09:02, 04/02/2014

Hoa thiên thu

. Tùy bút của PHONG NGUYÊN


Mặt trời lên.


Có chút nắng vàng phớt nhẹ trên lối nhỏ xanh màu cây lá. Mấy đóa hoa dại vàng tươi, mong manh bên tường khẽ đong đưa, đong đưa theo gió sớm. Nhìn từ xa, chúng cứ như những đốm mắt, tinh nghịch mà đoan trang; kiêu sa mà đằm thắm; vừa dịu dàng, vừa chói lóa. Ít ai ngờ rằng, dưới chân chúng là cát, toàn cát trắng.

Mặt trời lên.


Có chút nắng vàng phớt nhẹ trên lối nhỏ xanh màu cây lá. Mấy đóa hoa dại vàng tươi, mong manh bên tường khẽ đong đưa, đong đưa theo gió sớm. Nhìn từ xa, chúng cứ như những đốm mắt, tinh nghịch mà đoan trang; kiêu sa mà đằm thắm; vừa dịu dàng, vừa chói lóa. Ít ai ngờ rằng, dưới chân chúng là cát, toàn cát trắng.


Không hiểu sao, trong tôi, những đóa hoa vàng luôn gợi một cảm xúc rất lạ lùng, nghe ấm áp, và thật nhiều sức sống. Có lẽ, bởi hoa vàng luôn dễ nhận ra trong muôn vàn sắc hoa vườn nhà. Ấy là những cánh điệp vàng, mong manh như một nét điểm trang, chân quê và mộc mạc. Ấy là vàng thược dược, rực cháy, tha thiết và mời gọi. Ấy là vạn thọ, bình dị mà thiêng liêng, dịu dàng và dân dã. Ấy là vàng mai, lung linh và huyền bí như những bước chân tạo hóa... Không thể kể hết những sắc hoa vàng. Chỉ biết rằng, giữa một rừng hoa, mắt tôi thường dừng lại bên những cánh hoa vàng.


Bên nhà, có tiếng cười trong trẻo của bầy trẻ nhỏ. Chúng chơi trò cô dâu, chú rể. Cô dâu cài lên tóc mấy cọng hoa cỏ giòn, vàng li ti như những giọt nắng. Chú rể cầm trên tay nhành hoa ngũ sắc, xen lẫn chút đỏ, vàng cho vừa thương nhớ tuổi hồn nhiên. Cô dâu chú rể, đập bể bình bông, bị đòn nát đít… Đám cưới trẻ con rộn ràng trong câu hát đồng dao. Rồi mai, những đứa trẻ ấy, như tôi ngày nào vẫn chơi vậy, trải bước trên đường xa, mang theo những sắc màu tuổi nhỏ trong tâm tưởng chân quê. Khi bé, đêm nằm nghe tiếng lốp xe chạy miết vo vo trên quốc lộ, lòng cứ mơ về những phía xa, cứ muốn được đi nhiều, thật nhiều, cho biết những miền đất lạ. Bây giờ, chân trải đã nhiều, đôi lúc lại muốn quay về ngôi nhà xưa cũ. Không làm gì cả. Những được mất, thắng thua xin gác lại ngoài hiên. Chỉ ngồi yên, lặng nhìn những đóa vàng hoa dại ngày nào.


Một buổi chiều trên miền sơn cước, sau mấy chén rượu cho người ấm nóng, người lính dạo đôi nốt trên cây đàn ghi ta rồi khe khẽ hát, khúc hát về một thời hào hùng Trường Sơn. Lời hát nghe tựa một bài Đường thi. Mông mênh. Man mác. Người lính trở lại chiến trường xưa. Bom đã im. Lửa đã tắt. Đất vẫn đây. Rừng vẫn đây. Mà người con gái giao liên năm xưa giờ đã nơi nao. Đã làm dâu ở phương nào, hay em vẫn hằng ấp iu mối tình ngày ấy? Không có ai trả lời. Chỉ thấy miên man trời xanh cao nguyên; chỉ thấy một mặt đất rợp vàng hoa dã quỳ. Ôi! Dã quỳ! Một màu vàng tha thiết, ngút ngát tới tận chân trời như đốt nung thêm nỗi nhớ. Ngày ấy, chỉ một chút hẹn hò, một chút thôi, giữa hai làn đạn réo, mà ghi khắc, mà đinh ninh, mang theo suốt cả đời. Một cánh hoa vàng bé nhỏ ép trong cuốn nhật trình dày dạn đạn bom luôn theo chân người lính trên mỗi bước hành quân. Tất cả như mới tinh khôi. Người lính đứng lặng nhìn. Nơi đâu, trong khoảng trống thênh thang ấy, ngày nào in dấu chân em? Em ở đâu, để chỉ một người bâng khuâng trên thảm hoa vàng đu đưa theo gió chiều cao nguyên hoang hoải? Không một câu trả lời. Chỉ có cơn gió hắt hiu chạy mải miết trên lưng đồi, dài theo hoài niệm.


Lúc còn đi học, chật vật mãi tôi mới hiểu được câu chuyện về nước dòng Hoàng Hà một lần trôi ra biển là mãi mãi không trở lại. Đời người chỉ một lần đôi mươi, mười tám. Đón một ngày tới cũng có nghĩa là đưa một ngày đi. Đón xuân cũng vậy, tống cựu, nghênh tân; rồi lại nghênh tân, tống cựu. Mới đó. Rồi cũ đó. Vậy còn con người? Em đã đến nơi này. Một thoáng hương xuân. Tình cờ ta gặp. Rồi lại xa. Nhưng, gặp ở nơi này, hay từng đã nơi đâu? Nhiều khi, trước một ngọn núi, trước một dòng sông, bên cạnh người, tôi thấy dường như khung cảnh này, cảm xúc này mình đã trải qua rồi, ở một đâu đó. Quen lắm. Mà cũng lạ lắm. Có phải bởi vậy chăng mà nhà Phật dạy con người hãy sống, hãy cháy hết mình trong từng sát na của cuộc sống hôm nay?


