11:01, 29/01/2014

Rộn ràng lễ hội Katê

"Para paranưng, ôi tiếng trống những chàng trai/Thương ai thương ai đợi chờ/Thoi đưa bóng dừa xa/Tôi yêu tiếng em ca/Tôi yêu paranưng…", tôi không biết nhạc sĩ Trần Tiến phải đắm mình bao nhiêu lần trong các lễ hội của người Chăm để viết lên những ca khúc ngọt ngào về tiếng trống paranưng.

“Para paranưng, ôi tiếng trống những chàng trai/Thương ai thương ai đợi chờ/Thoi đưa bóng dừa xa/Tôi yêu tiếng em ca/Tôi yêu paranưng…”, tôi không biết nhạc sĩ Trần Tiến phải đắm mình bao nhiêu lần trong các lễ hội của người Chăm để viết lên những ca khúc ngọt ngào về tiếng trống paranưng. Riêng tôi, chỉ một lần đã “say” với không khí rộn ràng, hân hoan của lễ hội Katê khi được hòa mình vào điệu múa quạt lúc như gọi mời, lúc e ấp của người con gái Chăm cùng âm thanh hào hùng, du dương, réo rắt của tiếng trống paranưng, trống ghinăng, kèn saranai…

 

Phần hội bắt đầu với các điệu múa quạt.
Phần hội bắt đầu với các điệu múa quạt.


 

Cuốn hút cùng lễ hội Katê


Có mặt tại thôn Hữu Ðức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - 1 trong 3 nơi diễn ra lễ hội Katê, chúng tôi nhận thấy từ đầu đến cuối ngõ, tiếng trống paranưng, trống ghinăng, kèn saranai - 3 nhạc cụ đặc trưng trong lễ hội của người Chăm vang lên rộn rã. Trên những con đường vào làng, hình ảnh các thiếu nữ Chăm duyên dáng, rạng rỡ trong bộ trang phục đủ sắc màu đi dự lễ hội làm cho những khách phương xa như chúng tôi líu ríu muốn bước theo.

 

Tập dợt lại các điệu kèn, trống.
Tập dợt lại các điệu kèn, trống.


Hòa theo dòng người đi rước y trang mẹ xứ sở Pô Nagar, bạn tôi - Đạt Quang Trẻ, người dân tộc Chăm (thôn Hữu Ðức) giải thích, lễ hội Katê là lễ người Chăm đón rước các vị thần, ông bà đã khuất về chung vui cùng với dân làng, con cháu sau mùa thu hoạch. Cũng như Tết Nguyên đán của người Việt, đây là dịp để con cháu ở xa về sum họp với gia đình, cùng ghi nhớ công ơn của các vị thần, tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để người Chăm hòa mình và sống lại với các điệu kèn, điệu múa đặc trưng của dân tộc mình... Do đến trễ nên chúng tôi không chứng kiến được phần lễ, chỉ được xem phần hội. 12 giờ, tại sân bóng của thôn Hữu Đức, lượng người đổ về dự lễ rước y trang của mẹ xứ sở Pô Nagar ngày càng đông. Trên sân khấu được đặt ở giữa sân, các nghệ nhân trong trang phục truyền thống tập dợt lại các bài kèn, điệu trống, điệu múa quạt. Thấy chúng tôi thắc mắc vì sao bộ 3: trống paranưng, trống ghinăng và kèn saranai luôn đi kèm với nhau trong các lễ hội của người Chăm, ông Hàm Văn Niên - nghệ nhân thổi kèn saranai của làng giải thích: “Bộ 3 nhạc cụ này biểu hiện cho thân thể con người. Kèn Saranai có 7 lỗ, tượng trưng cho đầu người (miệng, hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi). Trống Paranưng là biểu tượng của phần thân cơ thể người. Cặp trống ghinăng tượng trưng cho 2 chân của cơ thể người, 2 chiếc dùi tượng trưng cho 2 tay. Vì thế, chúng luôn đi cùng nhau, nếu tách ra sẽ không có linh hồn”. Giải thích xong, ông cùng 2 nghệ nhân đánh trống tấu lên cho chúng tôi nghe một khúc nhạc cổ của người Chăm. Miên man theo âm trống, âm kèn phát ra từ những bàn tay nhịp nhàng của các nghệ nhân, chúng tôi thoáng thấy đâu đấy hình ảnh của những cô gái Chăm e thẹn bên chiếc khăn Mat’ra, những chàng trai Chăm bủa chài quăng lưới, cuộc sống êm ả thanh bình của người Chăm bên khung cửi dệt vải...  

 

Đoàn rước y trang vào sân bóng.
Đoàn rước y trang vào sân bóng.


