12:02, 22/02/2015

Những định hướng của doanh nghiệp

Năm 2014, Khánh Hòa có 2 doanh nhân được nhận giải thưởng Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu. Giải thưởng này do Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam xét trao tặng cho những doanh nhân trẻ xuất sắc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Trước thềm năm mới, 2 doanh nhân này chia sẻ về những mong ước của mình.

Năm 2014, Khánh Hòa có 2 doanh nhân được nhận giải thưởng Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu. Giải thưởng này do Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam xét trao tặng cho những doanh nhân trẻ xuất sắc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Trước thềm năm mới, 2 doanh nhân này chia sẻ về những mong ước của mình.


Ông Lương Thế Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Mê Trang: Tiếp tục triển khai chuỗi cửa hàng Mcafe “Take away”

 


Năm 2014 tiếp tục là năm thành công của thương hiệu Cà phê Mê Trang. Năm 2015, theo dự báo của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, diện tích cà phê của Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 626.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn, năng suất bình quân tăng khoảng 4,2 tạ/ha. Theo các dự báo khác nhau, sản lượng cà phê Việt Nam đều tăng. Dự báo cao nhất của Group Sopex đạt 1,8 triệu tấn, Bloomberg đạt 1,6 triệu tấn. Đây chính là lợi thế lớn cho các thương hiệu cà phê tại thị trường Việt Nam. Khi chất lượng hạt cà phê được đảm bảo thì chất lượng sản phẩm cà phê của Việt Nam sẽ được khẳng định. Bên cạnh nhu cầu sử dụng cà phê ngày càng cao tại thị trường châu Âu, đang có xu hướng dịch chuyển sang thị trường châu Á nên nguồn cung về cà phê cho thị trường này từ Việt Nam rất thuận lợi cho phân phối.


Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo nguồn cung cà phê ổn định, bản thân các công ty sản xuất cà phê tại Việt Nam phải đầu tư vào công nghệ sản xuất. Hiện tại, khâu thu hoạch và sơ chế cà phê còn dừng ở mức thủ công cho nên việc xử lý, phân loại, làm sạch… mất nhiều thời gian và công sức. Việc nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam tại thị trường quốc tế là vấn đề quan trọng, then chốt trong việc phát triển thương hiệu quốc gia. Để làm được điều này, việc đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề công nhân viên và đưa công nghệ mới vào sản xuất cần phải được quan tâm và đầu tư đúng mức. Các đơn vị sản xuất kinh doanh cà phê rất cần sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước để giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực đầu tư và phát triển.


Công ty Cà phê Mê Trang hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê lớn tại Việt Nam. Công ty đã đưa dây chuyền sản xuất tiên tiến hiện đại vào sản xuất với kinh phí 300 tỷ đồng, diện tích nhà máy 3,5ha (Đắc Lộc, Vĩnh Phương, Nha Trang), diện tích vùng nguyên liệu hơn 150ha được quy hoạch bài bản. Công suất của nhà máy đạt 3.890 tấn/năm, trong đó bao gồm 120 triệu sản phẩm cà phê uống liền. Công ty có hơn 22 loại sản phẩm cà phê Mê Trang phục vụ đủ khẩu vị của người tiêu dùng, được phân phối qua hệ thống 15 chi nhánh và 50 nhà phân phối đại diện tại các tỉnh, thành và các nước trọng điểm.


Nắm bắt thời cơ, tiếp tục phát triển thương hiệu, năm 2015, Công ty tiếp tục triển khai hàng loạt chuỗi cửa hàng Mcafe “Take away”. Đồng thời, Công ty tham gia hoạt động xúc tiến thương mại thường niên tại các triển lãm quốc tế tại Nga, Nhật Bản và châu Âu để đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu Cà phê Mê Trang đến đông đảo người tiêu dùng trên thế giới.


K.N (Ghi)


Ông Cao Nguyễn Quang Lộc - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh: Sẽ thiết lập các phòng xét nghiệm môi trường hiện đại tại vùng nuôi thủy sản trọng điểm


Năm 2014, tuy kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chậm, sức mua còn yếu, nhất là ở các nền kinh tế lớn vốn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Điều này khiến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó có các mặt hàng thủy sản, nông sản gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, ngành thủy sản, nông nghiệp còn phải đối mặt với các thách thức khác như: dịch bệnh, giá thành phẩm giảm sâu, cạnh tranh nguồn cung từ các thương lái nước ngoài…

 


Công ty TNHH Long Sinh với các mảng hoạt động chủ lực trong ngành thủy sản và nông nghiệp cũng rơi vào vòng xoáy của những khó khăn chung. Nhận thức được tình hình, ngay từ đầu năm 2014, lãnh đạo Công ty đã nhanh chóng đưa ra các chiến lược mới, trong đó có việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp và thị trường. Điều này nhằm định hướng lại cơ cấu tổ chức và mục tiêu của doanh nghiệp theo hướng tập trung bám chắc các giá trị và sản phẩm cốt lõi, đặt mục tiêu an toàn và linh hoạt tài chính lên hàng đầu. Doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa, thâm nhập các thị trường quốc tế mới như: Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… nhằm tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Nhờ vậy, doanh thu của Công ty đạt gần 245 tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt hơn 4,7 triệu USD, tăng 53,7%; cấu trúc thị trường đã bền vững và an toàn hơn.


Năm 2015, khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nga, Ucraina và các tiềm ẩn nguy cơ đối đầu chính trị khó lường tại châu Á, giữa Mỹ, EU và Nga… nhiều khả năng sẽ tác động tới nền kinh tế. Tuy nhiên, các điểm sáng mới được kỳ vọng sẽ giúp vực dậy nền kinh tế như: giá dầu giảm sâu kéo theo các chi phí giảm, kinh tế Mỹ và Nhật Bản phục hồi sẽ kéo theo đà tăng trưởng. Ngoài ra, dự kiến, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương sẽ hoàn thành đàm phán trong năm 2015, mở ra một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường mở rộng của các nền kinh tế phát triển.


Đứng trước những cơ hội và thách thức mới, lãnh đạo Công ty TNHH Long Sinh đưa ra những giải pháp chiến lược mang tính toàn diện như: Đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất và khả năng cạnh tranh; giúp khách hàng, nông dân tăng cường các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, dự kiến đầu tư khoảng 400.000 USD thiết lập các phòng xét nghiệm môi trường hiện đại tại các vùng nuôi thủy sản trọng điểm nhằm giúp phát hiện sớm các nguy cơ và dịch bệnh cho đối tượng nuôi cũng như dư lượng kháng sinh; phát triển thêm các sản phẩm mới chất lượng cao giúp tăng năng suất nuôi trồng; chủ động đàm phán với các đối tác liên kết trong khối nhằm đón đầu và thâm nhập thị trường ngay khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực; mở rộng vùng phân phối trong nước.


N.D (Ghi)