06:01, 25/01/2012

Thưởng thức ẩm thực ở đảo quốc sư tử

Ngày nay, cùng với việc đón một cái Tết ấm cúng với gia đình trong ngôi nhà thân yêu của mình, không ít người chọn cách du Xuân trong nước, hay thậm chí là nước ngoài, như một dịp để “xả hơi” sau một năm vùi mình với công việc.

Ngày nay, cùng với việc đón một cái Tết ấm cúng với gia đình trong ngôi nhà thân yêu của mình, không ít người chọn cách du Xuân trong nước, hay thậm chí là nước ngoài, như một dịp để “xả hơi” sau một năm vùi mình với công việc. Nếu có ý định đi du lịch đảo quốc sư tử mùa Xuân này, bạn hãy một lần trải nghiệm chuyến du lịch “bụi” theo cách của riêng mình. hãy thử “du lịch” ở dưới lòng đất, chen chúc đứng trên những chuyến tàu điện ngầm (MRT), để thấy con người nơi đây thân thiện đến nhường nào, và để có dịp thưởng thức những không gian ẩm thực ở mỗi trạm MRT mà bạn dừng chân…

Nhắc đến Singapore, người ta có lẽ sẽ nghĩ ngay đến thiên đường mua sắm, nghĩ đến một đảo quốc xanh sạch đẹp, mà ngay khi bước chân ra khỏi phi trường Changi, tôi đã thấy rõ điều đó. Nhưng, với dân du lịch “phượt” (những người đi du lịch bụi) như tôi, điều ấn tượng và ngạc nhiên lại là hệ thống MRT quy mô - phương tiện đi du lịch duy nhất của tôi trong gần 4 ngày lưu lại đất nước này, mà tôi gọi đùa là chuyến du lịch dưới lòng đất. Ngạc nhiên là vì lại có một hệ thống MRT quy mô đến thế ở một đất nước Đông Nam Á, điều mà tôi từng được nhìn thấy nhưng chỉ là trên phim ảnh; và thực sự nó không thua kém gì các nước ở châu Âu.

Có lẽ đọc đến đây, nhiều người sẽ thấy lạ khi có vẻ như MRT chẳng có sự liên quan nào đến ẩm thực. Xin thưa rằng có đấy. Bởi hệ thống MRT có bao nhiêu trạm trên đất nước Singapore cũng là có bấy nhiêu trung tâm mua sắm tầm cỡ, bởi ứng với mỗi trạm MRT là một trung tâm mua sắm mà quy mô của nó có thể bằng hoặc hơn các plaza lớn ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Mỗi trung tâm lại có 1 tầng dành riêng cho ẩm thực. Điều này xem ra rất hợp lý và tiện lợi khi phương tiện đi lại của phần đông người dân nơi đây chính là MRT, mặt khác, các khu ẩm thực ở đây giá cũng không quá đắt, có thể phục vụ nhu cầu cho mọi tầng lớp.

Dịp tôi đi là vào Giáng sinh, lại may mắn trọ ở khu phố Orchard - khu trung tâm sầm uất của Singapore nên các khu ẩm thực luôn tấp nập người. Có thể nói, Singapore là “vùng đất hứa” của đủ quốc tịch nên ẩm thực của họ cũng rất đa dạng, phong phú, nhưng chủ yếu vẫn là những món ăn của châu Á và đa phần do người Trung Hoa chế biến. Đến bất kỳ trạm dừng chân MRT nào, khách cũng có thể thưởng thức những món ăn đậm nét châu Á như Nhật, Ấn Độ, Indonesia, Thái, Trung Hoa và cả món ăn Việt, với những nguyên liệu rất gần gũi như các loại rau, thịt gà, hải sản… Chính vì thế, ẩm thực nơi đây dễ ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người và phù hợp với cả những ai có túi tiền không mấy rủng rỉnh như chúng tôi, khi ở đó có những món ăn rẻ nhất (thấp nhất là 3,5 đô la Singapore).

Điểm đáng chú ý là các khu ẩm thực này có hằng hà món ăn để khách lựa chọn. Chẳng hạn trong đêm Giáng sinh, tại trung tâm mua sắm ở Orchard, chúng tôi đã hoa cả mắt giữa một “rừng” món ăn tự chọn và phải mất cả nửa tiếng đi lòng vòng khảo sát đến “no nê” mới chọn được một món cho mình vì chẳng biết chọn món nào, và cũng rất vất vả mới tìm được một chỗ ngồi giữa rừng người chật kín. Trong khi 2 người bạn đi cùng chọn món Laska thì tôi chọn cho mình món ăn “an toàn” với khẩu vị, và cũng là… chắc bụng để có sức mà cuốc bộ, đó là món ăn Việt có tên gọi bún thịt (đã được bạn tôi dịch sang tiếng Việt). Món này tương tự như món bún thịt nướng của người Việt, cũng có dưa leo, rau sống, giá, thịt nướng, nhưng cái lạ là do người Trung Hoa chế biến và thịt ở đây là thịt gà chứ không phải thịt heo như kiểu chế biến của người Việt. Chính vì nguyên liệu là thịt gà nên mang lại cảm giác rất lạ, miếng thịt không hề khô mà rất mềm, thơm nhưng không bở. Cái lạ miệng ấy thật ra đến từ bát nước chấm sền sệt được pha chế độc đáo đi kèm. Còn ở phố Somerset, chúng tôi cũng gọi những món ăn đơn giản như Susi của người Nhật, bò xào Indonesia, hay cơm gà Indonesia (dĩ nhiên các món này có tên khác, nhưng tôi gọi một cách đơn giản theo những nguyên liệu có trong món). Cũng cơm vàng, đùi gà rán nhưng nếu thiếu nước xốt thì không thành cơm gà Indonesia. Mà có lẽ các món ăn châu Á ở đây trở nên đậm đà và có vị lạ chính là ở những chén nước xốt này. Ở các khu ẩm thực này, bạn cũng có thể bắt gặp những món tráng miệng rất Việt Nam như chè sen - nhãn nhục (giá 3 đô la); kem (giá 10 đô la/phần, dành cho 3 người ăn)…

