11:01, 30/01/2014

Mốc son mới trên đường phát triển

Trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn của năm 2013, Khánh Hòa lần đầu tiên tạo lập một mốc thu ngân sách mới với số thu 11.530 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2012 và bằng 114,9% dự toán. Thành quả hôm nay là công sức của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong suốt chặng đường dài năng động, sáng tạo. Một mốc son trên chặng đường phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn của năm 2013, Khánh Hòa lần đầu tiên tạo lập một mốc thu ngân sách mới với số thu 11.530 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2012 và bằng 114,9% dự toán. Thành quả hôm nay là công sức của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong suốt chặng đường dài năng động, sáng tạo. Một mốc son trên chặng đường phát triển. Từ một tỉnh hàng năm nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, kể từ năm 2000 đến nay, Khánh Hòa vươn lên là một trong số ít các địa phương trong cả nước tự cân đối và có đóng góp cho Trung ương.


Những cột mốc không thể nào quên

 

Năm 1990, năm đầu tiên tái lập tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, tiềm lực kinh tế của Khánh Hòa khi đó còn rất nhỏ bé. Đây là giai đoạn Khánh Hòa cùng với cả nước đang mò mẫm tìm mô hình quản lý kinh tế mới thay cho tư duy bao cấp quen thuộc. Thu ngân sách năm đầu khi tách tỉnh là 51,54 tỷ đồng.

 

Bằng tinh thần sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chỉ 5 năm sau, vào năm 1995 thu ngân sách của tỉnh đã tăng gấp 10 lần so với năm đầu “ra ở riêng”, đạt 574,4 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng so với các tỉnh, thành khác bởi mức tăng thu ngân sách hàng năm luôn đạt 2 con số.


Năm 2000, cả thế giới hân hoan đón chào thiên niên kỷ mới. Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa bước vào thiên niên kỷ mới với niềm vui riêng: Lần đầu tiên, Khánh Hòa có mặt tại “Câu lạc bộ ngàn tỷ”. “Câu lạc bộ ngàn tỷ” là thuật ngữ riêng của lãnh đạo và những người làm công tác tài chính, chỉ những tỉnh, thành trong nước có mức thu ngân sách đạt 1.000 tỷ đồng/năm. Khi đó, Câu lạc bộ này trên cả nước, thành viên mới đếm trên đầu ngón tay, và Khánh Hòa chính thức bước vào nhóm 10 tỉnh thành tự cân đối ngân sách.


Bước vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mới, tình hình kinh tế - xã hội của Khánh Hòa có bước phát triển ổn định với tốc độ cao. GDP tăng bình quân hàng năm luôn ở mức trên 10%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 20%, kim ngạch xuất nhập khẩu luôn năm sau cao hơn năm trước. Tình hình tăng trưởng kinh tế phản ánh sinh động qua con số thu ngân sách. Thu ngân sách của Khánh Hòa luôn tạo lập các cột mốc mới với thời gian ngày càng rút ngắn. Nếu như trước đây, Khánh Hòa phải mất 10 năm để phấn đấu vào “Câu lạc bộ ngàn tỷ” thì trong thập niên này, số thu ngân sách mỗi khi tăng gấp đôi chỉ mất 2 - 3 năm. Năm 2003, Khánh Hòa vượt ngưỡng thu 2.000 tỷ đồng với số thu 2.204 tỷ đồng. Năm 2008, lần đầu đạt mốc thu 5.000 tỷ đồng. Năm 2012, thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.753 tỷ đồng, vượt 12,9% dự toán Trung ương giao, vượt 9,4% kế hoạch của tỉnh và tăng 17% so với năm trước. Mức thu này đặt cơ sở vững chắc cho cột mốc thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng vào năm 2013, dẫu cho chúng ta đi qua một năm đầy khó khăn, thách thức.

 

Đường Phạm Văn Đồng - cầu Trần Phú - đường Trần Phú (TP. NHa Trang)
Đường Phạm Văn Đồng - cầu Trần Phú - đường Trần Phú (TP. NHa Trang)


Hiện nay, Khánh Hòa là địa phương trong số 13/63 tỉnh, thành tự cân đối ngân sách. Trong khu vực Trung bộ và Tây Nguyên, Khánh Hòa là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 2, chỉ sau Đà Nẵng. Tuy nhiên, thu ngân sách của Khánh Hòa chủ yếu là thu nội địa, thu từ các hoạt động phát sinh của sản xuất - kinh doanh nên là nguồn thu ổn định. Đà Nẵng có số thu tuyệt đối lớn hơn (năm 2012 số thu hơn 20 ngàn tỷ, 2013 chỉ tiêu thu hơn 11 ngàn tỷ đồng), nhưng số thu từ nguồn bán quyền sử dụng đất chiếm gần 50%, và hiện nay Đà Nẵng đang phải trả giá cho vấn đề này khi thị trường đất đai đóng băng.


Để có nguồn thu ổn định


Để có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội duy trì ở mức cao, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, trong suốt thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kiên trì lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế với mục tiêu nhất quán. Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là Đại hội XIV, XV và XVI đã xác định rõ cơ cấu kinh tế của tỉnh và những ưu tiên phát triển. Đó là: Xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án thuộc các thành phần kinh tế; Nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu thông qua các chính sách ưu đãi và cải cách thủ tục hành chính. Thu ngân sách chỉ là sự phản ánh kết quả của quá trình này.


