Bóng đá là môn thể thao của lối chơi tập thể và những giây phút thăng hoa của cá nhân. Sau thành công, các cầu thủ được tung hô, ngưỡng mộ nhưng mấy ai nhắc đến những người thầy đã dìu dắt, đào tạo nên những cầu thủ tài năng ấy.
Bóng đá là môn thể thao của lối chơi tập thể và những giây phút thăng hoa của cá nhân. Sau thành công, các cầu thủ được tung hô, ngưỡng mộ nhưng mấy ai nhắc đến những người thầy đã dìu dắt, đào tạo nên những cầu thủ tài năng ấy.
Đội bóng Phú Khánh năm nào thi đấu giao hữu với các đội đến từ Liên Xô và một số nước Đông Âu |
Dấu ấn một thời
Những cổ động viên lớn tuổi của Khánh Hòa ngày nay vẫn nhớ như in khả năng phản xạ xuất thần của thủ môn Phạm Văn Thọ của Đội bóng đá Phú Khánh với biệt danh “Lộc lé” vang danh khắp miền Trung hay khả năng bắt phạt đền của Trần Hải. Các hậu vệ như Quang Vinh, Hữu Uông, Nguyên Bảo, Huỳnh Chép, Phan Long, Văn Chiến, Ngọc Thống… được xem là bức tường thép, là cửa ải khó nhằn của các mũi tấn công đối phương. Còn cái tên Dương Quang Hổ đã gắn chặt với “độc chiêu” dốc bóng thần tốc bên cánh trái vừa chạy vừa sút mà hầu hết các hậu vệ lúc bấy giờ không ai theo kịp. Rồi ông vua vùng cấm mang danh “Hùng heo” nổi danh bằng những pha cài người tinh quái. Hay như trung phong cắm Bá Diệp chớp thời cơ nhanh gọn; Quang Thơ với sở trường vô lê trên không và “xe đạp chổng ngược” luôn làm nổ tung khán đài mỗi lần xuất chiêu...
Không thể kể hết những dấu ấn của bóng đá năm xưa nhưng mấy ai biết thế hệ ấy được tập trung dưới sự dìu dắt của Huấn luyện viên (HLV) Đặng Ngọc Dung. Theo như lời người học trò cưng Dương Quang Hổ: “Thủa ấy, các học trò đều coi HLV Đặng Ngọc Dung như người anh, người cha của toàn đội với thái độ yêu quý, tin tưởng và trân trọng. Trong các buổi tập hay những chuyến du đấu xa xôi, trên xe chở thầy trò còn mang theo cả gạo, mì, mắm, muối để đến bữa dừng xe bên đường tự nấu ăn. Người thầy lúc bấy giờ mang trọng trách là người anh, người dẫn dắt, quy tụ, tạo mối gắn kết trong toàn đội như ruột thịt chứ không hẳn là một nhà chiến thuật như bây giờ. Khi được thầy Dung chăm lo cho từng chút, đồng cam cộng khổ nên anh em bảo nhau nỗ lực thi đấu để không phụ lòng thầy, phụ lòng người hâm mộ”. HLV Đặng Ngọc Dung quê gốc Quảng Ngãi, được đào tạo thể thao chính quy, làm HLV cho đội tuyển Phú Khánh từ năm 1978 đến 1989. Theo danh thủ Đào Nguyên Bảo: “Bên cạnh HLV Đặng Ngọc Dung, bóng đá Khánh Hòa giai đoạn này còn có HLV phó Nguyễn Thanh Anh, cựu cầu thủ của đội Cảnh sát Sài Gòn cũng là một người thầy hết lòng vì học trò, được nhiều thế hệ cầu thủ yêu quý”.
Huấn luyện viên Lê Hồng Quang (áo xanh) là một trong những chuyên gia tìm kiếm tài năng trẻ nổi bật |
Đến thế hệ cầu thủ nổi danh thứ 2 mà Khánh Hòa có được lại hình thành theo dạng chính quy hơn. Năm 1985, khi Trường năng khiếu thể thao tỉnh được thành lập, lớp bóng đá được hình thành qua tuyển chọn trong toàn tỉnh và được sự trợ giúp từ chuyên gia Mislav đến từ Cộng hòa Dân chủ Đức. Lớp năng khiếu chính quy được tuyển lựa kỹ càng và đặc biệt là sự trợ giúp của chuyên gia đến từ đất nước có nền bóng đá phát triển mạnh chính là những yếu tố làm nên thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Khánh Hòa. Mãi sau này, khi những tên tuổi Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Anh Tuấn, Võ Đình Tân, Lê Văn Tú, Hà Quốc Phong, Trần Quốc Bảo, Trần Thái Hòa…ngày càng thành công trên đấu trường quốc nội, người ta có thể nhận ra được sự dung hòa giữa truyền thống bóng đá Việt với tính chất hiện đại của bóng đá Đức mà HLV Mislav đã truyền thụ cho các học trò. Lớp cầu thủ ấy có được chức vô địch Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc vào năm 1987 như một sự khẳng định về tài năng mà đến giờ nhiều người yêu quý bóng đá Khánh Hòa vẫn còn nhắc tới.
