08:01, 30/01/2014

Theo chồng đi biển

Trong tiết trời se lạnh ngày cuối năm, theo chân vợ chồng chị Phạm Thị Sương - anh Trần Tài (làng biển Thạnh Danh, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lênh đênh một đêm trên biển, tôi phần nào hiểu được công việc vất vả của những nữ ngư dân.

Trong tiết trời se lạnh ngày cuối năm, theo chân vợ chồng chị Phạm Thị Sương - anh Trần Tài (làng biển Thạnh Danh, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lênh đênh một đêm trên biển, tôi phần nào hiểu được công việc vất vả của những nữ ngư dân.

 


Quà cưới là chiếc thuyền đánh cá


Mới 1 giờ sáng, làng biển Thạnh Danh đã rộn ràng tiếng í ới gọi nhau của những người trên bến, dưới thuyền hòa cùng tiếng máy nổ giòn của những chiếc thuyền rẽ sóng ra khơi. Trong số những ngư dân mà tôi gặp, có không ít phụ nữ làm công việc của cánh mày râu.


Nhờ một người quen giới thiệu, tôi mới được vợ chồng chị Phạm Thị Sương - anh Trần Tài cho đi cùng chuyến biển. Sợ khách không quen sóng gió, anh Tài hỏi: “Chú có quen đi biển không, mùa này sóng gió dữ lắm, không quen là say sóng ngay”. Thấy tôi tỏ ra quyết tâm, anh giục vợ nhanh tay chuẩn bị đồ đạc để kịp chuyến biển.

 

Vợ chồng chị Lệ - anh Kim (phường Ninh Hải) chuẩn bị lên thuyền ra biển.
Vợ chồng chị Lệ - anh Kim (phường Ninh Hải) chuẩn bị lên thuyền ra biển.


Thuyền chúng tôi nhổ neo vừa ra khỏi cửa Đò (phường Ninh Hải), anh Tài đưa vợ điều khiển thuyền, còn anh vội mang những tay lưới ra để chuẩn bị thả. Vừa điều khiển thuyền, chị Sương vừa cho biết: “Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề biển, năm 16-17 tuổi đã theo cha ra khơi thả lưới, đánh cá... Ngày tôi cùng anh Tài thành vợ thành chồng, hai bên nội, ngoại góp tiền mua tặng chiếc thuyền làm kế sinh nhai. Lập gia đình rồi ra ở riêng, cuộc sống của vợ chồng tôi cũng bắt đầu từ những chuyến ra khơi bám biển. Trên biển, vợ chồng đồng tay đồng chân, đồng lòng đồng sức nên thấy công việc cũng nhẹ nhàng”.


Thuyền lướt đi trong đêm. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã ra đến vùng biển cạnh Hòn Lớn (phường Ninh Hải). Chỉ tay về phía những ánh đèn lập lòe trong màn sương giá lạnh, chị Sương cho hay, đó là những thuyền làm nghề lưới 1, lưới 2 như vợ chồng chị. Trong đó, phần lớn là các cặp vợ chồng cùng nhau đi biển. Anh Tài kể: “Trước đây, các làng biển ở thị xã Ninh Hòa, người đi biển chủ yếu là đàn ông, phụ nữ ở nhà chạy chợ. Thế nhưng, cá tôm rồi cũng hết; nếu tìm bạn thuyền cùng đi thì thu nhập chẳng được bao nhiêu, nên chủ yếu vợ chồng hợp sức đi biển để tiết kiệm chi phí”. Nói rồi, anh quay sang bảo vợ cho thuyền chạy chậm để anh thả lưới. Phải mất hơn 30 phút, anh mới thả xong. Khi anh Tài thả xong tay lưới cuối, những ngư dân thả lưới cạnh đó cũng vừa cập tới. Họ thả neo gần nhau, chuyện trò để đợi đến giờ kéo lưới.


Neo cạnh thuyền chúng tôi là thuyền của vợ chồng chị Huỳnh Thị Mỹ Lệ - anh Phạm Kim (làng Bình Tây, phường Ninh Hải). Cũng như vợ chồng chị Sương, quà cưới của vợ chồng chị Lệ gom góp lại cũng đủ mua chiếc thuyền nhỏ làm phương tiện mưu sinh. Ban đầu, vợ chồng chị cùng đi biển. Sau này, phần vì con cái, phần vì chạy chợ kiếm đồng vào đồng ra nên chị ở nhà; chồng chị một mình ra biển. Hơn 2 năm trước, do việc buôn bán không mấy thuận lợi nên chị đã đi biển trở lại. Thậm chí có hôm chồng ốm, chị cũng một mình dong thuyền ra biển. “Mấy ngày đầu đi lại, những cơn say sóng khiến tôi không ngồi vững được trên thuyền. Thế nhưng, thương chồng vất vả một mình trên biển, tôi quyết tâm theo chồng đi đánh cá”, chị Lệ chia sẻ.


