08:01, 31/01/2014

Doanh nghiệp đổi mới để hội nhập và phát triển

Nhân dịp đầu xuân, các doanh nghiệp chia sẻ những mong ước và kỳ vọng trong năm mới.

Nhân dịp đầu xuân, các doanh nghiệp chia sẻ những mong ước và kỳ vọng trong năm mới.

 

Ông Lâm Duy Anh Cường - Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa: Vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch

 

Trong bối cảnh rất khó khăn của ngành du lịch do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, năm qua ngành du lịch Khánh Hòa vẫn duy trì được sự tăng trưởng khá ấn tượng. Du lịch Khánh Hòa đã có bước tăng trưởng 29,42% về lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 711.858 lượt, tăng 34,14%. Doanh thu đạt khoảng 3.950 tỷ đồng, tăng 35,85% so với cùng kỳ năm trước. Cột mốc 3 triệu khách du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa trong năm 2013 đã khẳng định một giai đoạn phát triển mới của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, hứa hẹn một sự bứt phá trong những năm tới.

 

 


Đặc biệt, năm 2013 là một năm có sự tăng trưởng đột biến của thị trường Nga. Ước tính có khoảng 150.000 lượt khách Nga đến Nha Trang, tăng 80% so với năm 2012 và chiếm  21% lượng khách quốc tế. Đây thực sự là một thị trường tiềm năng và là một nhân tố đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch Khánh Hòa trong năm qua. Tuy nhiên, điều này sẽ không làm thay đổi thị trường khách truyền thống đã được hình thành của Nha Trang là châu Âu, Mỹ, Úc... Đây vẫn là những thị trường mục tiêu của Nha Trang - Khánh Hòa theo định hướng phát triển Nha Trang trở thành điểm đến của du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế.


Để Nha Trang trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước, một điểm đến nghỉ dưỡng biển cao cấp quốc tế nổi tiếng, ngành du lịch Khánh Hòa cần được định hướng đầu tư có trọng tâm và khai thác tốt hơn những tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đang sở hữu theo hướng phát triển bền vững. Đặc biệt, cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng phong phú hấp dẫn; đầu tư xây dựng các khu giải trí đặc sắc, quy mô, những điểm tham quan có giá trị văn hóa, lịch sử, đáp ứng được nhu cầu của khách, đặc biệt là khách quốc tế để tạo được sức hấp dẫn nhằm kéo dài thời gian lưu trú nghỉ dưỡng. Việc đầu tư phát triển du lịch phải theo một quy hoạch tổng thể dựa trên những mục tiêu phát triển trọng tâm và theo một định hướng phát triển bền vững, phù hợp với nguồn lực tiềm năng, tính đặc trưng và lợi thế của địa phương, trên cơ sở  đáp ứng đúng các nhu cầu của thị trường mục tiêu đã được xác định. Việc tập trung xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa có được một môi trường du lịch lành mạnh theo các tiêu chí  xanh, thân thiện và an toàn là vô cùng quan trọng cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn nhân lực du lịch có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo chính quy nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cao về chất lượng phục vụ.


Ngoài ra, để đẩy nhanh tốc độ phát triển, ngành du lịch Khánh Hòa rất cần tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn vào công tác quảng bá tiếp thị đến các thị trường trọng điểm vì cho đến nay công tác này đang được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của Khánh Hòa. Với những kết quả tăng trưởng khá ấn tượng của năm 2013 chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một năm 2014 tốt hơn cho du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.


B.K (Ghi)


Ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang: Thực hiện nhiều biện pháp để nắm bắt cơ hội phát triển

 

Năm 2013, vượt qua không ít khó khăn, áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp chế biến nước chấm công nghiệp, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang có bước phát triển vượt bậc. Tất cả các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều vượt kế hoạch đề ra. Doanh thu của Công ty đạt 140 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước 6,5 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch; lợi nhuận đạt 7,5 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 150 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, sản phẩm nước mắm truyền thống mang thương hiệu 584 Nha Trang đã được khẳng định tại thị trường trong nước; bước đầu được giới thiệu ra thị trường một số nước.

