06:02, 02/02/2014

Tết thầy - phong tục đẹp của người Việt

"Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Đã bao đời nay, người Việt Nam lưu truyền câu thành ngữ đó như để ghi nhớ về một thuần phong mỹ tục của dân tộc.

“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Đã bao đời nay, người Việt Nam lưu truyền câu thành ngữ đó như để ghi nhớ về một thuần phong mỹ tục của dân tộc. Dẫu “Tết thầy” xưa và nay có nhiều thay đổi, nhưng trong tâm thức mỗi người Việt, nhớ về người thầy trong những ngày vui Tết là truyền thống không bao giờ mất.


Từ “Tết thầy” xưa


Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban (72 tuổi, nguyên giáo viên trung học phổ thông, hiện sống ở xã Vĩnh Trung, Nha Trang), thời phong kiến ở nước ta dân trí thấp, ít người biết chữ. Nhà vua vì muốn nâng cao dân trí nên đề cao vai trò của người thầy. Câu thành ngữ: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” thể hiện sự khát khao nâng cao dân trí, đồng thời nhắc nhở con người luôn nhớ về nguồn gốc tổ tiên của mình.


Tục xưa, con cái trưởng thành ra ở riêng hoặc đi làm ăn xa về quê trong dịp Tết Nguyên đán. Sáng mùng một, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt về nhà cha (Tết cha) chúc thọ cha mẹ, ông bà bên nội. Theo thông lệ, người con cả, anh cả, cháu đích tôn vào trước, em út vào sau, lần lượt nói lời chúc tụng ông bà, cha mẹ sức khỏe và những điều tốt lành. Ông bà, cha mẹ bên nội chúc Tết con cháu kèm theo những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều gọi là cho lộc con cháu để lấy may ngày đầu năm. Sáng mùng hai Tết, vợ chồng con cái tiếp tục sang chúc Tết nhà ông bà, cha mẹ bên ngoại (Tết mẹ). Nghi thức cũng tương tự bên nội.

 

Ông Ngô Văn Ban (bên trái) tặng hoa chúc mừng thầy Lê Văn Đào nhân ngày 20-11.
Ông Ngô Văn Ban (bên trái) tặng hoa chúc mừng thầy Lê Văn Đào nhân ngày 20-11.


Sau những nghi thức vừa trang trọng vừa đầm ấm tình thân, ông bà, cha mẹ, con cháu thường tổ chức ăn cỗ Tết đông vui. Nghi thức chúc Tết và ăn Tết ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người, đặc biệt là tuổi thơ về hạnh phúc gia đình đầm ấm, có trên có dưới, đầy đủ, viên mãn. Nếp sống đẹp ngày Tết thể hiện sự tri ân của con cháu đối với ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại - cái gốc sinh thành và giáo dưỡng mình nên người.


Sang mùng ba, người Việt thường dành riêng để đi lễ Tết thầy giáo. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban, thầy ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi thầy giáo dạy chữ mà cả những thầy dạy nghề như nghề mộc, nghề may, nghề bốc thuốc..., thầy dạy các bộ môn nghệ thuật như đàn, hát, vẽ, múa... Người Việt còn có một câu thành ngữ chân phương, nôm na nói về vai trò của người thầy là: “Không thầy đố mày làm nên”. Câu nói này có thể hiểu là, công dưỡng dục thuộc về cha mẹ nhưng công lao dạy dỗ mình thành người hiểu biết, có nghề nghiệp để sau này sinh sống và định vị cuộc đời trong xã hội chính là người thầy. Với tinh thần tôn sư trọng đạo, người Việt quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là dạy một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy, để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng tri thức, bằng con chữ.

 


Ngày xưa, cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết, người học trò vẫn đến thăm thầy với một tấm lòng tôn sư trọng đạo. Thường thì mùng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh - những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vụ, vị trí xã hội - tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy. Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành.


Đến “Tết thầy” nay


Kể từ khi Nhà nước lấy ngày 20-11 hàng năm là ngày Hiến chương các nhà giáo, Tết thầy dường như đã chuyển dần sang ngày này.


