09:01, 30/01/2014

Tết sum vầy!

Cuối tháng 12, người mợ từ TP. Hồ Chí Minh gọi điện nhờ mua chà bông cá thu gửi vào, không quên lời rủ rê: Tết này nghỉ dài ngày, vào trong này ăn Tết đi! Đáp lại lời mợ là cái lắc đầu nguầy nguậy, bảo rằng nếu có thời gian thì chỉ có thể đi dịp trước Tết. Không nói ra, nhưng trong thâm tâm tôi, Tết là để dành cho gia đình!

Cuối tháng 12, người mợ từ TP. Hồ Chí Minh gọi điện nhờ mua chà bông cá thu gửi vào, không quên lời rủ rê: Tết này nghỉ dài ngày, vào trong này ăn Tết đi! Đáp lại lời mợ là cái lắc đầu nguầy nguậy, bảo rằng nếu có thời gian thì chỉ có thể đi dịp trước Tết. Không nói ra, nhưng trong thâm tâm tôi, Tết là để dành cho gia đình!

 

Ảnh Internet
Ảnh Internet


1. Lại thêm một cái Tết nữa đang đến với người người, nhà nhà. Nhiều người trẻ bây giờ cho rằng, sau giao thừa là... hết Tết. Bởi 3 ngày Tết sau đó trôi qua dửng dưng trong cái nhìn của người lớn, chỉ có trẻ con - như đứa cháu 5 tuổi của tôi là háo hức, vì khỏi phải đi mẫu giáo, vì được đi chơi nhiều. Cứ như anh chị tôi chẳng hạn, vùi đầu vào công việc cơ quan cho đến hết 29 Tết, hóa ra chỉ có mỗi ngày 30 để tất bật sắm sanh cho Tết, rồi lại ké bên nội, bên ngoại mỗi nhà một ít, khi thì hũ dưa chua, lúc lại món bò thưng, cây giò, cặp bánh chưng. Thương anh chị, có năm em gái - vốn nhàn nhã hơn - sắm sanh luôn bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí... giùm. Thế mới có chuyện bây giờ có khối người tìm cách trốn Tết, không bạn bè, không đi chúc Tết, không gì hết, chỉ dành tất cả cho gia đình và để... nghỉ ngơi. Trốn Tết, người ta lại có ý định du xuân trong, ngoài nước. Như anh bạn đồng nghiệp chẳng hạn, nhà có điều kiện, Tết đến lái xe đưa cả gia đình lên Đà Lạt vui xuân, không phải lo nghĩ gì nhiều, lại đỡ... cực thân. Hay cậu tôi, có năm từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang đón Tết với chị, có khi về quê vợ ở Bình Định đón Tết... Lại có nhóm bạn độc thân Tết này rủ nhau ra đi Thái Lan du xuân... Nó làm tôi chợt nhớ đến trong một lần họp cuối năm, sau lời chúc nhân viên một cái Tết may mắn và nhiều hạnh phúc là lời dặn dò của sếp, rằng dịp Tết là khoảng thời gian dành cho bạn bè và đặc biệt là gia đình, bởi đồng nghiệp có thể cho qua tua vì ngày nào cũng gặp, gặp cả năm. Lời dặn dò nhiều ẩn ý. Hình như, trong bộn bề lo toan của cuộc sống, người ta càng thấm thía nhiều điều hơn về một cái Tết mang nhiều ý nghĩa tâm linh, trong một không gian ấm cúng bên gia đình nhỏ của mình.  


Có người lại bảo Tết như thế thật chán và còn gì là Tết. Nhưng nó lại thực sự ý nghĩa khi người ta hướng tới sự sum vầy. Không thế mà năm nào tỉnh cũng có cuộc gặp mặt kiều bào năm châu về quê ăn Tết. Không thế mà năm nào cô bạn đồng nghiệp gốc Bắc cũng nén chịu cái rét cắt da cắt thịt để mỗi năm được sum họp với gia đình trong những ngày Tết ở quê nhà Thái Nguyên. Rồi lại chợt thấy mủi lòng khi mỗi ngày cận Tết, lướt nét lại thấy tràn ngập những nỗi nhớ Tết Việt của những người con xa quê hương, vì một lý do gì đó mà không có điều kiện về quê ăn Tết. Từ một cảm xúc của người này, bao câu comment bên dưới lại ùa theo. Thế mới biết công nghệ đem lại nhiều cái hay, ít ra là kết nối lòng người tận đẩu tận đâu, trời tây trời ta trong những giây phút đầy nghẹn ngào ấy.


