08:01, 31/01/2014

Tự hào là vợ lính Trường Sa!

Dẫu biết làm vợ lính, lại là lính Trường Sa, sẽ phải chịu cảnh sống xa chồng, một mình vun vén hạnh phúc gia đình và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về, khi các gia đình sum vầy bên nhau…

Dẫu biết làm vợ lính, lại là lính Trường Sa, sẽ phải chịu cảnh sống xa chồng, một mình vun vén hạnh phúc gia đình và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về, khi các gia đình sum vầy bên nhau… Thế nhưng, họ vẫn tự nhủ lòng hãy vui lên, để chồng yên tâm vững tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc…

 

Chia tay người thân, ra công tác tại Trường Sa.
Chia tay người thân, ra công tác tại Trường Sa.


Cưới nhau đã ngót nghét 7 năm, qua 6 mùa xuân và 6 cái Tết, nhưng vợ chồng cô giáo Hoàng Thị Thanh và Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Đông (thị trấn Cam Đức, Cam Lâm) mới chỉ vỏn vẹn được ăn Tết cùng nhau một lần! Và, tuy đã có 2 con, một trai, một gái kháu khỉnh, nhưng nếu gộp hết những ngày phép, những ngày nghỉ tranh thủ, và cả những Thứ bảy, Chủ nhật được tạt về thăm gia đình, vợ chồng chị cũng chưa đầy 1 năm được sống gần nhau! “Giờ có 3 mẹ con nên cũng đỡ hơn, chứ hồi mới cưới, rồi sinh con nhỏ tôi mới thấm thía cuộc sống một mình khó khăn, vất vả như thế nào khi gia đình vắng bóng người đàn ông...” - chị Thanh chia sẻ.


... Năm 2003, anh chị tình cờ quen nhau trong một lần anh về phép, rồi tình yêu nảy nở. Biết chuyện, mấy cô bạn sinh viên cùng phòng trêu: Lấy chồng bộ đội Trường Sa sẽ vất vả lắm đó! Nhưng khi ấy, tình yêu của cô sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt chỉ toàn màu hồng! Nghĩ về những lúc đón anh sau mỗi chuyến đi biển, được cùng anh dạo bước trên bến cảng, trên những bãi biển thơ mộng và gia đình quây quần bên nhau hạnh phúc sau chuỗi ngày xa cách là chị quên đi tất cả. Năm 2006, khi cô tốt nghiệp ra trường, họ quyết định đến với nhau bằng một đám cưới đơn giản với khách tham dự toàn là bộ đội Trường Sa.

 

Niềm vui của cô giáo Thanh khi cả nhà được quây quần bên nhau.
Niềm vui của cô giáo Thanh khi cả nhà được quây quần bên nhau.


Khi con gái đầu lòng chưa đầy tuổi thì anh lại lên đường ra Trường Sa. Hồi ấy, Trường Sa chưa có mạng điện thoại nên việc liên lạc chỉ qua những cánh thư. Đến lúc này, chị mới thấm thía nỗi vất vả khi xa chồng, một mình chăm sóc con nhỏ. Ban ngày, bận rộn công việc trường lớp, chăm sóc con cái nên dường như chị quên đi sự thiếu vắng của chồng. Nhưng mỗi khi đêm về, nỗi nhớ chồng trỗi dậy trong lòng người vợ trẻ. Khi ấy, chị chỉ biết ôm ghì con vào lòng, lần giở những cánh thư của chồng. Hơn 2 năm anh ở Trường Sa cũng là hai lần chị đón mùa xuân, đón Tết không có anh bên cạnh.


Khi anh từ Trường Sa về, phải mất cả tháng trời cô con gái mới chịu gọi bố và đồng ý cho anh bế... Bố con vừa quen hơi, chị cũng vừa mang thai đứa con thứ 2 thì anh lại nhận lệnh lên đường ra Trường Sa. Lúc này, Trường Sa đã có mạng điện thoại nên việc liên lạc cũng đỡ hơn. Mỗi khi nhớ chồng, chị lại gọi điện tâm sự cùng anh, để được nghe anh kể về cuộc sống và công việc cùng đồng đội nơi đảo xa, và cũng để thông báo cho anh về đứa con sắp chào đời. Những ngày chị sắp sinh, anh thầm ước có một điều kỳ diệu cho anh được về bên vợ, cùng vợ vượt qua lúc khó khăn nhất, đón đứa con chào đời... Và như có một phép màu thực sự, vào những ngày chị chuẩn bị chuyển dạ, anh nhận lệnh lên tàu về nhận nhiệm vụ mới, mang theo bao lời chúc tốt đẹp của đồng đội từ đảo về đất liền. Tàu cập cảng, anh chạy như bay về nhà và vừa kịp lúc đưa chị vào bệnh viện, để được đón đứa con trai chào đời trong niềm vui, hạnh phúc.

