02:01, 26/01/2012

Nhà báo với Trường Sa

Mỗi năm có hàng trăm nhà báo được đến với Trường Sa. Mỗi nhà báo đều có những tác phẩm báo chí phản ánh cuộc sống, tâm tư người lính đảo gửi đến người dân mọi miền Tổ quốc, là một nhịp cầu nối để Trường Sa gần hơn với đất liền.

Mỗi năm có hàng trăm nhà báo được đến với Trường Sa. Mỗi nhà báo đều có những tác phẩm báo chí phản ánh cuộc sống, tâm tư người lính đảo gửi đến người dân mọi miền Tổ quốc, là một nhịp cầu nối để Trường Sa gần hơn với đất liền. Chính vì sứ mệnh ấy, trong mỗi chuyến hải trình, cánh báo chí thường được ưu ái cập đảo sớm nhất và là những người sau cùng rời đảo. Trong cuộc đời làm báo, thiêng liêng và hạnh phúc nhất có lẽ là khi được đứng, hít thở ở phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên biển - Trường Sa. Có những nhà báo hơn một lần có được may mắn ấy…

. Nhà báo Lê Bá Dương và những khoảnh khắc Trường Sa

4 lần đi Trường Sa (lần đầu năm 1988, lần thứ tư năm 2005), nhà báo Lê Bá Dương (Phó phụ trách văn phòng Thường trú Báo Văn hóa Nam Trung bộ - Tây Nguyên) đều chọn đi vào mùa biển động. Ông nói, đi là để cảm nhận đến tận cùng cuộc sống của người lính đảo, để như được sống lại một thời “đói cơm đói cả thư nhà”. 4 chuyến đi, nhà báo Lê Bá Dương có cả kho ảnh về Trường Sa, đến hàng ngàn tấm, mỗi tấm chứa đựng một câu chuyện nho nhỏ về cuộc sống người lính đảo. Những bức ảnh được triển lãm hay đăng tải trên các trang báo mới chỉ là một phần rất nhỏ được rút tỉa từ “kho báu” ấy.

Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa.
Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa.

Không phải ngẫu nhiên mỗi khi cần tìm những bức ảnh đẹp và độc đáo về Trường Sa, nhiều người nhớ ngay đến Lê Bá Dương. Con mắt nhà nghề của người từng cầm máy quay phim cộng với sự từng trải của người lính, sự lăn lộn cho mỗi tấm hình đã giúp ông “chộp” được những khoảnh khắc giá trị. Ông “bỏ nhỏ” với chỉ huy để được đi cùng chuyến của đoàn kiểm tra (sẽ cập đảo đầu tiên) và được ở lại ăn ngủ trên đảo với anh em để có cơ hội “chộp” được những khoảnh khắc bình dị nhất về người lính và cuộc sống trên đảo; thức thật khuya để có những hình ảnh người lính gác đầy chất thơ như “đầu súng trăng treo” hay dặn cánh lính hơn 3 giờ sáng lay “bác nhà báo” dậy để ông ghi lại những hình ảnh đẹp về người lính tuần tra khi ánh bình minh đầu tiên vừa ló rạng. Nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương chia sẻ: “Giữa biển khơi bốn bề trời nước, điểm tựa vững chắc, niềm tin của người lính chính là Tổ quốc. Vì vậy, trong những tác phẩm của tôi bắt gặp khá nhiều hình ảnh người lính đứng gác bên lá cờ Tổ quốc hay tuần tra trên vùng biển mang dáng hình đất nước”.

Mấy mùa báo Tết, nhà báo Lê Bá Dương tặng độc giả món quà Xuân là những hình ảnh ngộ nghĩnh và bài viết nhẹ nhàng, dí dỏm về các con giáp ở Trường Sa. Năm Dậu thì chuyện về các chị Dậu; năm Tuất nói chuyện những chú Tuất... Còn Xuân Nhâm Thìn 2012, ông bật mí sẽ chia sẻ với độc giả những hình ảnh về “rồng Trường Sa”: “Nhiều đảo của quần đảo Trường Sa có thế đất thiêng “rồng chầu hổ phục”. Tôi đã chụp được nhiều hình ảnh những doi cát nổi lên như những con rồng mạnh mẽ uốn lượn quanh đảo”.

Điều tôi quý trọng ở nhà báo đàn anh này không chỉ là những thành tựu trong nghề mà còn ở cách ông đối xử chân tình với những người lính. Mỗi file ảnh chụp đều được ông chú thích cẩn thận tên tuổi, địa chỉ nhân vật. Để rồi, ngay khi về đến đất liền, ông lại rửa ảnh và gửi về cho gia đình từng người lính như món quà Xuân bất ngờ và ý nghĩa.

. Nhà báo Nguyễn Đình Quân, người khơi lại chuyện tình cảm động của người lính đảo

Một ngày trước chuyến hành trình lần thứ ba đến với Trường Sa (lần đầu năm 1996 và lần thứ hai năm 2010), nhà báo Nguyễn Đình Quân (phóng viên thường trú Báo Tiền Phong tại Khánh Hòa) cho tôi xem bức ảnh cuối cùng chụp liệt sĩ Võ Đình Tuấn và người yêu anh, cô “tiểu thư thị trấn” năm xưa trong câu chuyện tình yêu cảm động đã từng đăng trên cả Báo Tiền Phong và Báo Khánh Hòa với nhan đề “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi”. Tấm ảnh được chụp đúng dịp Noel năm 1987, không lâu trước ngày anh Tuấn hy sinh khi cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại Trường Sa (14-3-1988). Và anh Tuấn chưa bao giờ được thấy tấm ảnh này. Chị Trang (tôi xin được gọi như vậy), người yêu anh Tuấn năm xưa gửi gắm nhà báo Đình Quân chuyển đến anh tâm sự của chị được gói kín trong những trang nhật ký và 2 lá thư chị đã viết cho anh sau ngày anh hy sinh một năm. Kỷ vật này vẫn được chị giữ gìn hơn 20 năm qua. Khi làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ, anh Quân sẽ giúp chị thả xuống biển những kỷ vật tình yêu cùng tấm ảnh kỷ niệm. Chị tin những con sóng và ngọn gió linh thiêng sẽ mang theo những lời nhắn nhủ của chị gửi đến người xưa.

