08:02, 02/02/2014

Làm lân Tết

Lân - sư - rồng vốn được coi là tam phúc tinh, mang đến những điều may mắn, tốt lành. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều nơi biểu diễn lân - sư - rồng như lời chúc, lời nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng, cát tường. Trong 3 loại hình trên, lân vốn phổ biến và gần gũi hơn.

Lân - sư - rồng vốn được coi là tam phúc tinh, mang đến những điều may mắn, tốt lành. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều nơi biểu diễn lân - sư - rồng như lời chúc, lời nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng, cát tường. Trong 3 loại hình trên, lân vốn phổ biến và gần gũi hơn.


Trong con hẻm nhỏ ở đường Tô Vĩnh Diện (TP. Nha Trang), tại nhà ông Đoàn Đức Phước, Trưởng đoàn Lân - sư - rồng Thọ Phước Đường, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lân - sư - rồng Trung tâm Văn hóa tỉnh, không gian trở nên chật chội bởi đầu lân - sư - rồng treo đầy tường và rất nhiều khí cụ biểu diễn để đầy nhà.


Nói về chuyện múa lân - sư - rồng với ông bầu Phước cả ngày cũng không hết chuyện. Múa lân hiện nay vừa là nghệ thuật múa lân dân gian Việt Nam vừa là môn thi đấu lân - sư - rồng. Hàng năm, liên hoan lân - sư - rồng thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán vừa để biểu diễn phục vụ người dân vừa là cuộc thi đấu giữa các đội lân. Chỉ riêng TP. Nha Trang đã có hơn chục đội lân, chủ yếu thành lập tự phát từ những người yêu nghệ thuật múa lân. Các con  lân hoặc tự làm, hoặc mua ở nơi khác. Ở Thọ Phước Đường, nhiều con lân do ông tự làm lấy. Khi mới thành lập Thọ Phước Đường (từ nền tảng Võ đường Bích Quang, Nhà Thiếu nhi tỉnh), gia tài đầu tiên chỉ là con lân do ông tự mày mò làm. Sản phẩm đầu tiên chỉ để cho các em dùng tập luyện bởi vì... xấu! Từ chỗ chỉ dám mua một con lân đầu tiên biểu diễn, giờ đây đã là đoàn lân - sư - rồng lớn mạnh, tay nghề làm lân của ông cũng theo đó mà nâng tầm. Nhờ chịu khó mày mò, học hỏi ở các đoàn lân, cơ sở chuyên làm lân TP. Hồ Chí Minh nên những năm qua, ông đã làm ra được rất nhiều con lân đẹp cho đoàn biểu diễn.

 

Biểu diễn lân tại Lễ hội đường phố lân - sư - rồng trong chương trình Festival Biển 2013.
Biểu diễn lân tại Lễ hội đường phố lân - sư - rồng trong chương trình Festival Biển 2013.


Theo ông Phước, nhìn tổng thể, dáng con lân phải đầy đặn, tròn trịa, phải thể hiện đúng trường phái như: Lân mỏ tròn, lân mỏ vảnh. Để làm được một con lân đẹp, khi lên sườn làm khung đầu, phải hình dung tỷ lệ cân đối, hài hòa giữa mắt, sống mũi, trán. Đặc biệt, đôi mắt là linh hồn của con lân nên phải rõ ràng, sắc nét, có thần sắc linh động. Con lân phải mang đặc trưng trán dồ, mũi to. Họa tiết trang trí đầu lân phức tạp, nhiều màu sắc, nhưng hoa văn chủ đạo mang tính biểu tượng của lửa được cách điệu. Nghe ông Phước diễn giải, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh con hỏa kỳ lân trong truyền thuyết qua những bộ phim cổ trang...


