03:02, 20/02/2015

Huyền thoại mẹ…

Những ngày giáp Tết, đến thăm các mẹ Việt Nam anh hùng vừa được Đảng, Nhà nước phong tặng, chúng tôi vẫn thấy sự kiên trung ánh lên trong từng ánh mắt, lời nói của các mẹ. Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng các mẹ mãi là tấm gương sáng, mãi mãi làm nên những huyền thoại.

Những ngày giáp Tết, đến thăm các mẹ Việt Nam anh hùng vừa được Đảng, Nhà nước phong tặng, chúng tôi vẫn thấy sự kiên trung ánh lên trong từng ánh mắt, lời nói của các mẹ. Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng các mẹ mãi là tấm gương sáng, mãi mãi làm nên những huyền thoại.

 

1
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao danh hiệu cho các mẹ Việt Nam anh hùng.


“3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ”…

Năm nay đã 98 tuổi nhưng mẹ Phan Thị Lợi (125/15 Hà Thanh, phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) vẫn minh mẫn. Trong cuộc sống hôm nay, dẫu không còn sự hiện diện của chồng và 2 người con, nhưng trong căn phòng nhỏ của mẹ dường như luôn có bóng dáng của họ.

Mẹ Lợi quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, lớn lên, mẹ tham gia hoạt động cách mạng, nên nghĩa vợ chồng với anh bộ đội Trương Viết Lâm và sinh được 3 người con trai. Trong những năm tháng khói lửa ấy, mẹ vừa làm ruộng vừa tiếp tế lương thực cho bộ đội. Rồi mẹ lần lượt tiễn chồng và 3 người con trai lên đường làm cách mạng…

 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao danh hiệu cho thân nhân các mẹ Việt Nam anh hùng.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao danh hiệu cho thân nhân các mẹ Việt Nam anh hùng.


Trò chuyện với chúng tôi nhưng ánh mắt mẹ hướng mãi lên bàn thờ, một bên là chồng (thương binh đã mất từ nhiều năm nay), một bên là 2 con đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Liệt sĩ Trương Viết Anh hy sinh tại mặt trận Bình Trị Thiên khi mới 17 tuổi. Liệt sĩ Trương Viết Dũng hy sinh tại mặt trận phía Tây Nam ở tuổi 26.  Mẹ Lợi nói: “Đất nước có chiến tranh, người dân phải lên đường bảo vệ Tổ quốc. Dù biết sẽ có hy sinh, mất mát, mẹ vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Nỗi sợ lớn nhất cuộc đời mẹ là không được cống hiến cho Tổ quốc…”. Có lẽ những năm tháng chiến tranh đã làm cho mẹ trở nên rắn rỏi, kiên cường để vững tin trong cuộc sống. Mẹ Lợi kể: “Trước hôm Dũng lên đường ra mặt trận, nó còn dẫn người yêu về ra mắt. Mẹ còn nhớ lời nói của Dũng: Đánh xong trận này là đất nước thống nhất, con sẽ về làm đám cưới để cho mẹ có một cô con dâu thảo hiền. Thế nhưng, Dũng đã đi mãi không về…”.

Lòng mẹ vẫn luôn hai tiếng “tự hào”…

Ngày trước, mẹ Võ Thị Năm (187 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Xương Huân, TP. Nha Trang) là dân công hỏa tuyến. Mẹ Năm sinh năm 1920, trong một gia đình yêu nước ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Lúc nhỏ, mẹ tham gia làm giao liên, đưa thư cho cơ sở, rải truyền đơn. Lớn lên, mẹ xung phong làm dân công hỏa tuyến, đào, đắp đường cho xe bộ đội ra tiền tuyến. Cũng trong thời gian này, mẹ gặp và kết duyên với ông Nguyễn Văn Quảng và sinh được 7 người con (5 trai, 2 gái). Rồi mẹ Năm lần lượt tiễn 5 con trai lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc như bao bà mẹ Việt Nam lúc ấy…

 

Mẹ Phan Thị Lợi rất vui khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ Phan Thị Lợi rất vui khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.



Câu chuyện kể của mẹ Năm với chúng tôi luôn bị ngắt quãng vì xúc động, những hồi ức lại ùa về trong mẹ khi xem lại từng trang album ảnh con, cháu. Sự hy sinh của hai người con trai Nguyễn Lưu Sách và Nguyễn Văn Hậu là mất mát quá lớn, nhưng không hề khiến mẹ quỵ ngã, mà khiến mẹ càng mạnh mẽ, kiên cường hơn. Mẹ bảo: “Ai cũng sống và chết một lần, nhưng sống và chết sao cho có ý nghĩa mới là chuyện đáng phải suy nghĩ và chọn lựa. Mẹ luôn tự hào bởi các con của mẹ đã giác ngộ được lý tưởng yêu nước, hy sinh cho đất nước được độc lập, tự do”…

Sưởi ấm lòng mẹ

 

Mẹ Võ Thị Năm luôn tự hào khi nhắc về các con.
Mẹ Võ Thị Năm luôn tự hào khi nhắc về các con


Hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại trải qua nhiều mất mát, hy sinh vì độc lập tự do của đất nước như dân tộc Việt Nam. Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho các mẹ là sự ghi nhận công lao, sưởi ấm lòng mẹ và linh hồn các liệt sĩ. Mẹ Lợi cho biết: “Được Nhà nước quan tâm xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ thấy rất vui”.
 

Năm 2014, Đảng và Nhà nước có 2 đợt phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 250 mẹ ở tỉnh Khánh Hòa, trong đó có 30 mẹ được phong tặng và 220 mẹ được truy tặng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 656 mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 41 mẹ còn sống.

Bà Trịnh Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với các chế độ đãi ngộ theo quy định, việc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng của các đơn vị quân đội, đoàn thể xã hội và địa phương đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất đối với những mẹ còn sống. Những căn nhà tình nghĩa được trao tặng, tuy không nhiều nhưng cũng làm các mẹ ấm lòng. Thật đáng mừng khi hiện nay, các mẹ đều có cuộc sống ổn định, hạnh phúc bên người thân và con cháu, được gia đình, chính quyền và người dân địa phương quan tâm chu đáo. Càng vui hơn khi thấy được thế hệ kế cận đã tiếp bước gia đình, noi gương truyền thống và không phụ lòng mong mỏi của ông bà, cha mẹ…


VĂN NGUYỄN