Về xây dựng cơ sở hạ tầng

 


Hàng năm, ngân sách tỉnh cân đối, dành nguồn rất lớn cho đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng và các công trình thiết yếu. Tỉnh cũng tranh thủ xin Trung ương bố trí vốn cho nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội phấn đấu đạt 110.000 tỷ đồng. Tất cả sự cố gắng ấy đã khiến diện mạo Khánh Hòa biến đổi hàng ngày.


Trong số các công trình hạ tầng đang đưa vào sử dụng, có lẽ hệ thống trục giao thông: đường Phạm Văn Đồng - cầu Trần Phú - đường Trần Phú - Đại lộ Nguyễn Tất Thành - sân bay quốc tế Cam Ranh là công trình có nhiều ý nghĩa nhất. Trục giao thông này đã xóa thế độc đạo vào Nha Trang, biến Nha Trang thành một thành phố mở. Trục giao thông này cũng thức dậy tiềm năng sân bay quốc tế Cam Ranh và khu du lịch Bãi Dài của tương lai.


Một tuyến đường cũng có tác dụng rất to lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt. Tuyến đường hình thành, nối 2 trung tâm du lịch chỉ còn 130km. Khi đoạn cuối Cầu Lùng - Cao Bá Quát hoàn tất, Nha Trang sẽ có một trục giao thông Đông - Tây, đồng thời, hàng ngàn héc-ta đất phía Tây Nha Trang sẽ trở mình, góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế.


Còn rất nhiều ngàn tỷ được huy động từ nhiều nguồn đã được đổ ra cho phát triển hạ tầng, đó là các dự án đầu tư theo các phương thức BOT, BT, đó là mạng lưới giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã... đó là mạng lưới điện nông thôn mà Khánh Hòa hoàn thành cải tạo sớm nhất cả nước, đó là hệ thống nước sạch kéo về tận chân các khu công nghiệp... tất cả đã tạo nền cho kinh tế - xã hội phát triển.


Nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu  

 

Sản phẩm giấy, bao bì của Khatoco luon đạt chất lượngcao
Sản phẩm giấy, bao bì của Khatoco luôn đạt chất lượng cao


Trong suốt những năm qua, lãnh đạo các cấp đã luôn sâu sát với cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp đang hoạt động, tỉnh tạo điều kiện trong vay vốn, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng. Tỉnh cũng có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ thông tin vươn tới những thị trường mới... Với các nhà đầu tư mới, tỉnh đã cố gắng đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện trong khâu giải phóng mặt bằng, giúp doanh nghiệp triển khai dự án được nhanh chóng nhất. Có những dự án cần sự ủng hộ của Trung ương, lãnh đạo tỉnh đã cùng nhà đầu tư trực tiếp ra Hà Nội giải quyết... Khắp các tỉnh miền Trung, có lẽ chỉ Khánh Hòa mới tự xây dựng được những doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty Yến sào.


Năm 2005, lần đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đo lường và đánh giá thực tiễn điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế tư nhân. Lãnh đạo tỉnh đã theo dõi sát kết quả xếp hạng hàng năm của Khánh Hòa để chỉ đạo các cấp có những điều chỉnh kịp thời. Năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh có một chỉ thị riêng, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phải nghiên cứu từng tiêu chí cụ thể, xem tiêu chí nào tỉnh đạt thấp để qua đó khắc phục. Chính với tinh thần thực sự cầu thị như thế, môi trường đầu tư và hoạt động kinh tế của tỉnh ngày càng hấp dẫn.


Tương lai rộng mở

 

Theo dự báo, kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất, nhưng nhìn về tương lai, chúng ta có cơ sở để lạc quan.

 

Dây chuyền sản xuất bánh Sanest cake của Nhà máy Thực phẩm cao cấp Sanest Foods (thuộc Công ty Yến Sào Khánh Hòa
Dây chuyền sản xuất bánh Sanest cake của Nhà máy Thực phẩm cao cấp Sanest Foods (thuộc Công ty Yến Sào Khánh Hòa)


 

Tỉnh ủy đang tập trung chỉ đạo triển khai Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 mà một trong những trọng tâm là Đề án xây dựng Đặc khu Hành chính - kinh tế Vân Phong. Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã khởi công. Tỉnh đã hoàn chỉnh và thông qua đề án xây dựng trung tâm hành chính mới, nhường đất nội thành Nha Trang cho phát triển du lịch. Dự án trục giao thông Cao Bá Quát - Cầu Lùng đã hoàn tất các bước chuẩn bị đầu tư. Sân bay Nha Trang đã được phê duyệt quy hoạch thành Trung tâm tài chính của tỉnh. Sân bay quốc tế Cam Ranh đã được Chính phủ cho chủ trương đầu tư thêm đường băng số 2. Khu du lịch Bãi Dài đang được hoàn thiện hệ thống đường nội bộ và hệ thống thoát nước. Khu vực Nam Vân Phong cơ bản đã giải phóng xong mặt bằng để đón chờ các nhà đầu tư lớn...


Cột mốc mới đánh dấu cho bước phát triển mới.

 

TRẦN DUY