 



Dự báo năm 2014, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và các doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp tiếp tục có sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần; trong khi đó, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng đang quay lại sử dụng sản phẩm nước mắm truyền thống, đặc biệt nước mắm truyền thống Nha Trang đã nhận được sự tin dùng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để phát triển, Công ty xác định phải nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm 584 Nha Trang bằng cách kết hợp giữa phương pháp sản xuất cổ truyền với ứng dụng công nghệ tiên tiến; áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO:22000: 2005 - một trong những hệ thống quản lý an toàn thực phẩm cao nhất hiện nay và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.


Bên cạnh đó, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, từ cuối năm 2013, Công ty đã dự trữ hơn 3.000 tấn nguyên liệu; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống phân phối nhằm chiếm lĩnh thị phần một số khu vực ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đầu tư 2 nhà máy sản xuất nước mắm tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng công suất 2.000 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chú trọng việc thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ xuất khẩu, thực hiện các bộ tiêu chuẩn quản lý, đo lường chất lượng sản phẩm; cung cấp kỹ thuật sản xuất, làm đầu mối thu gom nước mắm nguyên liệu sản xuất theo phương pháp truyền thống của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh để sản xuất, xuất khẩu, liên kết với các đơn vị để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.


BÍCH LA (Ghi)

 

Ông Phạm Văn Ngà, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang: Tăng cường hoạt động phát triển thị trường

 

Năm 2013, sản phẩm chủ lực của Công ty là sản xuất và lắp đặt hệ thống thiết bị chế biến cà phê và nông sản đối với thị trường trong nước gần như bão hòa. Công ty bắt buộc phải tìm kiếm, phát triển các thị trường mới tại nước ngoài, nhất là những nước trong khu vực châu Mỹ, châu Phi và các nước khu vực ASEAN như Lào, Indonesia.

 



Trong điều kiện khó khăn trên, Công ty xác định phải đổi mới để tồn tại và phát triển. Trong đó, nhiệm vụ chính là tranh thủ mọi thời cơ để tự đổi mới, xác định các lợi thế cạnh tranh để chủ động tiếp cận khách hàng, thỏa mãn các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Nhờ đó, Công ty vẫn đạt được những kết quả khả quan về doanh số, lợi nhuận. Quan trọng nhất là đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định và thực hiện tốt các chính sách phúc lợi cho người lao động... Thương hiệu Vina Nha Trang trong năm 2013 cũng được trao giải thưởng Sao Vàng Đất Việt.


Để đứng vững và đạt được những kết quả trên, theo tôi, vai trò của sự đổi mới để hội nhập và thích nghi với thị trường là quan trọng nhất. Hiện nay, Vina Nha Trang luôn tự hào là một doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng chế tạo cả hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến cà phê, từ khâu chế biến cà phê quả tươi cho đến khâu chế biến cà phê nhân xuất khẩu và các thiết bị rang xay, kể cả những thiết bị xử lý nâng cao phẩm cấp cà phê như steam, đánh bóng. Bên cạnh đó, Công ty còn mở rộng hoạt động sang các loại thiết bị chế biến nông sản khác như hạt tiêu, đậu xanh, đậu nành, đậu phụng, bắp với các hệ thống thiết bị chế biến tiêu đen, tiệt trùng tiêu đen; thiết bị sấy bắp, hệ thống chế biến đậu xanh tách vỏ...

 
Thời gian tới, Công ty tiếp tục hoàn thiện tái cấu trúc hệ thống tổ chức và cơ chế điều hành; tăng cường hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing, chăm sóc khách hàng thông qua các dịch vụ hậu mãi; tập trung phát triển và bổ sung các kênh bán hàng mới ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo tính ổn định chất lượng của các sản phẩm truyền thống.


KHÁNH NINH (Ghi)