13 giờ 30 phút, lễ hội ở làng bắt đầu. Sau lời khai mạc của các vị chức sắc, tiếng trống paranưng, trống ghinăng rộn rã vang lên. Hòa theo tiếng trống, các cô gái Chăm trong bộ trang phục đủ sắc màu từ 8 hướng của sân bóng bắt đầu các bài múa quạt truyền thống. Vừa lúc, đoàn người đón rước y trang của mẹ xứ sở Po Nagar cũng đến sân bóng. Đi đầu là đoàn chức sắc Bà la môn với cờ quạt, võng lọng, kế đến là đoàn người Raglai đi bên cạnh kiệu chứa y trang. Sau khi đi một vòng quanh sân trong sự đón nhận hân hoan, kính trọng của người dân bản xứ, đoàn người lại quay trở về tháp Pô Nagar. Còn trong sân, phần hội vẫn được tiếp diễn với các điệu múa quạt uyển chuyển của những cô gái Chăm hòa cùng tiếng kèn, tiếng trống dồn dập, réo rắc lúc như tự tình, lúc trầm hùng. Hòa trong các âm thanh đó, các nghệ sĩ của làng cất lên những tiếng hát, lời ca ca ngợi những vị thần núi, thần sông, thần mặt trời, thần lúa, những vị “Pô” hiền, những người đã có công trong việc đưa lại ấm no, hạnh phúc cho dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa...


Hương vị món ăn trong lễ hội Katê

 

Lễ hội Katê diễn ra từ ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng 25-9 đến 5-10 dương lịch). Địa điểm: Đền tháp Pô Nagar (thôn Hữu Đức), tháp Pô Klông Garai (phường Đô Vinh, Tháp Chàm), tháp Pô Rôme (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu), tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội nhằm tôn vinh, tưởng nhớ các vị thần Pô Nagar, Pô Klông Garai, Pô Rôme - những người mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Trình tự các lễ là: Đón rước y phục, mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc y phục cho tượng thần. Các lễ vật dâng cúng gồm: thịt dê, gà, cơm, canh, muối vừng, bánh gạo và hoa quả. Ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè... 

Sau lễ hội ở làng, mọi người về nhà để mở tiệc. Chúng tôi tới nhà một người bạn là dân tộc Chăm. Ngay từ đầu sân, mùi ớt, sả, gạo rang, vị chua thanh của lá me... thơm phưng phức đã lan tỏa. Bạn tôi giải thích, đây là mùi vị của món nước xáo thịt dê ăn kèm với giem (cây chuối non xắt nhỏ trộn với lá lốt) - món ăn truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Katê của người Chăm. Trong sân, 6 bàn ăn đã được bày sẵn chén đĩa. Bà con dòng họ đến chúc mừng lễ hội ngày càng đông. Sau những lời chúc, các chị, các mẹ xuống bếp phụ đổ bánh, làm gà, vịt, nấu xôi..., không khí rộn ràng cả một góc nhà, chẳng khác mấy so với không khí của gia đình tôi trong ngày 30 Tết Nguyên đán. Ngụy Thùy Vân - vợ của người bạn cho biết, khác với phong tục Tết Nguyên đán, lễ hội Katê không kiêng cữ người xông đất. Những ngày này, nếu gia đình nào có nhiều bạn bè, hàng xóm đến thăm và chung vui thì năm đó gia đình ấy sẽ gặp nhiều may mắn. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội (trước kia kéo dài cả tháng), các gia đình trong dòng tộc cứ xoay vòng mở tiệc và mời anh em họ hàng đến dự.


Hơn nửa giờ sau, các món ăn đã được bày lên bàn với đủ màu sắc, nóng hổi. Có sắc trắng, đỏ của món nem chả; màu xanh của ớt, của rau quyện cùng màu đỏ của thịt cừu trong món xào; màu tím, vàng của các loại khoai trong món cari cừu... Và chúng tôi đã được thưởng thức món nước xáo thịt dê ăn kèm với giem như sự mong đợi. Bà Ngụy Hướng Hồng - mẹ vợ của người bạn giải thích: “Nguyên liệu để chế biến món này là những thực phẩm có nhiều ở làng. Thịt dê sau khi luộc chín vớt ra, xắt lát để cúng, nước luộc thịt còn lại cho vào gạo rang, lá me non, cà chua cùng với các phụ gia đi kèm như: muối, bột ngọt, ớt... Món này phải ăn kèm với giem mới đúng vị”. Húp miếng nước xáo thịt dê còn nóng hổi, ai trong chúng tôi cũng xuýt xoa khi được thưởng thức vị ngọt lừ của nước luộc thịt đi cùng với độ sệt của gạo rang, vị chua thanh của lá me non kèm với vị cay nồng của ớt. Chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn được làm từ thịt cừu - một con vật nuôi khá nhiều ở vùng này...


Bà Ngụy Hướng Hồng cho biết, những năm gần đây, nhiều gia đình, nhất là những gia đình trẻ, do không biết cách chế biến các món ăn từ thịt dê, cừu nên họ chuyển sang nấu và mua các món giống như ăn Tết Nguyên đán của người Kinh. Do đó, các món ăn truyền thống trong lễ hội Katê không còn nhiều trên bàn ăn trong các gia đình người Chăm.


THẢO LY - CẨM VÂN