Ở xóm tôi, có một gia đình duy trì tục lệ cứ vào tối giao thừa là gặp nhau cuối năm. Ngày nào cũng gặp. Nhưng đêm trừ tịch, cuộc gặp có nhiều điều đặc biệt. Người mẹ sắp sẵn một số thức nhắm. Người bố rà soát lại bàn thờ, nhà cửa. Lần lượt những ai đã xong phần việc của mình đều tập trung. Một năm, có biết bao nhiêu điều. Những niềm vui, những nỗi buồn, những vướng mắc, thậm chí cả những việc chưa thật vừa ý lẫn nhau đều được ôn nhắc. Người bố vốn tính tình nóng nảy, được vợ con góp ý dần dà rồi dịu bớt. Đứa con cả ham mê rượu chè cũng dần từ bỏ, biết lo nỗi mình, nỗi nhà mà cố gắng vươn lên. Cứ vậy, những đứa con, đứa này nhìn đứa kia mà có lối ứng xử cho phải phép. Bây giờ, những đứa con trong gia đình ấy đã có gia đình riêng. Vài người trong số họ vẫn giữ gặp nhau cuối năm trong gia đình mình. Và, đại gia đình ấy luôn có nhiều niềm vui. Vui, bởi được soi rọi sáng tối trong nhau; bởi được kết nối trong một mạch nguồn yêu thương đúng mực.


Tôi gọi gặp nhau cuối năm như vậy là cách dọn kho ăn Tết. Trong cái kho tâm thức của mỗi con người, có biết bao nhiêu là vật dụng. Mới có, cũ có; còn tốt có mà hư hỏng cũng có. Cho nên, cứ phải dọn dẹp, cứ phải tuyển chọn thêm cái mới, cái tốt mà sửa chữa, đào thải những thứ đã hư hỏng. Làm được những điều ấy là tạo được nhân lành. Nhân lành cho một mái ấm đoàn viên. Nhân lành cho một xóm làng yên ả. Và nhân lành cho những mùa xuân thường hằng trên quê hương thanh bình. Tôi cho rằng, ấy cũng là cách chuẩn bị hành trang thật tốt cho những chuyến đi không nghỉ của mỗi con người.


Cái đẹp trong tâm hồn con người được vun đắp từ những việc tưởng chừng rất nhỏ nhoi như vậy. Tôi biết, có nhiều nơi, nhiều chỗ, người ta vẫn làm cái công việc gặp nhau cuối năm như gia đình nọ. Nhưng, kết quả không như ý muốn. Bởi những thành viên tham gia với cái tâm không thật. Ấy là kiểu màu mè trong cương tỏa sắc tướng, mãi ngóng vọng ra bên ngoài để tìm hư ảo, ví như xây chùa cho thật to, tạc tượng cho thật đẹp để chỉ khấn vái, cầu xin lợi lộc cho mỗi riêng mình. Cách ấy, chỉ biết có mỗi xuân thời gian, mong manh và hư huyễn. Trong khi, phải hành trì, phải tâm thanh tịnh mới có được niềm thường, lạc; an trụ vào cái đẹp huyền diệu của những nét tâm xuân, của chính cảm thức xuân thực thụ ngay tại lòng mình.


Ngày xuân, giới Phật tử vẫn chúc nhau thân tâm thường an lạc. Thân có an. Tâm mới lạc. Tâm không lạc. Thân làm sao an? Có lẽ, bởi vậy, mà từ năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra định nghĩa về sức khỏe: Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà còn là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội. Thân và tâm của con người như hình với bóng. Người có sức khỏe cũng có nghĩa là thân tâm đang an lạc. Nhưng, làm sao thoát khỏi thảm nạn thân bất tịnh, tâm vô thường? Chuyện kể rằng, một nhà báo phỏng vấn cụ già sống trên trăm tuổi về bí quyết sống lâu. Cụ nói, chẳng có gì cả, chỉ có mỗi sáng sớm thức dậy, cụ tự vấn mình rằng hôm nay nên sống ở thiên đàng hay địa ngục. Cân nhắc, rồi cụ chọn sống ở thiên đàng. Mà, ai cũng hiểu, muốn được sống ở thiên đàng thì phải làm gì.
Bỗng nghe đâu đó mấy câu trong bài Xuân cảnh của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông:


Khách lai bất vấn nhân gian sự,


Cộng ỷ lan can khán thúy vi.


Tạm dịch:


Khách đến chơi không hỏi việc đời,


Cùng đứng tựa lan can nhìn trời mây xanh biếc.


Người hòa vào cảnh; và thực cảnh đã là tâm cảnh. Chủ không có lời nào. Khách cũng không có lời nào. An lạc là ở đây chăng? Vô ngôn mà hàm chứa bao nhiêu lý lẽ huyền diệu của Thiền, của giải thoát.


Xuân đang về. Một người bạn từ Đà Lạt gửi về một chậu hồng, có cả hồng đỏ, hồng vàng, hồng trắng. Tất cả chúng nhìn mơn mởn xuân thì, tròn đầy và căng tràn sức sống.


Mắt tôi lại dừng trước một đóa hoa vàng, giữa chúng hoa, những đóa tuyệt bích của thiên thu.


Nha Trang, trước thềm Xuân Giáp Ngọ

 

. Tùy bút của PHONG NGUYÊN