Những người đưa đò thầm lặng
Sau thế hệ vàng đầu tiên, bóng đá Khánh Hòa có sự kế thừa tuyệt vời của những lứa cầu thủ tiếp theo như Quý Đức, Đặng Đạo, Thiện Hảo, Tấn Tài, Duy Nam, Trọng Bình, Quang Hải, Văn Phong, Tấn Điền… Ngày ấy, dưới sự dẫn dắt của thầy Dương Quang Hổ và Nguyễn Ngọc Thống, Thiện Hảo tuy lúc đầu chỉ có mặt trong lớp năng khiếu nghiệp dư nhưng đã phát triển vượt trội và trở thành cầu thủ nòng cốt rồi đội trưởng của đội bóng Khánh Hòa những năm sau đó. Còn đối với Lê Tấn Tài - đội trưởng đội tuyển Việt Nam hiện nay lại là một câu chuyện khác về nghĩa thầy trò đáng trân trọng. “Cu Tèo” (biệt danh của Tấn Tài) thi đấu nổi bật tại giải U.15 toàn tỉnh năm 2002 và lọt vào mắt xanh của thầy Dương Quang Hổ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn tập trung đội tuyển tỉnh, Tấn Tài nhất quyết đòi về vì nhớ nhà, nhớ bạn bè, chưa kể cầu thủ sinh năm 1984 này còn là một trong những lao động chính trong gia đình. Nhưng rồi chính tấm lòng, tình cảm và tâm sức của Ban huấn luyện đã thuyết phục Tấn Tài mỗi tuần 3 buổi đón xe từ Ninh Hòa vào Nha Trang tập đá bóng, tiếp tục gắn bó với nghiệp quần đùi áo số. Giờ đây, chính anh cũng thừa nhận thầy Hổ và HLV Calisto là 2 người mà anh chịu ơn và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu.
Nói đến HLV bóng đá trẻ Khánh Hòa, ngoài Dương Quang Hổ, mỗi khi nhắc đến Hồng Quang, Hữu Nhượng, Ngọc Thống, Văn Tú, Đình Tân… người ta nghĩ ngay đến những người tận tụy với một đam mê mãnh liệt với trái bóng tròn. Họ đã hy sinh nhiều thứ mới có thể tìm ra được một vài gương mặt nổi bật để đào tạo nên tài năng cho bóng đá Khánh Hòa. Mọi người giờ hẳn đã quen tên Lâm Ti Phông, Trùm Tỉnh, 2 gương mặt sáng giá của bóng đá trẻ Khánh Hòa thời điểm hiện tại, nhưng ít ai biết được chính HLV Nguyễn Ngọc Thống đã đến tận nhà các cầu thủ này thuyết phục gia đình cho con em mình tham gia đội tuyển trẻ. Còn cái tên Lê Văn Tú lại được các học trò tin quý ở đức cần cù, chăm lo cho các học trò cả trong từng bữa ăn giấc ngủ, thậm chí hàng tháng có đến 25 ngày ở lại với các học trò ngay tại Trung tâm huấn luyện.
Giờ đây, bóng đá Khánh Hòa vẫn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình thông qua việc có mặt ở hầu hết các vòng chung kết giải trẻ toàn quốc. Đội tuyển đại biểu giành quyền chơi V-League mùa bóng 2015 với nòng cốt là cây nhà lá vườn. Những Ngọc Cường, Thế Kiệt, Văn Vũ, Đình Nhơn, Minh Huy, Quốc Chí, Đình Kha…đang là nòng cốt của đội bóng phố biển vào lúc này. Chưa kể các “sao mai” như Trùm Tỉnh, Lâm Ti Phông, Duy Anh, Đình Khương… hứa hẹn một tương lai đầy tươi sáng khi được dìu dắt và phát triển đúng hướng.
Sau thành công của cầu thủ đã trưởng thành, mấy ai nhắc đến công lao của các HLV đội trẻ. Tiếp xúc với chúng tôi, họ đều chia sẻ “cuộc sống là vậy, mỗi người đều có vai trò của mình”. Vâng, vai trò của những HLV tuyến trẻ chính là dìu dắt các cầu thủ trong giai đoạn đầu tiên đến với trái bóng tròn và lặng lẽ sau sân cỏ để dõi theo những bước thành công và cả vấp váp của những học trò cưng. Để mỗi lần thi đấu xa về, người học trò đến nhà thăm thầy đã là một niềm vui tròn đầy của người thầy dạy bóng đá.
Công Định