08:01, 31/01/2014

Nhà thơ Giang Nam: Bác là tất cả

Từ bài thơ đầu tiên cho đến những bài mới được sáng tác gần đây, nhà thơ Giang Nam luôn dành một tình yêu, niềm tin và mạch cảm xúc sâu sắc đối với Bác Hồ. Đó là tiếng lòng của ông đối với Bác và cũng là điều nhiều người muốn nói.

Từ bài thơ đầu tiên cho đến những bài mới được sáng tác gần đây, nhà thơ Giang Nam luôn dành một tình yêu, niềm tin và mạch cảm xúc sâu sắc đối với Bác Hồ. Đó là tiếng lòng của ông đối với Bác và cũng là điều nhiều người muốn nói.

 

Người đi rừng núi trông theo bóng Người - câu thơ trong bài Việt Bắc của cố nhà thơ Tố Hữu cũng là cái hồn mà nhà thơ Giang Nam muốn tỏ lòng qua những bài thơ viết về Bác. Bác là tất cả.

 


Vẫn có Bác bên mình!


Một ngày cuối năm, lật giở chồng bản thảo bạn đọc gửi tới Tòa soạn, bỗng bắt gặp tập bản thảo viết tay của nhà thơ Giang Nam viết về Bác Hồ. Biết tên tuổi ông qua bài thơ để đời Quê hương, thi thoảng đọc được một số bài thơ của ông trên báo viết về quê hương, về biển, đảo, Trường Sa nên tôi cũng tò mò lần giở ra đọc từng bài. Lướt qua mốc thời gian được đề ở cuối mỗi bài, chợt giật mình khi thấy có bài viết từ năm 1968, có bài viết năm 1982 cho đến những năm gần đây.

 

Phan Thiết, bến Nhà Rồng hay khi đặt chân đến cả nơi xa xôi như Côn Minh (Trung Quốc)... Dường như trong trái tim ông, hình ảnh Bác đã chiếm trọn với một niềm tin mãnh liệt. Không có may mắn được gặp Bác Hồ, nhưng suốt đời mình nhà thơ Giang Nam đã nguyện đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn. Lần giở từng kỷ niệm, chút ký ức trong hành trình cách mạng của Bác với thủ pháp đồng hiện để giãi bày tình cảm của bản thân và nói hộ tiếng lòng của nhiều người dân Việt Nam đối với Bác. Cứ như thế, viết về Bác đã trở thành một đề tài lớn và giàu cảm xúc trong suốt con đường thi ca của nhà thơ Giang Nam.


Dòng xúc cảm về Bác đến với nhà thơ Giang Nam thật phong phú, nhưng cũng rất đỗi bình dị, gần gũi. Từ hình ảnh Bác dừng chân bên suối nghỉ ngơi, Bác trồng cây... cũng lắng đọng thành thơ; từ buổi nghe đọc thơ Bác ở Phan Thiết bên dòng Cà Ty lấp lánh, đứng ngắm bến Nhà Rồng, hay thậm chí đi trên con tàu ngang qua quê Bác giữa trưa cũng tạo nên xúc cảm trong tâm hồn thi sĩ. Bên bờ vịnh Cam Ranh, ông nghĩ về ngày lịch sử 18-10-1946 Bác ghé nơi đây mà trong tim dâng lên niềm mong ước năm xưa của biết bao đồng bào miền Nam được một lần đón Bác vào thăm. Cả khi đặt chân đến Côn Minh (Trung Quốc), ông cũng mê mải với ý niệm tìm dấu chân trên con đường cách mạng của Bác ở chốn này... Với nhà thơ Giang Nam, hình ảnh Bác Hồ luôn đồng hành với non sông, tình cảm của mỗi người dân đất Việt: Đất nước bốn mươi năm vắng bóng Bác Hồ/Tát nước, thăm đồng cùng dân vượt khó/Nói chuyện với phi công, thăm một trường mẫu giáo/Mà lòng dân chưa vắng Bác một ngày... (bài thơ Bốn mươi năm vẫn có Bác bên mình được nhà thơ viết vào năm 2009).


