01:01, 30/01/2014

Hồi sinh những trái tim

Có những trái tim chỉ còn thoi thóp hoặc bỗng nhiên đau thắt, cảm giác như bị bóp nghẹt, rung lên bần bật, tưởng như sắp sửa ngừng đập, thậm chí đã ngừng đập hẳn…

Có những trái tim chỉ còn thoi thóp hoặc bỗng nhiên đau thắt, cảm giác như bị bóp nghẹt, rung lên bần bật, tưởng như sắp sửa ngừng đập, thậm chí đã ngừng đập hẳn… nhưng nhờ được nỗ lực cấp cứu kịp thời nên đã hồi sinh. Bài viết này là câu chuyện về những trái tim như thế.


Những ca cấp cứu ấn tượng


Đến bây giờ, câu chuyện chị B.T.T.H (54 tuổi, một viên chức ngành Y, sống ở đường Tuệ Tĩnh, Nha Trang) được cứu sống trong tích tắc vẫn còn râm ran trong ngành Y và cả những người dân sống ở khu phố gần nhà chị. Chị H. cũng không thể hình dung mình vẫn còn sống, khỏe mạnh, cuối tuần còn có thể đi uống cà phê và tán gẫu với bạn bè.


“Mình có tiền sử bị huyết áp cao và mỡ máu, có điều trị bằng thuốc nhưng không đều, dù vậy mình vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Sáng nào mình cũng dậy sớm đi bơi và chạy bộ cả tiếng đồng hồ. Vậy mà không ngờ... Trước ngày xảy ra sự việc khoảng một tuần, mình bị một cơn đau thắt ngực, nhưng chỉ nhói lên, thoáng qua một chút rồi hết”, chị H. kể. Do bận bịu công việc nên chị H. đã bỏ qua dấu hiệu quan trọng đó.


Hôm xảy ra sự việc, chị H. cũng đi tắm biển. 6 giờ, chị trở về nhà thì thấy đau ở ức, nhưng chỉ thoáng qua một chút rồi hết. Khi chị chuẩn bị đi làm thì cơn đau khác xuất hiện nhưng rồi cũng hết. Vừa đến cơ quan, những cơn đau tái diễn và mỗi lúc một dữ dội hơn khiến chị H. phải nằm bò ra, người quằn quại, vã mồ hôi nhớt, chân tay cứng, miệng đơ không nói được. Chị được tức tốc đưa đến phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh và sau khi được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp, chị được chuyển thẳng lên phòng thông tim can thiệp. “Khi được đưa vào phòng thông tim, tôi có cảm giác như mình sắp chết, tim đau tức đến mức muốn vỡ ra, không thở được. Vậy mà, từng khắc từng khắc chậm chạp trôi qua, bỗng dưng tôi thở... phào nhẹ nhõm, tim hết đau. Lúc ấy, tôi mới biết mình còn sống”, chị H. nhớ lại. Và trong trí nhớ của chị, tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút.

 

Phòng thông tim can thiệp trong giờ làm việc. Ảnh: PHÚC HIẾU
Phòng thông tim can thiệp trong giờ làm việc


Một trường hợp khác còn ngoạn mục hơn là anh M., một viên chức, nhà ở đường Pasteur (Nha Trang), khi vào viện đã ở trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.  


Hôm đó, khoảng 9 giờ 30 tối, anh M. lên cơn ngộp thở (anh có tiền sử bệnh hen phế quản). Cái hay của ca bệnh  này là thời gian cấp cứu kỷ lục (90 phút), trong khi theo y văn, các ca cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp ngoại viện thường chỉ kéo dài khoảng 30 phút, nếu không có kết quả là dừng. Tuy nhiên trong trường hợp này, các bác sĩ đã nỗ lực, kiên trì, sáng tạo (phải thay 2 máy thở, có lúc phải bóp bóng bằng tay, sốc điện tới 6 lần, kịp thời cho thuốc để nuôi và bảo vệ tế bào não). Nhờ đó, bệnh nhân đã được cứu sống và sống khỏe mạnh, không trở thành người tàn phế. Hiện nay anh M. vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường. Gặp anh, không ai có thể tưởng tượng anh đã từng trải qua những giây phút thập tử nhất sinh như vậy. Mỗi lần tụ họp với bạn bè, anh M. thường kể lại câu chuyện của mình và vui vẻ cho biết anh có hai ngày sinh, một ngày do cha mẹ sinh ra còn một ngày do bác sĩ đã cứu anh từ cõi chết.

