06:01, 25/01/2012

Tết của già, Tết của trẻ

Tết của người già là những chuỗi cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Người già lui cui dọn dẹp bàn thờ, chăm chút cho cành mai, sửa soạn mâm ngũ quả. Người già nhìn lịch nhẩm tính còn bao nhiêu ngày nữa sẽ được gặp lại những đứa con, đứa cháu đi làm, đi học nơi xa; .....

Tết của người già là những chuỗi cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Người già lui cui dọn dẹp bàn thờ, chăm chút cho cành mai, sửa soạn mâm ngũ quả. Người già nhìn lịch nhẩm tính còn bao nhiêu ngày nữa sẽ được gặp lại những đứa con, đứa cháu đi làm, đi học nơi xa; nghĩ về những bữa cơm Tết đầm ấm, rộn không khí gia đình…

Tết của người trẻ là những ngày bận rộn, quay cuồng với hàng núi việc không tên. Người trẻ bây giờ sắm Tết trong siêu thị, mua hàng online, muốn thứ nào có thứ nấy. Tiện lợi, đầy đủ, vậy mà có lúc nào đó người trẻ chợt nhớ lại những cái Tết năm nào cả nhà chộn rộn chuẩn bị đủ thứ để gói bánh chưng, giò chả, làm bánh mứt… Ai cũng mệt mà sao vẫn vui, đúng là… vui như Tết. Nhớ cái cảm giác ngồi chầu hẫu bên bếp lửa đợi vớt bánh chưng, đếm thời gian trôi và nghe Tết đến thật gần sau lưng…

Người già đón năm mới mà nhớ Tết cũ, nhớ những người bạn già - có người còn, có người đã khuất. Tết của người già là hoài niệm, là những nỗi nhớ và có khi là tiếc nuối. Chỉ cần nhấc điện thoại, a-lô một tiếng là đã nghe tiếng nói thân quen của người thân cách nửa vòng Trái đất. Chỉ cần vào “click” chuột 5 giây là đã gửi một tấm thiệp chúc Tết rực rỡ sắc màu cho người nào đó ở xa… Người già chậc lưỡi: “Lũ trẻ bây giờ đón Tết hiện đại quá!”. Chợt nhớ những cái Tết xưa, người già bây giờ - người trẻ khi ấy hồi hộp nghe bác đưa thư gọi tên “có thiệp chúc Tết đây”. Những tấm thiệp với những dòng chữ chúc Tết viết nắn nót được người nhận nâng niu, giữ gìn, treo trên những cành mai. Lại nhớ những ngày giáp Tết, theo mẹ đi chợ quê, nhìn ông đồ già cặm cụi ngồi viết câu đối, sao mà thấy lạ… Giờ tất cả chỉ còn là hoài niệm.

Tết của người trẻ bây giờ vẫn là “Mùng một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”. Sau 3 “mùng”, người trẻ khoác ba lô lên đường du Xuân, khám phá những vùng đất mới. Người già ở nhà lại trông ngóng ngày “bọn trẻ” về, lại lui cui bên những mâm cơm cúng ông bà, thăm thú những ông bạn, bà bạn già trong xóm, lại nói những chuyện ngày xưa, Tết xưa.

Rồi những ngày Tết cũng trôi qua. Người trẻ và người già cùng trở lại nhịp sống ngày thường, “một ngày như mọi ngày…”
Và lại mong đến Tết. Để trẻ và già gần nhau hơn, để gia đình luôn có những bữa cơm sum họp, vui vầy hạnh phúc…

H.N