2. Thế nên, lòng lại thấy lạc quan với cái ý nghĩ rằng, thì hãy cứ giữ những nếp xưa trong gia đình nhỏ của mình, từ tục gói giò và bánh chưng, tục tự xông nhà, gọi điện chúc mừng từng nhà họ hàng hai bên nội ngoại sau chuông đồng hồ điểm thời khắc giao thừa... cũng là giữ được chút hương vị Tết. Một cái Tết mang nhiều ý nghĩa về tinh thần hơn là vật chất. Đã có một năm vất vả, bộn bề để có những ngày Tết ấm cúng và hạnh phúc trong mái ấm của mình. Với nhiều người là thế, và tôi cũng vậy. Đó là niềm hân hoan cùng cả nhà chuẩn bị Tết. Đó là niềm vui cùng với em gái dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa; cùng với mẹ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, thịt heo... để bố gói giò và bánh chưng. Đó là bữa cơm tất niên, sau khi cúng tổ tiên, có sự sum vầy của gia đình 3 thế hệ. Đó còn là khoảnh khắc thư thái với những cảm xúc bất tận trong cái không khí Tết về trên phố ngày 30...


Thì đây, già có niềm vui Tết của già, trẻ cũng có niềm vui của trẻ. Mỗi người cứ lâng lâng với phong vị riêng. Mẹ thì loanh quanh với chuyện cúng kính trong nhà, tẩn mẩn lau từng cái ly, bát hương trên bàn thờ tiên tổ, cắt tỉa từng cành hoa huệ, hoa lys cho vào chiếc bình pha lê chưng lên, đâu đấy lại sửa soạn đồ cúng. Mà việc ấy chẳng phải riêng từ ngày tiễn ông Táo về trời, mà nó tuần tự cho đến tất niên, giao thừa, rồi đến các mùng. Ông thì lại cùng cháu ngồi xích lô đi chợ hoa xuân lần đầu tiên có ở Nha Trang. Để rồi mang về sắc vàng rực rỡ của 2 chậu hoa vạn thọ nho nhỏ, xinh xinh cho bà chưng ở bàn thờ tiên tổ.


Riêng tôi có thói quen dạo chợ Tết sáng 30. Chẳng mua gì nhiều nhặn bởi bây giờ không còn như xưa, chất đống đồ ăn trong tủ lạnh mà chỉ cần tích trữ đến mùng Hai là vừa, bởi mùng Ba chợ đã họp, chủ yếu là chứng kiến cái đông vui, nhộn nhịp mua chen của người người hối hả ngày cuối năm. Mình cũng len lỏi, chen chân để tìm kiếm bình hoa chưng trong nhà, bởi Tết mà không có chút hương hoa thì còn gì là Tết. Có khi là cẩm chướng, lys, đồng tiền, có năm là chậu mai cảnh nhỏ, hay ghé phố Tô Hiến Thành ngắm nghía, chọn lựa giỏ đỗ quyên rực rỡ hay chậu bát tiên... Thực ra, ngày nào đi đi về về trên con dường này trong năm, tôi đã thấy mé trước vỉa hè Đài Truyền thanh TP. Nha Trang lúc nào cũng rực rỡ sắc màu của rất nhiều loại hoa được sắp đặt chen nhau trong từng chậu nhỏ. Chỉ là dịp Tết, số lượng hoa nhiều hơn, rực rỡ hơn. Đi xuống một chút nữa, ở trước Trạm Y tế lại thêm một chị hàng hoa, thêm một góc hoa muôn màu muôn sắc. Mà với tôi, hình như cung đường này là nơi xuân về sớm nhất. Hoa huệ chưng bàn thờ mẹ đã chuẩn bị từ trước đó vài ngày. Chậu cúc đại đóa trước sân, năm nào anh trai cũng là người lựa chọn, mua về. Rồi hầu như năm nào cũng vậy, chiều 30 tôi lại dạo chợ Đầm để cảm nhận không khí Tết, đôi khi là ngắm người người rộn ràng, dạo chợ hoa, mùa vài phong bao lì xì. Năm rồi, thành phố tổ chức chợ hoa ở cung đường Lê Thánh Tôn. Một nét mới, một điểm mới cho người người có không khí vui xuân đón Tết.


