Khi những cành mai, cành đào bắt đầu khoe sắc, cũng là lúc đất trời Trường Sa vào xuân và người Trường Sa hòa chung không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Giáp Ngọ 2014.
Khi những cành mai, cành đào bắt đầu khoe sắc, cũng là lúc đất trời Trường Sa vào xuân và người Trường Sa hòa chung không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Giáp Ngọ 2014.
Mùa xuân đến sớm
Bày biện bàn thờ Tổ quốc. |
Ba hồi còi rền vang mặt biển. Đến hẹn lại lên, những chuyến tàu chở hàng Tết ra Trường Sa lại vượt sóng to gió lớn mang theo hơi ấm từ đất liền tới vùng hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Trên những chuyến tàu mùa xuân ấy, không chỉ có nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ Tết mà còn chứa đựng tình cảm thiêng liêng từ đất liền gửi ra đảo. “Cứ mỗi dịp cuối năm, khi Tết cổ truyền của dân tộc đến gần, chúng tôi lại tổ chức các chuyến tàu mang hàng, quà tới đồng bào, chiến sĩ đang sinh sống, làm việc tại quần đảo Trường Sa. Đây không chỉ là vật chất mà còn là tình cảm sâu đậm, sự đùm bọc sẻ chia của đất liền với vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc”, Đại tá Bùi Hải Phước - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ.
Chuẩn bị đón Tết. |
Cuối tháng 12-2013, sau hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển, vượt hơn 330 hải lý, con tàu HQ 996 cập bến xã đảo Sinh Tồn. Có mặt tại cầu tàu, vợ chồng anh Võ Kim Toàn - hộ dân trên đảo không giấu được niềm vui: “Nghe tin có tàu chở hàng Tết ra, suốt mấy ngày qua, người dân trên đảo mừng lắm. Mỗi chuyến tàu ra đây đều phải vượt qua bao nhiêu sóng gió, nên bên cạnh giá trị vật chất còn là tình cảm thiêng liêng từ đất liền với đảo. Tết này, người dân trên đảo lại đón một cái Tết đầy đủ, ấm cúng như đất liền”. Những thùng hàng, gói quà lần lượt được chuyển lên đảo trong niềm phấn khởi của người dân và bộ đội. Các mặt hàng không thể thiếu trong ngày Tết như gạo nếp, thịt heo, đậu, lá dong, hành củ, giò chả, bắp cải, su hào… đều được bảo quản chu đáo, đảm bảo chất lượng.
Gói bánh chưng ở đảo Nam Yết. |
Trên những chuyến tàu cuối năm, ngoài những món quà của đất liền gửi ra phục vụ đời sống bộ đội và nhân dân trên đảo, còn có những gương mặt trẻ, những chàng trai độ tuổi xuân xanh lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. “Đây là lần đầu tiên tôi xa đất liền đến làm nhiệm vụ ở đảo. Tuy trong lòng có chút vấn vương, lưu luyến, nhưng tôi quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tết đến, tuy không được ở cạnh người thân, gia đình, nhưng tôi đã có đồng đội và chúng tôi nguyện chắc tay súng góp phần bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc”, chiến sĩ trẻ Huỳnh Kim Ngọc làm nhiệm vụ ở đảo Cô Lin chia sẻ.
Trang trí cành mai ngày Tết. |
Người Trường Sa ăn Tết
Người dân Trường Sa đi chúc Tết. |
“Do hoàn cảnh biển đảo xa xôi, điều kiện vật chất có những thiếu thốn nhất định, nên để đảm bảo cho người dân và bộ đội đón Tết một cách đầy đủ, ấm cúng, chúng tôi luôn chú ý làm tốt công tác tiếp nhận, bảo quản hàng hóa từ đất liền chuyển ra. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ và người dân tăng gia sản xuất, làm mới cảnh quan môi trường, không gian của đảo để đón chào năm mới”, Thiếu tá Trịnh Công Lý - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn cho biết.
Chở hàng Tết vào đảo Sinh Tồn. |
Để đón Tết, người dân và bộ đội Trường Sa cũng chuẩn bị vôi ve để sơn mới cho ngôi nhà cũng như doanh trại, đơn vị mình. Tối 29 Tết, họ quây quần gói và nấu bánh chưng. Những chiếc bánh chưng được gói bằng lá dong hoặc lá bàng vuông. Và cũng như đất liền, ngày Tết, trong mỗi gia đình ở Trường Sa đều có một cành mai hoặc cành đào làm bằng giấy hoặc bằng bông nhựa. Có nhà tự tạo cành mai, cành đào bằng cách lấy nhánh cây mù u hay một loại cây nào đó tương tự, gắn bông giả lên. Chỉ vậy thôi nhưng vẫn thấy không khí ấm áp chẳng khác gì ở đất liền. Bàn thờ gia tiên và bàn thờ Tổ quốc trong các gia đình được lau dọn, trang trí đẹp mắt. Đêm giao thừa, người dân rủ nhau đến các đơn vị bộ đội chúc Tết, tham gia sinh hoạt, hái hoa dân chủ. Thời khắc giao thừa, sau khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua sóng truyền hình, bộ đội và nhân dân sum vầy bên nhau, đến các gia đình chúc nhau những điều tốt lành. Trong những ngày Tết, người dân và bộ đội cùng tham gia các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, thi đấu bóng chuyền, tham gia các trò chơi dân gian, đi lễ chùa để cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. “Ngày Tết ở đảo tuy không cầu kỳ, long trọng nhưng thắm tình đoàn kết quân dân. Tình cảm gắn bó keo sơn đó được thắt chặt đã tạo nên giá trị văn hóa bền vững của cư dân Trường Sa. Người Trường Sa rất coi trọng việc lễ chùa, cứ sáng mùng 1 Tết, bà con lại đến chùa thắp hương lễ Phật”, Đại đức Thích Minh Huy - trụ trì chùa Sinh Tồn nhận xét.
Đã đón 2 cái Tết ở Trường Sa, nhưng Thiếu úy Nguyễn Bá Ngọc - nhân viên kỹ thuật thuộc Ban kỹ thuật đảo Nam Yết vẫn không giấu nổi sự bồi hồi, xúc động mỗi khi Tết đến. “Ăn Tết ở đảo với tôi là kỷ niệm đẹp của đời quân ngũ. Hơn bao giờ hết, trong những giờ khắc đầu xuân, tình cảm đồng bào, đồng chí trên đảo càng trở nên thiêng liêng. Sự mộc mạc, chân thành chính là hơi ấm, nguồn động lực tạo nên sức mạnh cho những cư dân Trường Sa nơi trùng khơi sóng gió”.
NHÂN TÂM