 

Sau mỗi chuyến trở về từ Trường Sa, niềm vui của anh Sâm là được vui chơi cùng con.
Sau mỗi chuyến trở về từ Trường Sa, niềm vui của anh Sâm là được vui chơi cùng con.


Nhưng cũng chỉ được gần vợ con đúng 3 ngày, anh lại vội vã lên đường ra Hà Nội tham gia khóa đào tạo về tàu ngầm. Sau đó, chuyển tiếp sang học 2 năm bên Nga về chuyên ngành tàu ngầm để chuẩn bị cho việc đón chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ về đến Việt Nam vào cuối năm nay. Hai năm học ở Nga là thêm 2 cái Tết vợ chồng xa nhau. Anh bảo, nơi đất khách mới thấu nỗi lòng của người xa xứ mỗi khi Tết đến xuân về, và hiểu thêm về nỗi vất vả của vợ con. Khi chúng tôi hỏi Tết này có được ở nhà ăn Tết cũng vợ con sau những năm xa cách, anh cười thật thà: “Bộ đội mà, không nói trước được điều gì, nhất là khi chúng tôi thuộc lực lượng đặc biệt ”. “Vợ chồng cưới nhau được 7 năm, điều may mắn và hạnh phúc nhất đối với tôi là cả hai lần vợ chuyển dạ đều được ở bên, được chứng kiến giây phút các con chào đời... Còn đối với đời lính, chúng tôi xác định luôn phải sống xa gia đình, vợ con, nhưng chúng tôi luôn vững lòng tin khi có một gia đình hạnh phúc, vợ đảm đang, chung thủy và những đứa con ngoan ngoãn...” - Trung úy Đông chia sẻ”.


Năm 2009, chị Đậu Thị Tuyến theo chồng là Trung úy Bùi Văn Sâm vào Cam Ranh khi vừa sinh đứa con đầu lòng được 2 tháng. Cuộc sống hết sức khó khăn khi chị phải nuôi con nhỏ, lại không nghề nghiệp. Tất cả chi tiêu trong gia đình đều trông vào đồng lương của anh. Đã vậy, chị lại sinh tiếp đứa con thứ 2 nên càng khó khăn, thiếu thốn...


Là lính công binh nên năm nào anh cũng đi xây dựng ở Trường Sa, ít thì từ 5-6 tháng, có đợt đi đến cả năm trời. Gần 20 năm trong đời binh nghiệp, dường như anh đã có mặt, xây dựng ở hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. 4 năm đưa vợ con vào Cam Ranh thì anh Sâm đã có 2 cái Tết xa nhà. Thương nhất là khi đứa con trai thứ 2 vừa chào đời được 2 tháng, anh đã tạm biệt vợ con nhận lệnh đi xây dựng ở Trường Sa. “Tết đến, xuân về, nhìn cảnh các gia đình sum vầy, còn mình chỉ có 3 mẹ con thui thủi.. cũng buồn. Mặc dù đã nhủ lòng phải cứng rắn, phải vui lên, vậy mà nước mắt cứ trào ra! Cũng may, hàng xóm láng giềng vẫn thường qua lại giúp đỡ; mỗi khi lễ, Tết, đơn vị anh đều cử người đến thăm hỏi, động viên, nên tôi và các con vui hơn, có chồng đi phục vụ Tổ quốc, tôi rất tự hào”, chị Tuyến chia sẻ.
Một mùa xuân mới đang về. Một cái Tết nữa đang đến. Có lẽ giờ này, những người lính Trường Sa cũng đang chuẩn bị đón Tết. Nhưng trong tâm trí họ đang hướng về quê hương, gia đình, vợ con; ở đó, có những người vợ chung thủy, đảm đang, từng ngày vun vén cho hạnh phúc gia đình, để họ vững tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc...


XUÂN PHƯƠNG