10 giờ đêm, lại cùng em gái nhong nhong trên phố. Khi ấy, nhà nhà, hàng quán đóng cửa chuẩn bị đón năm mới, nhưng ở vỉa hè các con phố, không khí vẫn rộn ràng. Đó là những người bán hoa Tết vẫn nhẫn nại đến những giây phút cuối mong có khách đến mua, mong bán hết số chậu cảnh mà mình đã dày công chăm sóc cả năm, để thêm chút tiền đón một cái Tết đủ đầy. Đó là những người khách vì nghèo hay vì bận bịu mà đến khoảnh khắc muộn nhất của ngày cuối năm mới thong dong tìm chút hương hoa cho xuân thêm thắm, cho Tết thêm đầy. Những sắc màu, nào của cúc các loại, nào hồng, nào mai... vẫn rực rỡ, hòa vào lấp lánh ánh sắc đèn neon giăng sáng rực đường. Có cô bé ngồi lọt thỏm ở góc đường cứ nài nỉ khách mua vài phong bao lì xì. Lại có một người đàn ông gầy gò chọn lựa mãi rồi cũng mua được 2 chậu hồng tìm chút sắc xuân. Chở hoa về bằng chiếc xe máy đã cũ, đi được một đoạn đến phố Lý Thánh Tôn, vì cột không chặt mà một chậu rơi xuống đường, vỡ toang. Nhìn ông loay hoay một hồi và thất thểu lên xe với chiếc chậu còn lại mà thương. Chút sắc xuân bỗng vơi đi niềm vui đến muộn với người đàn ông lam lũ. Chợt ngoảnh lại nơi góc phố ấy, vẫn còn bao người lúi húi chọn cho mình những chậu hoa nhỏ về tiền bạc, nhỏ cả về kích thước trước thời điểm bước sang năm mới...  


3. Hơi thở của ngày mới, xuân mới đang đến thật gần, như kết nối mọi người để cùng nhìn về một mùa xuân đầy ắp niềm tin và hy vọng. Và thời khắc trước giao thừa năm nay, với tôi, cũng sẽ là như thế, loanh quanh qua các góc phố để cảm nhận cái mùi Tết lẩn quẩn trong không gian, trong những chậu cúc vàng, trên những gương mặt người vội vã tìm xuân trên những chậu hoa muộn trong nườm nượp dòng người tiến về đường Trần Phú, Quảng trường 2-4 để chờ đợi được ngắm những chùm pháo hoa rực rỡ trên nền trời cao như vỡ ra những chùm mơ ước và hy vọng. Để rồi, có thể như năm trước, trong giây phút đó là cuộc gặp gỡ tình cờ trong ùn ùn dòng người, cô bạn đang tác nghiệp cho báo online, sau là câu chúc năm mới may mắn và nhiều hạnh phúc. Hay lắng đọng trong đáy mắt hình ảnh những du khách nước ngoài cùng đón giao thừa với người bản xứ, cũng máy ảnh, camera ghi lại những khoảnh khắc rộn ràng mà ấm áp trong dịp hiếm hoi đến với Việt Nam, đến với phố biển Nha Trang. Những nụ cười chợt mở ra thân quen.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một đôi trai gái người nước ngoài tay trong tay bên nhau trên phố Minh Khai sau màn pháo hoa đón giao thừa. Khoảnh khắc ấy như một điều gì đó viên mãn trong mùa xuân về, trong ngày Tết cổ truyền của một đất nước xa lạ nhưng lại đầy ấm áp - Tết của sự sum vầy.


BÍCH THUẦN