Trước và trong dịp 20-11, các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng như: Phát động phong trào thi đua dạy tốt học tốt, tổ chức tọa đàm, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... Các bậc cha mẹ, học sinh cũng dành thời gian đến thăm, tặng quà thầy cô, chúc thầy cô những điều tốt lành.


Đối với nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban, không dịp 20-11 nào ông không đến thăm những người thầy mà mình rất mực kính trọng, đó là thầy Võ Hồng (nguyên nhà văn, nhà giáo, đã mất) và thầy Lê Văn Đào (nguyên giáo viên Anh văn). “Tôi học Văn thầy Võ Hồng tại Trường Trung học Bồ Đề (Nha Trang) vào những năm 50 của thế kỷ trước. Sau này, ra trường, vợ chồng tôi thường đến thăm thầy, nơi căn phòng trên sân thượng của ngôi nhà một tầng”, ông Ban kể. Ngày ấy, tình thầy trò thật đầm ấm, giản dị. Với lòng ngưỡng mộ người thầy của mình, vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã thực hiện 3 bộ sưu tập những bài viết về thầy Võ Hồng và những bài thầy viết trước năm 1975 mà ông có trong tủ sách gia đình. Bất ngờ trước tấm chân tình của người học trò, thầy Võ Hồng đã viết: “Tôi biết dùng lời gì để nói hết niềm xúc động?... Đây là một đóa hoa, hoa cỏ đơn sơ, màu vàng cánh mỏng, đóa hoa không tên, dành riêng cho đôi mắt biết nhìn, cho tâm hồn biết rung động”. Đến năm 2000, ông Ngô Văn Ban lại thực hiện thêm một bộ sưu tập gồm hơn 100 bài viết về thầy Võ Hồng và những bài thầy viết sau năm 1975, mang tên “Kéo dây gọi Võ Hồng”. “Tôi làm việc này để tỏ lòng biết ơn thầy, người đã dẫn tôi vào con đường văn học, văn chương, nghiên cứu, người dạy tôi cách sống, cách nghĩ, cách đối nhân xử thế... Người là tấm gương sáng tôi mãi học và noi theo”, ông bày tỏ.


Theo quan điểm của nhiều người, “Tết thầy” ngày nay đã có nhiều thay đổi, có vẻ như nó đã bị thương mại hóa, là dịp để các bậc phụ huynh đến “xin điểm”, tặng quà thầy cô để mong thầy cô quan tâm đến con em mình. Nhưng theo nhà giáo Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Tôi nghĩ trường hợp này nếu có chỉ là cá biệt. Đa số học trò đến chúc Tết thầy nhân dịp ngày Tết, ngày 20-11 với cả tấm lòng, ý nghĩ tốt đẹp, trân trọng và biết ơn”. Cũng theo thầy Tứ, theo thời gian, hình thức Tết thầy xưa và nay đã ít nhiều thay đổi, nếu ngày xưa trò đến thăm thầy với gói trà, lạng mứt... thì ngày nay món quà Tết thầy đã phong phú và đa dạng hơn, song bản chất tốt đẹp của việc Tết thầy vẫn không thay đổi; nó thể hiện tấm lòng, tình cảm và sự biết ơn của trò đối với thầy, cô giáo. “Các thầy, cô giáo dù xưa hay nay vẫn vậy. Với những người thầy chân chính, món quà không tỉ lệ thuận với tấm lòng của học trò đối với thầy. Bản thân tôi cũng thế, tôi vẫn đi thăm các thầy, cô giáo nhân dịp Tết đến, xuân về. Tôi nghĩ ngày Tết đến thăm thầy có ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt”, ông Tứ chia sẻ.


“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Phong tục đẹp ấy bắt nguồn sâu xa từ tinh thần trọng đạo nghĩa của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo”. Phong tục ấy rất cần được lưu giữ và phát huy.


NGỌC KHÁNH