Tuy xa quê nhiều năm, nhưng đến ngày Tết tôi vẫn không quên hương vị đậm đà của nồi măng kho thịt mà mẹ nấu…
Tuy xa quê nhiều năm, nhưng đến ngày Tết tôi vẫn không quên hương vị đậm đà của nồi măng kho thịt mà mẹ nấu…
Nhớ mãi vị ngon
Sáng sớm một ngày cuối tháng 12, mẹ đã gọi điện: “Khi nào con được nghỉ Tết? Mẹ đã mua măng khô dự trữ đợi con về đấy!”. Không hiểu sao khi mẹ nhắc đến măng khô, lòng tôi bỗng xốn xang. Bao nhiêu kỷ niệm ngày Tết chợt ùa về. Nhớ ngày xưa còn bé, tôi thích nhất là sáng mùng Một Tết được xung phong mở nồi măng hầm thịt của mẹ để hít hà mùi thơm của nó, rồi múc vào tô cho bố cúng tổ tiên.
Năm nào cũng vậy, Tết đến, mẹ chuẩn bị rất nhiều món ngon, nhưng tôi thích nhất vẫn là món măng kho sườn heo, chân giò... Mẹ cặm cụi lọc những miếng sườn heo non thật ngon, miếng ba chỉ béo ngậy, xắt thành khối vuông vắn, rồi chọn những ngọn măng khô đem ngâm để chế biến món măng hầm thịt dùng 3 ngày Tết. Sau khi ngâm qua đêm, măng được luộc, xả nước nhiều lần để không còn mùi hăng. Vào ngày áp Tết, mẹ bắc nồi măng kho thịt lên bếp. Theo mẹ, bí quyết để có nồi măng ngon là xếp từng lớp măng, lớp sườn heo, chân giò... vào nồi, đổ nước xâm xấp ninh với lửa vừa phải. Nhìn những sợi măng khô vàng sẫm vừa trương nước, lẫn những miếng sườn heo, chân giò đã được ninh nhừ, chúng tôi không khỏi thòm thèm. Cái vị béo ngậy của chân giò, thịt ba chỉ hòa quyện với vị hơi nhân nhẩn của măng, tạo nên hương vị đặc biệt. Nồi măng kho thịt của mẹ tuy đơn giản nhưng lại là món ngon nhất mà cả nhà mong đợi. Năm nào cũng vậy, mùng Một Tết nồi măng hầm thịt to đùng, nhưng chưa hết mùng Hai đã vơi quá nửa!
Đặc biệt, trong món măng kho sườn heo, thịt ba chỉ, chân giò..., măng không phải là món phụ trợ mà là nguyên liệu chính. Ông bà xưa có câu: “Miếng măng ăn ngon hơn miếng thịt” quả không ngoa. Bởi miếng măng thẩm thấu vị béo, vị ngọt của thịt mà vẫn giữ được cái bùi, cái đậm của hương vị núi rừng. Măng hầm sườn heo, thịt ba chỉ, chân giò ăn với cơm, bánh chưng, bánh tét... đều rất ngon. Nhưng nếu cuốn với bánh tráng, rau sống, củ kiệu, chấm thêm chút mắm đường ớt tỏi keo keo, cắn nghe dai dai, sựt sựt, giòn giòn khiến ai cũng phải nhớ mãi.
“Đặc sản” không của riêng ai
Lớn lên, xa quê, đi nhiều nơi, tôi mới biết không chỉ người dân Bình Định quê tôi mà người dân nhiều nơi khác cũng ghiền món măng khô này. Ngày xưa, măng là thức ăn của người nghèo. Măng cũng là thức ăn lúc đói lòng giúp bộ đội ta đánh giặc. Nhưng bây giờ, măng khô được xem là món đặc sản được nhiều người ưa chuộng, nhất là ngày Tết. Người ta dễ dàng mua măng khô ở các chợ với giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg (tùy loại). Có nhiều loại măng như: trúc, tre, vầu, gan (măng củ hay măng lưỡi heo)..., nhưng không phải măng nào cũng ngon. Theo nhiều người, măng khô ngon nhất là măng lưỡi heo (loại măng lấy từ mầm non vừa nhú, xẻ ra phơi, đặc, chắc, không xơ) hoặc măng le (lấy từ phần thân, ngọn của cây măng, cắt lát phơi khô, đặc, bùi, không đắng...). Mỗi vùng miền, người ta khoái khẩu một loại măng và chế biến theo gu riêng. Ngoài món măng nấu với cổ, cánh, chân gà, giò heo, sườn heo, còn có miến ngan nấu măng khô, canh sườn măng khô...
Ngoài lý do là món ăn ngon, không ngán, nồi măng khô kho thịt còn phù hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết, nhất là ở miền Bắc, miền Trung. Có lẽ vì thế mà trên mâm cỗ ngày Tết, thiếu bát măng thì chưa đặc tả được cái dư vị Tết. Người miền Bắc có câu: “3 bát, 5 đĩa”, trong đó có bát măng. Giữa mâm cao cỗ đầy, đĩa măng khô ngả màu vàng óng, thịt heo béo ngậy, điểm xuyết những sợi hành trắng là món thúc giục người ta cầm đũa nhiều nhất. Theo người miền Trung, miền Nam, để có những sợi măng mềm giòn, thấm gia vị nhưng không mềm rã, nguyên liệu phải là măng lấy ở rừng Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phan Thiết... Còn với người miền Bắc, măng trúc ở Yên Tử (Quảng Ninh) là lựa chọn số một. Bà Nguyễn Thị Bích (phường Phước Tân, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Ngoài bánh chưng, bánh tét, mứt, bánh, kẹo…, Tết năm nào, tôi cũng hầm thêm nồi măng khô với chân giò hoặc thịt vịt, thịt gà để cúng tổ tiên. Măng khô hầm với cổ, cánh, chân gà, thịt heo mông hoặc vai, chân giò heo... là món khoái khẩu của nhiều người”.
Đã bao năm xa quê vào Nha Trang sinh sống, hình ảnh nồi măng hầm sườn heo, chân giò... ngày Tết của mẹ vẫn vương vấn bên tôi. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, ra chợ, nhìn các bà, các chị xúm xít bên những quầy hàng để lựa măng khô, tôi cảm thấy ngày Tết cổ truyền đang đến thật gần.
NGUYỄN KIM