 

Bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế: “Đơn vị Can thiệp tim mạch BVĐK tỉnh là đơn vị tiêu biểu của ngành Y tế Khánh Hòa. Các y, bác sĩ ở đây được đào tạo bài bản, tâm huyết và thuần thục với nghề, đã cứu được nhiều bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Thành tích của đơn vị này đã góp phần đưa Khánh Hòa trở thành địa phương đi đầu trong lĩnh vực can thiệp tim mạch ở khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Sắp tới, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai đơn vị Ngoại Lồng ngực, hai đơn vị này phối hợp với nhau sẽ góp phần xây dựng Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa trở thành Bệnh viện khu vực, Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy, có đủ khả năng mổ và can thiệp các bệnh lý về tim mạch”.

Còn ông T., một nhạc sĩ nghiệp dư ở xã Vĩnh Lương (Nha Trang), người có trái tim chỉ còn thoi thóp cũng đã hồi sinh sau khi được các bác sĩ nong mạch vành thành công.


Trước đó, bác sĩ chẩn đoán ông T. bị tắc mạch vành mãn tính rất nặng. Căn bệnh khiến ông sống rất mệt mỏi, vật vờ, thở không ra hơi. Ông hầu như không làm được việc gì, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ, đối diện với “án tử hình” treo trước mặt. May cho ông, sau nhiều lần liên hệ và được sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật về nhân lực và phương tiện, dụng cụ, các bác sĩ đã nong mạch vành tim cho ông thành công. Hôm tôi gọi điện thoại cho ông để hẹn gặp, nghe giọng ông sang sảng và vui vẻ, tôi biết ông đã khỏe mạnh trở lại. Rồi ông đọc cho tôi nghe bài thơ mà ông đã sáng tác tặng các bác sĩ, trong đó có câu: “Bệnh viện Khánh Hòa hôm nay/Tiến bộ vượt bậc đổi thay trăm phần... Chuyên môn y đức song hành/Thông tim cứu mạng dân lành rất đông”…


Người làm những trái tim hồi sinh

 

Có được những thành công trên không thể không nói đến hiệu quả hoạt động của đơn vị Can thiệp tim mạch, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 2-2009, đến nay, qua 4 năm hoạt động, đơn vị Can thiệp tim mạch đã làm thủ thuật tại phòng thông tim cho 2.457 lượt bệnh nhân. Trong đó, chụp động mạch vành cho 1.304 bệnh nhân, can thiệp động mạch vành chương trình cho 663 bệnh nhân, can thiệp động mạch vành cấp cứu cho 310 bệnh nhân, chụp động mạch thận 40 ca, chụp động mạch chi 15 ca, đặt máy tạo nhịp điều trị rối loạn nhịp tim 41 ca. Đặc biệt, trong năm 2013, đơn vị đã triển khai một số kỹ thuật cao trong can thiệp tim mạch như: Can thiệp tim bẩm sinh qua ống thông không để lại sẹo: 115 ca (bít lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch bằng dù, nong hẹp van động mạch phổi, động mạch chủ...). Những bệnh này trước đây đều phải chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để phẫu thuật tim hở rất tốn kém. Ngoài ra, bằng mối quan hệ với các chuyên gia, tổ chức nước ngoài, đơn vị đã kêu gọi tài trợ cho bệnh nhân nghèo các dụng cụ can thiệp tim mạch mỗi năm trị giá khoảng 500 - 600 triệu đồng.Một trong những người có vai trò tiên phong trong hoạt động của đơn vị Can thiệp tim mạch là Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người vừa đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật tỉnh năm 2013 với đề tài: Giá trị của bóng phóng thích thuốc Paclitaxel trong can thiệp mạch vành ở bệnh nhân tái hẹp trong stent và tổn thương mạch máu nhỏ.

 

Bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng (thứ hai từ trái qua) cùng ê kíp Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng (thứ hai từ trái qua) cùng ê kíp Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.


Không chỉ yêu nghề, giỏi nghề, điều mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tâm đắc nhất ở bác sĩ Thưởng cũng như ê kíp Can thiệp tim mạch của anh là tinh thần làm việc tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân. Tuy chế độ đãi ngộ còn hạn chế, nhưng bất kể sáng sớm hay đêm khuya, nắng hay mưa, hễ có ca bệnh cấp cứu là bác sĩ Thưởng cùng đồng nghiệp có mặt kịp thời. “Do hiện nay Bệnh viện chỉ có một ê kíp Can thiệp tim mạch nên chúng tôi phải túc trực 24/24 giờ. Trong khi đó, đặc điểm của bệnh nhồi máu cơ tim là phải can thiệp càng nhanh càng tốt, chậm một chút là bệnh nhân có thể qua đời. Chính vì vậy, tập thể đơn vị Can thiệp tim mạch chúng tôi luôn dặn nhau lúc nào cũng phải sẵn sàng có mặt”, bác sĩ Thưởng cho biết.


KHÁNH NGỌC