Đồng lòng vượt hiểm nguy


Qua câu chuyện của các ngư dân, tôi được biết, ở các làng biển: Thạnh Danh, Bình Tây..., có hàng chục cặp vợ chồng cùng nhau đi biển. Mỗi chuyến ra khơi của họ thường bắt đầu từ 1, 2 giờ sáng, lênh đênh trên biển cho đến 7-8 giờ sáng mới trở về. Thông thường, họ chỉ đánh bắt cách bờ vài hải lý; thế nhưng gần đây, cá tôm ven bờ ngày càng cạn kiệt nên nhiều khi mải mê đuổi theo luồng cá, thuyền ra xa đến gần chục hải lý.

 

Kéo lưới là công việc khá nặng nhọc  đối với các nữ ngư dân.
Kéo lưới là công việc khá nặng nhọc đối với các nữ ngư dân.


Câu chuyện của các nữ ngư dân cứ tiếp diễn. Khi nhìn lại đồng hồ đã hơn 5 giờ sáng nên họ nhổ neo đi thu lưới. “Đêm nay, gió thổi mạnh, để thu hết lưới, vợ chồng tôi sẽ phải mất hơn 2 giờ”, chị Sương nói. Nhìn cảnh chị Sương cùng anh Tài nặng nhọc kéo từng đoạn lưới lên thuyền, đôi tay trần chai sạn, tôi mới phần nào hiểu được những vất vả trong cuộc mưu sinh của họ. Nghề biển vốn là công việc khá nặng nhọc và nguy hiểm, nên thông thường chỉ có cánh đàn ông sức dài vai rộng mới kham nổi. Thế nhưng, những nữ ngư dân mà tôi gặp trong chuyến biển này đều xem biển là nơi mưu sinh. Hàng ngày, họ đều đi biển, dù biết rằng đại dương mênh mông luôn tiềm ẩn những rủi ro. Ra biển đánh bắt hải sản trên chiếc thuyền nhỏ, chỉ có hai cây đèn pin, một tấm gỗ làm chỗ ngủ, còn lại phần lớn trong khoang là chỗ để ngư lưới cụ.


Thuyền chúng tôi đang thu lưới, bỗng có cơn gió lớn nổi lên, sóng đánh chiếc thuyền chao đảo. Tuy anh Tài cố gắng vững tay lái nhưng chiếc thuyền vẫn cứ như đánh đu. Chị Sương cố giữ chặt mành lưới nhưng nước tràn vào thuyền nhiều quá. Chị bảo tôi cố gắng giữ lấy mành lưới, còn chị dùng chiếc gàu tát nước giữa khoang thuyền. Hơn 20 phút, cơn gió chướng mới ngừng. Khi ấy, ai cũng mệt nhừ. “Đi biển mùa này gặp gió lốc là chuyện như cơm bữa. Ban đầu, tôi cũng sợ lắm, nhưng mãi rồi cũng quen”, chị Sương chia sẻ. Gió ngừng, chúng tôi lại tiếp tục thu lưới. Chị Sương vui mừng reo lên khi thấy có hơn chục con ghẹ dính lưới. Chị bảo, số ghẹ này bán cũng được hơn 150.000 đồng.


Trong chuyến đi biển cùng vợ chồng chị Sương, tôi còn được nghe chị kể về những chuyến ra khơi thấm đẫm mồ hôi của các cặp vợ chồng ngư phủ ở Thạnh Danh, Bình Tây... Như chuyện vợ chồng chị Thái ở Thạnh Danh buông lưới mà không biết lưới rách lúc nào, đến sáng kéo lưới lên chẳng được mấy con cá. Hay có lần các thuyền ra đến biển, thả lưới xong thì sóng gió ầm ầm, họ đành tất tả chạy vào bờ mà không kịp thu lưới...

 

Chị Phạm Thị Sương (phường Ninh Diêm) mang mớ hải sản đánh bắt được lên bán ở Bến Đò.
Chị Phạm Thị Sương (phường Ninh Diêm) mang mớ hải sản đánh bắt được lên bán ở Bến Đò.


Một đêm lên đênh trên biển, thuyền chúng tôi quay về Bến Đò để chị Sương bán mớ cá, ghẹ, tôm vừa đánh bắt được. Các nữ ngư dân vội mang cá vào bờ để cân cho thương lái; còn chồng họ thì rũ lại màng lưới, sắp xếp ngư cụ cho gọn gàng, rồi đợi vợ bán xong để cùng về. Gặp tôi, chị Lệ hồ hởi: “Đêm nay, tuy gió lớn, một đêm ra khơi nhiều vất vả nhưng vợ chồng tôi cũng kiếm được hơn 350.000 đồng”. Còn chị Sương cũng vừa bán xong mớ hải sản được gần 400.000 đồng...


Nghề biển vất vả là vậy, nhưng khi hỏi các chị có ý định bỏ nghề không?, thì ai cũng lắc đầu, bởi với họ, có hạnh phúc nào hơn khi cùng chồng đi biển.


HẢI LĂNG