Mỗi độ Tết đến xuân về, bên cạnh "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ /cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", báo xuân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người. Để có được số báo đặc biệt đó, những người làm báo đã bước vào mùa báo xuân từ rất sớm…
Mỗi độ Tết đến xuân về, bên cạnh “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ /cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, báo xuân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người. Để có được số báo đặc biệt đó, những người làm báo đã bước vào mùa báo xuân từ rất sớm…
Đón xuân sớm
Nhà báo Phong Nguyên (phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại Khánh Hòa) là một cây bút kỳ cựu và có nhiều tác phẩm báo xuân xuất sắc do Hội Nhà báo tỉnh bình chọn qua Hội Báo xuân các năm. Qua trao đổi với anh, chúng tôi mới vỡ lẽ nhiều điều thú vị về công việc viết báo xuân. Trước đây, ở Nha Trang có rất nhiều nhà báo chuyên viết báo xuân. Mức độ chuyên nghiệp cao đến nỗi trong cuốn sổ tay của họ luôn đầy ắp những đề tài báo xuân. Đặc biệt hơn, những chuyên gia viết báo xuân ấy còn biết cả gu báo xuân của mỗi tờ báo, địa chỉ và cách gửi bài cho báo. Và họ bắt đầu viết báo xuân từ rất sớm, khoảng tháng 9, tháng 10 là đã khai bút. Nhà báo Phong Nguyên kể: “Nhóm Làng cười Nha Trang ngày ấy có phong trào viết báo xuân rất mạnh. Có thể kể những bút danh như Khuê Việt Trường, Vĩnh Bọ Cạp, Lương Đức Dê, Ba Phi… Họ viết đủ các thể loại từ tiểu phẩm, bài nghiên cứu đến thơ châm, truyện cười… Mỗi mùa báo xuân, họ có thể viết được cả chục bài báo”.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (thứ 3 từ trái qua) xem đặc san xuân của Báo Khánh Hòa tại Hội Báo xuân năm 2013. |
Làm báo quan trọng nhất là phát hiện đề tài, đối với báo xuân đề tài càng có yếu tố quan trọng hơn. “Có đề tài hay, tâm đắc thì bài báo xuân đã thành công một nửa, một nửa còn lại là cách thể hiện và cảm xúc của người viết. Do đó, không phải đợi đến cuối năm, phóng viên mới nghĩ đến báo xuân mà trong một năm làm việc, vấn đề viết gì cho đặc san xuân luôn được trăn trở. Trong quá trình tác nghiệp, những đề tài hay, hấp dẫn luôn được người viết để dành, ấp ủ”, nhà báo Phong Nguyên bày tỏ. Với mục đích mang đến sự giải trí nhẹ nhàng, văn phong của tờ báo xuân cũng phải hài hòa, bay bổng hơn. Chính vì thế, tuy phải viết báo xuân từ rất sớm nhưng cái hay của người viết là đặt mình trong không gian mai vàng, sự rộn ràng, vui tươi của ngày Tết để mang không khí xuân vào từng tác phẩm.
Những tác phẩm gửi về từ đảo xa
Với mỗi phóng viên, được đặt chân đến quần đảo Trường Sa, cực Đông của Tổ quốc luôn là dấu ấn không thể quên trong cuộc đời làm báo. Và càng ấn tượng hơn khi được đi Trường Sa vào dịp Tết đến xuân về. Ấn tượng đó không chỉ là những cơn say sóng triền miên khi đi vào mùa biển động, mà sâu sắc nhất, cảm động nhất vẫn là tình cảm thắm thiết giữa đất liền với hải đảo trong thời khắc thiêng liêng. Chính bởi những ấn tượng đó mà bất cứ nhà báo nào đi Trường Sa dịp Tết cũng mong muốn có một tác phẩm gửi về cho kịp báo xuân.