Son sắt niềm tin


Bác Hồ và Hà Nội là hai mảng đề tài lớn của nhà thơ Giang Nam. Ông chia sẻ: “Trái tim tôi lúc nào cũng thôi thúc viết những dòng thơ về Bác”. Đến nay, nhà thơ đã viết được 15 bài thơ về Bác Hồ, trong đó có 11 bài được in trong các tuyển tập thơ hoặc trên các tờ báo. Ít ai biết, dấu mốc đầu tiên trên hành trình viết về Bác của ông là bài Con viết bài thơ dâng Bác được ông sáng tác vào năm 1959. Chàng trai Nguyễn Sung (tên thật của nhà thơ Giang Nam) lúc ấy vừa tròn 30 tuổi và đang tham gia hoạt động kháng chiến ở địa phương. “Khi ấy, lực lượng cách mạng đã nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Giơnevơ tập kết ra Bắc, nhưng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã phản bội lại những điều đã ký kết, khiến miền Nam chìm trong biển máu. Trước thực trạng đó, hình ảnh Bác Hồ trong lòng mỗi người dân miền Nam như một nguồn động lực, một niềm tin son sắt”, nhà thơ Giang Nam nhớ lại.

 

Nhà thơ Giang Nam vẫn tiếp tục viết những vần thơ về Bác.
Nhà thơ Giang Nam vẫn tiếp tục viết những vần thơ về Bác.


Hình ảnh Bác Hồ đến với nhà thơ lúc đó thật tình cờ, khi ông nhìn thấy tấm hình Bác được in trên báo Thống Nhất. Cảm xúc ùa về, ngay trong đêm đó, ông viết rất nhanh những dòng thơ: Vui sao giữa những ngày gian khổ/Bác đã về đây với chúng con/Tờ báo mới, thơm mùi mực mới/Đến với con qua lớp lớp Trường Sơn… Trong mường tượng của nhà thơ, hình ảnh Bác “giản đơn như cuộc đời bộ đội” với ruột gạo, ống muối, chiếc ba lô, đôi dép cao su. Chính vì thế: Con nhớ như in từng lời của Bác/Tiếng nói quê hương trong tiếng nói một người… Có người từng nói, thơ văn là nhật ký của cuộc sống và nhà thơ, nhà văn là những người thư ký của thời đại. Ghi lại cảm xúc của những người con miền Nam đối với Bác Hồ, nhà thơ Giang Nam đã làm toát lên niềm tin mãnh liệt, một lòng một dạ đi theo Bác của người dân miền Nam. Dù trong xà lim ngục tối, hay trước lưỡi lê máy chém, hàng vạn đồng bào miền Nam vẫn như thấy Bác đang an ủi, vỗ về. Và mong ước tột cùng không gì khác ngoài: Ngày mai tan lũ quân thù đế quốc/Chúng con sẽ về quanh Bác, Bác ơi!/Băng bó đau thương, xây dựng lại cuộc đời/Như muôn mạch máu li ti trở về tim vĩ đại.  


Bài thơ sau khi được viết xong, nhà thơ Giang Nam đã phải cất giấu rất kỹ để tránh tai mắt của kẻ thù. Một thời gian sau, bài thơ được in trong bản tin kháng chiến của quân dân Khánh Hòa. Rồi thông qua đường giao liên, bài thơ vượt vòng vây của kẻ thù để đến với miền Bắc. Ngay lập tức, bài thơ được đăng trên báo Thống Nhất rồi lại trở lại chiến trường miền Nam. Không chỉ nói lên tiếng lòng của đồng bào miền Nam hướng về Bác, bài thơ còn giúp đồng bào miền Bắc hiểu thêm về những hy sinh, mất mát mà người dân miền Nam đang phải ngày đêm gánh chịu. Giữa cảnh đau thương khôn cùng, hình ảnh Bác đã giúp củng cố tinh thần, sự kiên gan đấu tranh trong mỗi người dân miền Nam, giúp mọi người có thêm niềm tin son sắt hướng đến ngày Bắc Nam hòa chung một nhà.