hà báo Lê Bá Dương ở đảo Sinh Tồn Đông
Nhà báo Lê Bá Dương ở đảo Sinh Tồn Đông

Hơn 20 năm, câu chuyện tình yêu cảm động giữa anh Tuấn và chị Trang được khơi lại khởi đầu từ chuyện trước chuyến đi Trường Sa cuối năm ngoái, nhà báo Nguyễn Đình Quân kiểm tra lại danh sách các liệt sĩ hy sinh trong sự kiện 14-3-1988. Trong đó, Khánh Hòa có liệt sĩ Võ  Đình Tuấn (quê ở Ninh Ích, Ninh Hòa). Thế là, đúng ngày 22-12-2010, tức 3 ngày trước chuyến hải trình, anh đến thăm gia đình liệt sĩ Võ Đình Tuấn, nhận mang theo bức thư do cụ Võ Ta (cha liệt sĩ Võ Đình Tuấn) viết để đọc to và hóa vàng ngay trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ, để tro thư tâm nguyện của cụ hòa vào sóng nước Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, đúng nơi anh Tuấn và đồng đội đã hy sinh năm nào. Những hình ảnh xúc động ấy đã được nhóm phóng viên, quay phim Đài Truyền hình Việt Nam ghi lại, phát sóng; sau đó được anh đưa lên blog của mình. Tình cờ, khi tìm kiếm thông tin về anh Tuấn, chị Trang bắt gặp hình ảnh người xưa tại blog của anh và để lại lời nhắn khiến anh gai cả người…

Nhà báo Đình Quân chia sẻ: “Viết về Trường Sa là nghĩa vụ của nhà báo. Để theo đuổi đề tài, nhà báo phải tìm hiểu kỹ thông tin liên quan để không bỏ lỡ những thông tin khiến mình hối tiếc”. Anh có thể nhớ chính xác vị trí tất cả đảo và điểm đảo của Trường Sa. Anh đã đến Thư viện tỉnh lục tìm và chụp lại toàn bộ những trang báo Nhân dân viết về các sự kiện liên quan đến ngày 14-3-1988, trong đó có danh sách các liệt sĩ, rồi đưa lên blog của mình. Blog của anh cũng đăng tải nhiều thông tin, tài liệu về Trường Sa và Hoàng Sa. Đi Trường Sa chuyến này, anh Quân chọn hướng Bắc. Và như thế, anh sẽ được đến trọn vẹn các đảo của Trường Sa.

. Nhà báo trẻ với Trường Sa 

Ngoài nỗi lo say sóng không thể tác nghiệp, nhiều phóng viên trẻ may mắn được cử đi cùng các đoàn công tác đến Trường Sa thường băn khoăn việc chọn đề tài để có những bài viết, góc nhìn mới mẻ về Trường Sa. Hiểu nỗi lòng “người đến sau”, nhà báo Hải Yến, Trưởng phòng Phóng viên Báo Khánh Hòa thường động viên những đồng nghiệp trẻ: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Mỗi chuyến đi, mỗi phóng viên sẽ gặp những nhân vật khác nhau, cách khai thác đề tài và cách thể hiện rất riêng sẽ mang đến cho bạn đọc những câu chuyện mới mẻ”. Nếu còn chút lăn tăn, các phóng viên trẻ sẽ được giải tỏa nếu biết biến nhược điểm thành ưu điểm theo cách của nhà báo Lê Bá Dương: “Với các bạn, điều gì ở Trường Sa cũng mới mẻ nên các bạn sẽ có những cảm xúc tươi mới”.

Nhà báo Nguyễn Đình Quân đọc to rồi hóa vàng bức thư của cha liệt sĩ Võ Đình Tuấn trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao.
Nhà báo Nguyễn Đình Quân đọc to rồi hóa vàng bức thư của cha liệt sĩ Võ Đình Tuấn trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao.

Là tờ báo địa phương, phóng viên Báo Khánh Hòa có may mắn đều đặn mỗi năm được tham gia 2 chuyến công tác đến Trường Sa, một chuyến mùa biển lặng và một chuyến mùa Tết. Nhờ thế, hầu hết các phóng viên trẻ của Báo (chí ít là thời điểm họ đến với Trường Sa) đều đã được đặt chân đến những hòn đảo chắn sóng của Tổ quốc. Có thể kể đến các phóng viên: Hoàng Triều, Anh Tuấn, Xuân Thành, Thanh Long, Nhân Tâm, Khánh Ninh, Đình Lâm, Phúc Hiếu… Phóng viên Xuân Thành chia sẻ: “Được nghe hát Quốc ca ngay trên đảo, ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh giữa biển trời Trường Sa mới cảm nhận trọn vẹn niềm tự hào về quần đảo thiêng liêng cũng như ý nghĩa của việc gìn giữ biển đảo quê hương”. Đó cũng là tình cảm của mỗi nhà báo, mỗi người dân dành trọn cho Trường Sa. 

KHÁNH NINH