Trước dịp Tết Quý Tỵ 2013, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức thay thu quân, chúc Tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Dịp đó, 4 phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa và Báo Khánh Hòa cùng đi. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển với những đợt say sóng, khi có thông báo đã thấy đảo, cánh phóng viên vẫn còn mơ màng bỗng bật dậy, vỡ òa trong niềm hạnh phúc và sung sướng. Mọi người vội vàng xách máy ảnh, máy quay lao ra mặt boong tàu. Được ưu tiên xuống thuyền để vào đảo chuyến đầu, những người làm báo đều có cảm giác lâng lâng khó tả. Vào tới đảo, chưa hết say sóng lại bị “say đất”, người như đi trên mây, bước thấp bước cao. Thế nhưng, với niềm đam mê nghề nghiệp, các phóng viên lại cố gắng chạy hết chỗ này, chỗ kia tìm một góc ảnh đẹp, trò chuyện với những người lính đảo để nghe họ kể về cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Có đảo chỉ vào được 1 tiếng đồng hồ nên cánh phóng viên phải tranh thủ cùng nhau phỏng vấn cho kịp thời gian ra tàu.
Xem các ấn phẩm báo xuân tại Hội Báo xuân năm 2013. |
Lấy thông tin đã khó, viết và gửi bài về đất liền còn khó hơn. Ở Trường Sa không có điều kiện tác nghiệp bằng mạng Internet tốc độ cao, sóng điện thoại cũng chập chờn. Trong khi hành trình kéo dài cả tháng trời, nếu để về đất liền mới viết thì đề tài sẽ “nguội”. Sóng to gió lớn, rất khó có thời gian ngồi viết bài nên phóng viên Thanh Hùng (Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh) bèn linh động sử dụng thể loại tường thuật trực tiếp. Phóng viên Thanh Hùng gọi điện về phòng thu, đọc thẳng trên sóng để ghi nhận không khí cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo đang tích cực gói bánh chưng, trang trí hội trường đón Tết. Tuy nhiên, đó là lợi thế của báo nói, còn đối với báo viết và báo hình thì thật khó khăn. Phải chờ tới 2, 3 giờ sáng khi ít người dùng sóng Viettel 2G, chúng tôi mới gửi bài và ảnh về đất liền. Trong gần 1 tháng, ban ngày chúng tôi vào đảo lấy thông tin, tranh thủ viết bài còn ban đêm thức để gửi bài. Tôi và nhà báo Cẩm Vân viết chung bài đón Tết ở Trường Sa cho đặc san xuân của Báo Khánh Hòa, nhưng phải hơn chục ngày sau chúng tôi mới kết nối được với nhau. Mỗi người đã hoàn thành bài viết của mình, nhưng việc ráp bài thực sự là một trở ngại. Hướng Nam có áp thấp, biển động dữ dội, là phóng viên nữ nên nhà báo Cẩm Vân bị say sóng và nằm bẹp mấy ngày liền. Sóng Internet không có, thời gian gửi bài về để kịp đăng báo xuân lại không còn nhiều, thế là nửa đêm khi biển yên, nhà báo Cẩm Vân tranh thủ nhờ điện đàm của nhà tàu gọi cho tôi để đọc từng câu, từng chữ, nhiều lúc sóng yếu nên câu được câu mất. Gần tới sáng, chúng tôi mới đọc, chép xong 2 trang giấy A4. Vậy mà phải 2 ngày sau, tôi mới gửi được bài về cho tòa soạn.
Tuy vất vả, khó khăn nhưng đối với phóng viên, khi báo xuân được phát hành, bài của mình được đăng thì mọi vất vả đều tan biến như sóng biển vỗ vào ghềnh đá. Sự hài lòng của độc giả khi cầm trên tay đặc san xuân với những trang báo có hình thức đẹp, trang nhã, nội dung phong phú, sinh động là niềm vui của những người làm báo.
HOÀNG DUNG - MẠNH HÙNG