Năm 2014, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa vẫn về đích thành công, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 446 triệu USD. Năm 2015, các doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục bứt phá.
Năm 2014, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa vẫn về đích thành công, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 446 triệu USD. Năm 2015, các doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục bứt phá.
Chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải sản Bền Vững (Khu công nghiệp Suối Dầu). |
Về đích thành công
Những ngày cuối năm, không khí Tết tràn ngập các nẻo đường, trong mỗi gia đình. Thế nhưng, tại nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Suối Dầu, người lao động vẫn vào ca. Đón chúng tôi ở cổng Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Hậu - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Hải sản Bền Vững cho biết, Tết đang đến gần nhưng không khí làm việc của người lao động vẫn rất hăng say. “Công ty chúng tôi chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến cá ngừ đại dương, xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Năm 2014 là năm đầy biến động, đầu năm thị trường ảm đạm, đến khoảng tháng 4 mới khởi sắc trở lại. Thế nhưng, khi thị trường có chuyển biến thì lại bị thiếu nguyên liệu. Tuy khó khăn nhưng Công ty vẫn về đích đúng kế hoạch đề ra. Sản lượng xuất khẩu các mặt hàng tươi và mặt hàng đông lạnh của Công ty đạt hơn 1.060 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 11 triệu USD, tăng 77% so với năm 2013” - ông Hậu nói.
Công ty TNHH Thông Thuận Cam Ranh hoạt động trong lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu. Theo ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty, năm 2014, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng do Công ty nằm trong chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi tôm giống, tôm thương phẩm đến chế biến tôm xuất khẩu; có đầy đủ các chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế BRC, ACC, Global G.A.P cho trại giống, đìa nuôi và nhà máy nên được khách hàng trên thế giới đánh giá cao. “Năm 2014, Công ty đã xuất khẩu được 3.000 tấn tôm thành phẩm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 37 triệu USD” - ông Thông cho biết.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.000 cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản. Trong đó có 44 doanh nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu. Hiện nay, các sản phẩm thủy sản của Khánh Hòa đã có mặt tại thị trường 64 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó Mỹ, Nhật Bản và EU là thị trường chính, chiếm 75% thị phần. Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Năm 2014, xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa đã về đích thành công với sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt 83.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 466 triệu USD, vượt 0,2% kế hoạch đề ra và tăng 0,4% so với năm 2013. Có được kết quả này là nhờ tình hình khai thác, nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong năm qua đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã chủ động thu mua từ các địa phương nên nguyên liệu của các mặt hàng chiến lược như: tôm, cá ngừ vẫn đảm bảo đủ để phục vụ chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, thương hiệu và uy tín của các doanh nghiệp thủy sản Khánh Hòa đã được khẳng định là yếu tố quan trọng giúp các đơn vị giữ vững thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới”.
Kỳ vọng trong năm mới
Nhận định về hoạt động xuất khẩu thủy sản năm 2015, ông Nguyễn Đình Hậu cho rằng, đây sẽ là năm để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bứt phá khi Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chiến lược. Các vấn đề tồn đọng nhiều năm qua như thủ tục thuế, hải quan đã được cải cách tối đa, giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển. Quan trọng hơn là thị trường xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi mạnh. “Năm 2015, Công ty TNHH Hải sản Bền Vững đặt mục tiêu tăng trưởng 30%. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu nguyên liệu đầu vào được đảm bảo. Hiện Công ty đang tích cực thu mua cá ngừ đại dương nguyên liệu để phục vụ kế hoạch phát triển thị trường mới ở khu vực châu Mỹ như: Canada, Mexico, Chile…”.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty TNHH Thông Thuận Cam Ranh xác định, năm 2015, tuy thị trường đang trên đà phục hồi nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn đối với hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng. Dù vậy, Công ty vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng 20% so với năm 2014. Ông Trương Hữu Thông cho biết: “Để đạt được kế hoạch đề ra, chúng tôi sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tạo uy tín thương hiệu sản phẩm tôm của Công ty trên thế giới; duy trì ổn định các khách hàng sẵn có năm 2014, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang thị trường mới như: Mỹ, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, chúng tôi phát triển thêm các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để đa dạng sản phẩm, nâng cao công suất của nhà máy, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động để giảm giá thành, cạnh tranh được với giá bán của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia”.
Theo nhận định của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, năm 2014 là năm mang tính bước ngoặt, tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản năm 2015. Đặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam tiến hành ký kết, đàm phán nhiều hiệp định song phương với các thị trường lớn sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng. Các Hiệp định thương mại được ký kết sẽ đem đến những thuận lợi nhưng đồng thời là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp khi phải cạnh tranh về giá cả, đối mặt với những rào cản kỹ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm… trong hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 470 triệu USD, ngành Thủy sản Khánh Hòa đang tập trung thực hiện tốt các nội dung của Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản…Theo đó, về nuôi trồng thủy sản, ngành tập trung hướng dẫn, giám sát việc thực hiện mùa vụ; hỗ trợ phát triển hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung, thâm canh; tiến hành tổ chức lại sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, nhân rộng nuôi trồng thủy sản theo mô hình VietGAP; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản… Về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung của Nghị định 67; Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi tại Khánh Hòa; triển khai, nhân rộng các mô hình tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá; tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác… Ông Lê Tấn Bản cho biết thêm: “Mục tiêu của ngành Thủy sản Khánh Hòa trong năm 2015 là sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 22.500 tấn và sản lượng khai thác đạt 87.500 tấn. Đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến là yếu tố quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015”.
THỦY BA