Nhà thơ Giang Nam chia sẻ, ông mong ước sắp tới sẽ in được một tập thơ viết về Bác Hồ, hoặc có thể gộp hai đề tài Bác Hồ - Hà Nội trong một tập thơ. Mong rằng ông sớm hoàn thành tâm nguyện của mình để thế hệ sau có dịp thưởng thức những vần thơ sâu nặng nghĩa tình của ông.

GIANG ĐÌNH - BÍCH THUẦN

 


 


Con viết bài thơ dâng Bác


Vui sao giữa những ngày gian khổ
Bác đã về đây với chúng con
Tờ báo mới, thơm mùi mực mới
Đến với con qua lớp lớp Trường Sơn

Con nhìn Bác nghẹn ngào không chớp mắt
Bác Hồ đây. Cha của chúng con đây
Bác vẫn khỏe, hồng hào trông rắn chắc
Hơn thuở đầu tiên Bác đứng giữa lễ đài

Con nhớ năm xưa Bác ra mặt trận
Cũng ruột nghé gạo đầy, cũng ống muối, ba lô
Giữa Hà Nội tươi vui, đẹp màu áo sắc cờ
Bác vẫn giản đơn như cuộc đời bộ đội
Vẫn đôi dép cao su bốn mùa không thay đổi
Vẫn bộ đồ kaki quen thuộc, bạc màu…
Mẹ hiền ơi từng hạt trấu, cọng rau
Nuôi con lớn thuở nước còn nô lệ
Mẹ có biết đâu ngày nay con có mẹ
Yêu thương con hơn máu mủ ruột rà
Mẹ không còn nhưng con mẹ đẻ ra
Đã lớn lên do tay Người dìu dắt.

Con nhớ như in từng lời của Bác
Tiếng nói quê hương trong tiếng nói một người
Con đếm được từng nhịp tim Bác đập
Dù giữa hai miền còn giới tuyến ngăn đôi

Trong xà lim, trước lưỡi lê, máy chém
Hàng vạn chúng con đã thấy Bác bên mình
An ủi, vỗ về, tiếp sức đấu tranh
Dù đến cuối cuộc đời chưa gặp Bác
Đồng chí Cống, đồng chí Thuần, đồng chí Xuân Thu (*)
Và muôn ngàn anh chị khác
Trước giờ chết hiên ngang không khuất phục
Vẫn hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”

Có những em con chưa thấy Bác bao giờ
Trong giấc ngủ vẫn mơ chòm râu bạc
Vẫn níu áo chú, cô hỏi thăm ngày thống nhất
Vẫn làm dấu từng ngày trên bìa sách của ba
(Ba ở ngoài kia chắc đã gặp Bác Hồ
Nhất định ngày mai ba sẽ về với Bác)

Ngày mai tan lũ quân thù đế quốc
Chúng con sẽ về quanh Bác, Bác ơi!
Băng bó đau thương, xây dựng lại cuộc đời
Như muôn mạch máu li ti trở về tim vĩ đại
Con sẽ hôn những bàn tay thân ái
Gục đầu lên gối Bác, khóc như xưa
Thuở đầu tiên nghe tiếng nói Bác Hồ
Bác là tất cả trong lòng con, nửa nước!


 (Trích tập thơ “Tháng Tám ngày mai”, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1962)


Giang Nam


----------------------------------------------
(*) Tên những tù chính trị và liệt sĩ của tỉnh Khánh Hòa đã hy sinh trong tù sau năm 1954 ở miền Nam.