TP. Nha Trang không có cơ sở làm lân truyền thống; nhưng hiện nay, có cơ sở làm lân của nhóm bạn trẻ Đặng Duy Khánh, Trưởng đoàn Lân - sư - rồng Nhân Hữu Đường (xã Phước Đồng) vừa phục vụ cho đoàn vừa cung cấp lân cho những người có nhu cầu. Gần cuối năm, nhà của Đặng Duy Khánh thoáng chốc đã bừa bộn với những khung, đầu lân đang làm dở. Khánh làm chính, ngoài ra còn có Thái Việt Pháp (phường Vĩnh Trường) và Hàn Thế Tú (phường Vĩnh Hải) cùng cậu em của Khánh, đều là những người yêu múa lân, tham gia đoàn lân của Khánh làm trợ thủ. Lân được làm quanh năm nhưng tập trung vào 2 mùa múa lân chính: Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Đặc biệt, Tết Nguyên đán, các đoàn có nhu cầu thay mới lân hơn nên đơn hàng nhiều hơn. Năm nay, từ tháng 10 âm lịch, nhóm Khánh bắt đầu làm lân phục vụ Tết.

 

Làm lân Tết.
Làm lân Tết.


Khánh cho biết, anh mới bắt đầu làm lân được 3 năm nay. Tuy mới 26 tuổi nhưng anh đã theo múa lân 13 năm. “Hồi đó, mê quá, tôi xin các anh chị đi theo, sau vài năm mới được đi diễn. Bây giờ đã thành lập đoàn nên phải mày mò làm lân để diễn. Biết làm rồi nên vừa làm phục vụ đội nhà vừa để bán” - anh kể. Cả con lân thì đầu lân là công phu nhất. Làm lân qua nhiều công đoạn. Trong đó, việc lên sườn, bẻ khung để tạo hình dáng đầu lân từ những sợi mây tổng hợp cho thật chuẩn đều do Khánh tự làm. Tuy đã quen tay nhưng để uốn 1 sườn chuẩn kích thước, bố cục phải mất 1 ngày; tiếp đến là tỉ mỉ quấn vải mùng, phủ lớp gạc, thêm lớp giấy rồi lại lớp đề can để chắc chắn và không bị thấm nước mưa; sau đó vẽ họa tiết thủ công, gắn lông, trang trí viền, gắn 2 trái châu. Để hoàn chỉnh đầu lân cũng mất 4 - 5 ngày, sau đó, Khánh tìm đến thợ may chuyên nghiệp để may thân mình con lân hoàn chỉnh. Nhớ lại ngày đầu mày mò làm lân khi chả có ai bày vẽ, Khánh phải mua lân về lột từng lớp giấy, lớp vải để xem xét cách làm, sau này dần dà quen tay nên làm ngày càng nhanh và đẹp hơn.


Ngắm Khánh tỉ mẩn vẽ họa tiết cho đầu lân, bạn Phan Ngọc Châu, Phó đoàn Lân - sư - rồng Dũng Dung Đường, bạn nghề và cũng là bạn hàng của Khánh bảo, năm nào đoàn cũng cần lân mới để dự thi. Tùy nhu cầu, sẽ đặt hàng lân mỏ tròn hay mỏ vảnh, lân trông mạnh mẽ hay hiền lành, lông dạng thường hay lông tốt. Bài múa lân thành công ngoài đòi hỏi người múa phối hợp ăn ý, động tác sinh động, khả năng búng cao, đáp chuẩn, sức mạnh, sự dẻo dai để thực hiện các động tác bật cao, bật xa, leo sào, còn phụ thuộc vào con lân đẹp. Đó là con lân chuẩn kích cỡ, đầu và mình cân đối, sử dụng lông cừu tự nhiên mềm mượt. Con lân mắt có thần khí, sống động, châu không bị đơ...


Là một trong tứ linh (long, lân, quy, phụng), để phát huy hết thần khí, phúc khí của linh vật này, trước khi đưa vào biểu diễn, lân mới được nhiều đoàn lân - sư - rồng làm lễ khai quang điểm nhãn. Sau nhiều lần phục vụ cho khán giả những tiết mục đặc sắc, thường vào những dịp cuối năm, những con lân cũ được các đoàn trân trọng làm lễ hóa lân. Những con lân mới sẽ được thay thế biểu diễn chào năm mới.


KHÁNH NINH