10:02, 19/02/2015

Nghĩa tình Trường Sa

Đến với quần đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn khi được lên thăm cả đảo nổi và đảo chìm. Ở mỗi điểm đảo, chúng tôi đều cảm nhận được tình quân dân gắn kết, cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Đến với quần đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn khi được lên thăm cả đảo nổi và đảo chìm. Ở mỗi điểm đảo, chúng tôi đều cảm nhận được tình quân dân gắn kết, cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

 


Thắm tình quân dân


Đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi được anh Huỳnh Viên và chị Nguyễn Thị Thúy Vân mời đến thăm nhà và đón tiếp nồng hậu. Anh Viên thổ lộ: “Ở đây, quân với dân luôn xem nhau như anh em một nhà. Mỗi khi đánh bắt được nhiều cá, gia đình đều chia sẻ cho bộ đội. Những lúc mình không may gặp sự cố, các anh lại hỗ trợ...”.

 

Lính đảo Trường Sa tăng gia sản xuất.
Lính đảo Trường Sa tăng gia sản xuất.


Người dân trên các đảo sống rất cởi mở; những câu nói chân chất của người dân đảo tựa như vị mặn mòi của biển. Anh Trần Kim Sơn, người dân đảo Sinh Tồn cho biết: “Chất lượng cuộc sống trên đảo ngày càng được nâng lên. Tình cảm bộ đội với người dân trên đảo rất đoàn kết, keo sơn. Những lúc khó khăn, bộ đội đều sẵn lòng giúp đỡ nhiệt tình”. Chính từ những hành động, việc làm ấm áp ấy mà tình quân dân ở Trường Sa càng trở nên thắm thiết.

 


Trung tá Nguyễn Viết Xuân (công tác tại đảo Sơn Ca) tâm sự, ở Trường Sa, các anh luôn được sưởi ấm tinh thần bởi tình cảm quân dân thật khăng khít. Tình cảm ấy được biểu lộ qua những hành động chân thành, lời nói chân chất. Đó là sự sẻ chia ngọt bùi trong cuộc sống hàng ngày. Có con cá, mớ rau ngon, quân dân trên đảo đều chia nhau cùng dùng...  


Điểm tựa của ngư dân


Quân và dân Trường Sa luôn hết lòng che chở ngư dân khai thác hải sản trên biển. Khi ngư dân gặp bão tố, hoạn nạn, thiếu nước ngọt, lương thực, xăng dầu... đều được hỗ trợ, ứng cứu kịp thời. Vì thế, ngư dân luôn xem các đảo như gia đình thứ hai của mình. Mỗi khi đánh bắt gần đảo, họ lại đem cá đánh bắt được biếu bộ đội để cải thiện bữa ăn. Tình cảm quân dân trên đảo và ngư dân vì thế mà gắn kết, tô thắm thêm. Trong thời gian đánh bắt hải sản tại ngư trường Trường Sa, ngư dân Nguyễn Phi Hùng (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), chủ tàu KH-94277 luôn xem Trường Sa là điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi. Ông Hùng kể: “Khoảng tháng 10-2013, khi chúng tôi đang đánh cá ở gần đảo Đá Nam thì gặp lốc xoáy làm tàu mất lái, trôi dạt và vướng vào bãi san hô. Chúng tôi đã phát tín hiệu cầu cứu. Khoảng 30 phút sau, bộ đội trên đảo Đá Nam đã tiếp cận, giúp chúng tôi thoát khỏi hiểm nguy”. Chính những hành động, lời động viên của bộ đội đã tạo niềm tin cho ngư dân vững tâm làm ăn trên biển. Họ biết rằng, bên cạnh mình luôn có quân dân Trường Sa đồng hành. Còn ngư dân Trần Ngọc Hưng (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa), chủ tàu KH-1468 tâm sự: “Trước đây, mỗi lần ra Trường Sa khai thác hải sản, không may tàu thuyền bị hư hỏng hoặc gần hết nhiên liệu, lương thực, nước ngọt thì phải quay về đất liền. Còn bây giờ, nhờ có các điểm tránh trú bão và khu hậu cần nghề cá ở Trường Sa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu nên chúng tôi an tâm bám ngư trường dài ngày. Qua đó, sản lượng khai thác được cũng nhiều hơn”.

 

1
Âu tàu đảo Song Tử Tây là điểm tựa của ngư dân.


Chính vì vậy, ngư dân luôn xem thuyền là nhà, biển cả là quê hương, bộ đội Trường Sa là người thân của mình. Bộ đội trên các đảo không chỉ điều trị và cấp cứu khi ngư dân bị bệnh trên biển, mà còn chia sẻ từng can nước ngọt, mớ rau xanh, nắm gạo... để hỗ trợ họ bám biển. Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng D Hải quân nói: “Trong quá trình đánh bắt hải sản ở Trường Sa, nếu gặp bất trắc gì, ngư dân cứ tìm đến bộ đội trên các đảo. Trường Sa luôn là máu thịt để ngư dân vững tâm vươn khơi”.


Quyết tâm giữ biển, giữ đảo


Chính tình cảm quân dân luôn son sắc, bền chặt ấy là nguồn động viên để mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió. Trung úy Đặng Hùng Long - Phó chỉ huy đảo Sơn Ca nói: “Trong cuộc sống, chúng tôi luôn nhận được những tình cảm quý giá của nhân dân cả nước dành tặng. Với tình cảm này, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ của mình...”.


Còn ngư dân Nguyễn Phi Hùng tâm sự: “Ở Trường Sa, bao đời nay, cha ông ta không ngừng giữ gìn, xây dựng và phát triển. Hôm nay, chúng tôi đã và đang tiếp nối truyền thống khai thác hải sản trên chính vùng biển của Tổ quốc. Ngư dân chúng tôi luôn xác định mình phải có trách nhiệm với biển, đảo quê hương, bám ngư trường, đóng góp một phần công sức nhỏ bé cùng quân và dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”...


Tạm biệt Trường Sa, nhìn về phía đảo, tôi vẫn thấy người chiến sĩ hải quân kiên trung bồng súng tuần tra, canh giữ biển trời Trường Sa, giữ bình yên cho những con thuyền cần mẫn buông lưới khai thác hải sản, góp phần phát triển kinh tế đất nước.


VĂN GIANG