Tất nhiên, ngoài những món ăn cho… chắc bụng, chúng tôi cũng không giấu được sự háo hức tìm và thưởng thức những món ăn nổi tiếng ở đảo quốc sư tử, mà trước khi qua đây, chúng tôi đã kịp search trên mạng tìm hiểu. Đến Singapore mà không thưởng thức món Chili Crab và cháo ếch thì thật uổng phí - đó là “kinh nghiệm” rút ra của cư dân “phượt”. Quả thực, đến bất kỳ khu ẩm thực nào ở các trạm MRT, hay thậm chí là điểm tham quan sở thú cách đó gần 1 tiếng rưỡi đi bằng MRT, chúng tôi cũng nhìn thấy tràn ngập hình ảnh quảng cáo món Chili Crab (tạm dịch là cua xốt ớt), có vẻ như đó là đại diện cho ẩm thực của đất nước này. Và cứ như theo dân “phượt”, món này ăn ở China Town mới đúng điệu; khu phố dành cho người Trung Hoa này cũng là nơi có món cháo ếch nổi tiếng. Và trong hành trình ngày thứ 3, chúng tôi đã phải mất khá nhiều thời gian mới đến được khu China Town để thưởng thức món Chili Crab và Pepper Crab (tạm dịch cua rang tiêu). Trong tiết trời se se của ngày Giáng sinh, lúc ấy trời lại mưa, nhấm nháp miếng thịt cua thơm phức cộng với vị cay nồng của ớt, của tiêu, chúng tôi xuýt xoa vì cay mà lại thấy ấm lòng, nhất là món cua xốt ớt. Món này ngon chính là nhờ nước xốt, và cũng nhờ nó, món ăn trông rất ngon mắt với độc nhất một màu đỏ là đỏ. Cái vị lạ của nước xốt thật khó diễn tả, và với vốn tiếng Anh không nhiều, chúng tôi cũng chỉ biết vừa thưởng thức vừa gật gù với nhau rằng: cũng đáng giá (2 món này có giá gần 70 đô la, tương đương đến 1,5 triệu đồng). Món Chili Crab ăn kèm với cơm trắng. Sau khi ăn hết thịt cua, ăn cơm với nước xốt cũng ngon tuyệt, ngon đến độ chúng tôi phải gọi thêm cơm để vét sạch những gì còn sót trên đĩa, để rồi sau đó cảm thấy có đôi chút… hối hận vì đã ăn quá no nê đến độ không thể nào thưởng thức thêm món cháo ếch đang mời gọi cách đó không xa. Dẫu vậy, chúng tôi lại có cơ hội thưởng thức món kem khi rời China Town đến khu ẩm thực bờ sông Clarke Quay. Đây là món kem mà dân “phượt” cho rằng không nên bỏ qua, bởi không chỉ ngon và rẻ (2 đô la), mà còn bởi khách sẽ được thưởng thức những màn ảo thuật và cả sự hài hước của người bán, một ông già người Thổ Nhĩ Kỳ.

Lỗi hẹn với món cháo ếch nhưng chúng tôi cũng kịp khám phá thêm một món ăn để lại nhiều dư vị trước khi rời đảo quốc sư tử, đó là buffet lẩu thập cẩm khá độc đáo ở khu Bugis. Với 18 đô la/người, bạn có thể ăn thỏa thích món lẩu tự chọn này, với nguyên liệu phong phú, từ các loại hải sản cá, tôm, cua, mực, thịt bò, nghêu, sò, trứng cho đến các loại nấm, các loại rau… Người bán chỉ mang ra cho bạn nồi lẩu đặt lên bếp (đã được gắn chìm trong bàn ăn), còn lại là phần của bạn: tùy nghi chọn nguyên liệu cho nồi lẩu, tùy nghi ăn cho đến khi nào không thể ăn được nữa thì thôi… Riêng chúng tôi đã “ngốn” hết hơn 2 giờ cho món ăn này như thể là lời tạm biệt đảo quốc xinh đẹp Singapore.

BÍCH THUẦN