Đó là mong ước của bà Teresa Đỗ Thị Tuyết Nga (Việt kiều Mỹ). Bà đang phối hợp với Trường Đại học Nevada Las Vegas (University of Nevada Las Vegas) triển khai một chương trình giao lưu văn hóa, như một nhịp cầu nhỏ góp phần giúp người Mỹ hiểu hơn về đất nước Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang và ngược lại…
Đó là mong ước của bà Teresa Đỗ Thị Tuyết Nga (Việt kiều Mỹ). Bà đang phối hợp với Trường Đại học Nevada Las Vegas (University of Nevada Las Vegas) triển khai một chương trình giao lưu văn hóa, như một nhịp cầu nhỏ góp phần giúp người Mỹ hiểu hơn về đất nước Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang và ngược lại…
Nha Trang làm tôi ngạc nhiên
Một buổi sáng mùa đông nhưng ấm áp, một người đàn ông Mỹ cao lớn với trang phục đơn giản thong thả dạo bước trên đường Trần Phú. Ông ngắm những người dân chăm chỉ tập thể dục tại Công viên Bờ biển Nha Trang một cách thích thú, hỏi han vài người và mỉm cười...
Ông Richard Wiley trên đường Trần Phú ..... |
Người đàn ông đó là Richard Wiley - tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ. Ông hiện là giáo sư dạy viết văn của Đại học Nevada Las Vegas. Ông đến Nha Trang theo dự án đặc biệt - một chương trình giao lưu văn hóa mà ông có nhiệm vụ tìm hiểu, khám phá về Việt Nam, đặc biệt là TP. Nha Trang. Để khi trở về Mỹ, ông sẽ kể những cảm nhận của mình về Nha Trang với sinh viên, với người Mỹ bằng các tác phẩm của mình. Hơn 10 ngày ở Nha Trang, ông đã cùng vợ khám phá thành phố biển theo cách riêng. Họ đi thăm Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, Trường Đại học Nha Trang, tản bộ dọc những con đường trung tâm thành phố, quan sát và luôn sẵn sàng dừng chân, hỏi han, trò chuyện với mọi người... Ông vui vẻ: “Nha Trang làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Đó là một thành phố rất xinh xắn với bãi biển đẹp tuyệt vời và tôi thích đi dạo dọc bờ biển. Mỗi buổi sáng, tôi luôn thích ngắm cảnh người dân tập thể dục. Đó là một khung cảnh thật thanh bình, yên ả”.
Richard Wiley đã từng đi rất nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ ông nghĩ sẽ đến Việt Nam. Ông nói: “Tôi là một người Mỹ yêu hòa bình. Tôi chỉ biết về Việt Nam qua cuộc chiến tranh cách đây hơn 30 năm. Cũng như nhiều người Mỹ khác, với tôi, Việt Nam chỉ là một khoảnh khắc trong lịch sử của nước Mỹ và tôi chưa bao giờ có ý định đến Việt Nam nếu không có chương trình này. Nhiều người Mỹ hiện vẫn còn thắc mắc: Việt Nam ở đâu? Việt Nam là nước như thế nào?... Chuyến đi đã làm tan khối băng lạnh lẽo về Việt Nam trong lòng tôi và tôi nhận ra rằng. mình sẽ quay trở lại, vì thấy quý mến con người nơi đây. Tôi dự định sẽ viết một cuốn sách về Việt Nam. Tôi muốn kể về những điều tôi đã thấy. Và tôi muốn đến để nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm những câu chuyện dân gian của người Việt Nam. Những kiến thức ấy thật phong phú và nó giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc giảng dạy...”.
Món ăn Việt Nam cũng để lại cho ông nhiều ấn tượng. Ông tiết lộ, đã cùng vợ học nấu những món ăn Việt Nam yêu thích như chả giò và phở để có thể tự nấu trong những bữa tiệc gia đình. Ông cười: “Vợ tôi đã ghi chép thật kỹ các công thức. Không mạnh mẽ, nồng nàn như món ăn Hàn, những món ăn Việt Nam mà tôi có dịp thử qua đều có hương vị thật nhẹ và dịu dàng như người Việt vậy...”.
Nối một nhịp cầu
Bà Teresa Đỗ Thị Tuyết Nga du học tại Mỹ từ năm 1967. Bà là luật sư, từng làm việc tại Bộ Tư pháp Mỹ và chính là người sáng lập và tài trợ cho chương trình giao lưu văn hóa này. Bà chia sẻ: “Sống ở Mỹ hơn 40 năm, tôi nhận thấy, cho đến nay, người Mỹ vẫn còn biết rất ít về Việt Nam. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là cũng có rất ít người Mỹ biết đến Nha Trang, mặc dù đây là một thành phố du lịch rất đẹp. Nhắc đến Việt Nam, họ thường chỉ biết đến những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh như: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Trị hay Cam Ranh... Chính vì thế, tôi hy vọng chương trình này sẽ làm cầu nối để người Mỹ biết đến Nha Trang nhiều hơn và người Nha Trang cũng có dịp tham quan, học hỏi tại Mỹ. Nhiều nước trong khu vực châu Á cũng làm các chương trình như thế này để quảng bá đất nước của họ”.
....và giảng dạy tại Đại học Nevada Las Vegas. |
Theo Wikipedia, Richard Wiley là một tiểu thuyết gia người Mỹ. Tiểu thuyết đầu tiên của ông - “Soldiers in Hiding” đã giành giải thưởng PEN/Faulkner dành cho tiểu thuyết Mỹ xuất sắc nhất năm 1987. Các tiểu thuyết tiếp theo của ông như: Fools' Gold, Indigo, Commodore Perry's Minstrel Show... cũng được dư luận chú ý. Hiện ông là giảng viên khoa Tiếng Anh Đại học Nevada Las Vegas, đồng thời là đồng sáng lập Học viện Quốc tế Văn hiện đại trụ sở tại Đại học Nevada Las Vegas. |
Khi đặt vấn đề này với Trường Đại học Nevada Las Vegas, lãnh đạo nhà trường đã đề nghị bà nên chuyển địa điểm đến Đà Nẵng - thành phố được người Mỹ biết đến nhiều hơn, nhưng bà cương quyết chọn Nha Trang - nơi bà đã sống những ngày ấu thơ. Đã từng đến nhiều bãi biển trên thế giới, bà cam đoan bãi biển Nha Trang là đẹp nhất và hy vọng thế giới sẽ biết nhiều đến Nha Trang qua chương trình này. Thông qua chương trình, Trường Đại học Nevada Las Vegas sẽ đưa những giáo sư, nhà văn, nhà báo đến Việt Nam và địa điểm chính trong hành trình là Nha Trang. Chương trình cũng sẽ tuyển chọn những nhà văn, nhà báo, giáo viên... đang sống và làm việc tại Nha Trang đến tham quan, học tập tại Mỹ. Ông Richard Wiley cho biết: “Chương trình được mang tên mẹ của Teresa Tuyết Nga: “Tran Thi Oanh Vietnam Exchange Program”. Trở về Mỹ sau chuyến đi này, tôi sẽ cùng với nhà trường đưa ra những tiêu chí cụ thể nhưng đơn giản để tuyển chọn; dĩ nhiên, điều kiện đầu tiên là người Nha Trang và phải thông thạo tiếng Anh. Hồ sơ sẽ được đăng trên trang web của trường và tất cả mọi người đều có thể đăng ký để được tuyển chọn”.
Sống nơi đất khách, nhớ về quê hương, bà Tuyết Nga đã bắc một “nhịp cầu” đón khách với mong muốn quê hương ngày càng tươi đẹp và phát triển...
B.K