem về, bày túm tụm trước cổng chợ Đầm. Cuối những năm 90, khi nghề trồng hoa Tết phát triển, có mai, có cúc, hồng... trồng chậu, khi ấy chợ hoa mới thuê mặt bằng ở Nhà Thiếu nhi, ở Trung tâm Thi đấu thể dục thể thao, rồi tràn ra Ngã sáu và các sân trường dọc đường Thái Nguyên như hiện nay. Một thứ hoa “đặc sản” của Tết ngày ấy là hoa lay ơn Đà Lạt hoặc ngoài Tuy Hòa đem vào. Hoa Tuy Hòa chỉ thuần một màu đỏ thắm, giá cả bình dân, đủ cho những cán bộ, công chức trưng một bình trong nhà. Hồi ấy cứ buổi tối, đám thanh niên lại đi dọc đường Thống Nhất ngắm ké mai của các tiệm buôn. Chỉ những tiệm buôn trên đường Thống Nhất, Ngô Gia Tự hoặc các tiệm vàng ở đường Sinh Trung mới đủ sức trưng những bình mai rực rỡ, cao đến trần nhà.

 

1
Mua hoa ngày Tết (ảnh chụp năm 1996)


Bên cạnh hàng hoa là hàng dưa hấu, thứ trái cây không thể thiếu của ngày Tết. Dưa từ miền Nam đem ra, trái chỉ cỡ 3kg hoặc hơn chút xíu chứ không “khủng” như bây giờ. Vẫn nhớ ngày ấy, bạn bè thường biếu nhau một trái dưa hấu để lấy hên đầu năm (vì ruột dưa đỏ). Quà Tết cho nhau đơn sơ vậy thôi, đúng nghĩa của ít lòng nhiều.


Dịp trổ tài nữ công gia chánh


Tết ngày ấy, đến nhà nhau là biết tài nữ công gia chánh của chủ nhà. Suốt cả tháng Chạp, tối đến nhà nào cũng hí húi dưới bếp đun đun, nấu nấu... Mấy anh chàng đang độ yêu đương là khổ nhất bởi nàng tối nào cũng phải phụ má rim mứt, làm bánh, lột kiệu... Chờ đến Tết hẵng hẹn hò nhé!


“Vô tửu bất thành xuân”. Biết vậy nên mấy bà luôn chăm lo đồ uống trước nhất trong nhà. Phổ biến nhất khi đó là rượu ngâm hoa quả. Cứ chút chuối sứ, saboche, mít, thơm... thái nhỏ, ướp chút đường, phơi một vài nắng sau đó cho mấy lít rượu vào là có cái tiếp bạn ngày Tết. Nhà ít điều kiện hơn thì dành dụm từ trong năm, ngâm đủ thứ đặc sản quê nhà: chuối hột, mối chúa, ong mật... Nhà khá hơn thì mua ít ký nho Ninh Thuận bị giập, về lựa lại rồi vò kỹ, thêm chút đường, phơi vài nắng rồi lược bã, sẽ có vò rượu nho màu sắc cực kỳ đẹp, phụ nữ uống cũng tốt. Chính vì mỗi nhà một loại rượu nên sau một ngày chúc Tết, bụng chứa thập cẩm rượu, ai cũng say không biết trời trăng gì cả.


Đồ tiếp khách của mấy nhà cũng thật đơn giản. Thông dụng nhất là món tai heo ngâm mắm, món dễ làm, để được lâu (hồi đó mấy nhà có tủ lạnh!) và cái chính là... rẻ. Khách đến chúc Tết, chủ nhà thái đĩa tai heo, thêm đĩa kiệu, bày hũ rượu trái cây ngâm... vậy là đã thấy ngọt ngào hương vị của mùa xuân.


Rượu, đồ đưa cay... là dành cho bạn bè chồng, còn mấy bà có món riêng. Suốt những buổi tối tháng Chạp, mấy bà lúi húi rim mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, ngâm me... Nhà nào có bà vợ đảm, Tết đến nhà sẽ thấy rất nhiều loại mứt, toàn là tự làm. Nhà nào ít đảm đang hơn sẽ cố gắng có món độc đáo, không đụng nhà ai. Riêng có một món tôi để ý lâu nay thấy vắng bóng là bánh thuẫn, bánh sâm banh. Đến giờ tôi cũng chả hiểu sao bánh có tên gọi Tây vậy, chỉ biết đó là một thứ bánh xốp thuôn dài, đầu to đầu nhỏ, ngoài phủ lớp đường, giòn tan thơm mùi vani, để trong những bịch bằng giấy báo. Cái món bánh giản dị ấy ngày đó không phải nhà nào cũng đủ điều kiện làm được... Mới đây bạn khoe, bánh đấy còn bán nhiều ở chợ quê lắm, có nhớ để mua cho ít bịch.


Mới ngày nào, anh em công tác với nhau còn sống trong căn phòng nhỏ tí trong các khu tập thể. Ngày Tết, đến nhà nào cũng như nhà nấy, trên bàn thờ gia tiên có trái dưa Gò Công xanh đến láng đen, bên cạnh có bình lay ơn đỏ. Góc nhà là bình mai cành được gia chủ chăm sóc cẩn thận để nở đúng ngày Tết. Trong bếp có hũ dưa kiệu, hũ tai heo với thẩu rượu trái cây. Ngoài cửa xác pháo đỏ hồng... Tất cả như một thước phim hiển hiện trong ký ức mỗi khi Tết đến xuân về.


Tết của một thời chưa xa, đơn sơ mà ấm cúng, mãi mãi như một chấm hồng trong hành trang đời người.


D.H