01:01, 27/01/2012

Là một cõi lòng

Mỗi một sớm mai thức dậy, người đàn bà ở cạnh nhà tôi dường như khi nào cũng hát mấy câu. Thanh âm nhè nhẹ. Nhưng nghe chừng phấn chấn, vui vẻ lắm.

Mỗi một sớm mai thức dậy, người đàn bà ở cạnh nhà tôi dường như khi nào cũng hát mấy câu. Thanh âm nhè nhẹ. Nhưng nghe chừng phấn chấn, vui vẻ lắm.

Có lần, tôi hỏi: “Dường như chị đang có rất nhiều niềm vui?”. Không trả lời tôi, bà vặn lại: “Này, thế mỗi sớm mai thức dậy, ông thường bắt đầu bằng việc gì?”. Hóa ra, người đàn bà này mong muốn bắt đầu một ngày mới của mình bằng một tâm thế an vui. Bà cho rằng, tập thể dục là việc dành cho thể xác. Còn hát, hay là tự tìm lấy một niềm vui nào đó đầu ngày là một trong những liệu pháp rèn luyện để bồi bổ, nâng cao sức mạnh cho tâm hồn.

Đã nhiều lần, khi đã quá mệt mỏi, tôi chạy ra ngoài đảo, tắt máy điện thoại, lòng những mong muốn được nhẹ nhàng, thư thái; không lo toan, vướng víu. Đêm ở đảo thanh vắng vô cùng. Không một tiếng người. Thanh âm chỉ có tiếng đêm thở dài theo từng con nước đầy vơi. Người ngồi như diện bích. Không có ai gọi đến tên mình. Lòng nghe thật bình yên. Nhưng, rồi lại… lo. Những giả định, những suy diễn này nọ về công việc, về gia đình…, bao nhiêu thứ cứ thi nhau nhảy múa trong tâm trí. Lo quá, cho nên lại mở máy điện thoại. Kể câu chuyện này cho sư cụ trụ trì ngôi chùa ở gần nhà tôi nghe, ông cười lớn, và bảo: “Bộ con tưởng muốn làm được vậy là dễ lắm sao? Con lặn lội ra tận ngoài đảo, rồi lại tắt cả máy di động nhưng lòng con chưa yên được đâu, có khi còn lo hơn. Còn ta, ngồi giữa chốn phồn hoa, ồn ã vậy mà vẫn cứ ung dung. Con có nhớ câu Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền của cụ Trần Nhân Tông không?”.

Có. Tôi có nhớ. Đối diện với cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi thiền nữa. Cảnh trần. Mà tâm không vướng; không khởi phát một tâm niệm gì. Tôi hiểu, sư cụ dạy rằng, ấy là sự khổ luyện, ai muốn tìm đến cứ phải rất mực kiên tâm.

Lúc nhỏ, tôi từng có một lần cháy lòng mơ ước được gặp Bụt. Trong những câu chuyện cổ tích, sự có mặt của Bụt như là một hiện thân màu nhiệm của đấng cứu khổ, cứu nạn. Nhưng, Bụt là thần linh, hay là con người? Bụt ở đâu? Làm sao tôi gặp được Bụt là một thực thể, chứ không là một ý niệm? Số là, mới bước chân vào bậc trung học, một người bạn của tôi đã không còn được đi học cùng tôi nữa. Bố mẹ bạn ấy bị nạn, cùng ra đi một lúc, để lại bạn tôi và hai em còn nhỏ xíu. Tôi mong được gặp Bụt, để khẩn cầu Bụt cho bạn tôi lại được đi học, lại được chiều chiều cùng tôi thả diều trên cánh đồng làng thênh thang gió. Nhưng, tôi đã không gặp được Bụt. Bạn tôi đã phải nghỉ học, để ngày ngày gồng gánh trên đôi vai con trẻ muôn nỗi lo toan của người lớn, cho một gia đình có tới ba miệng ăn mà chưa hề biết tí gì về công việc kiếm ăn.

Bụt ở đâu? Rồi bạn tôi cứ dần lớn lên, lớn dần lên, không phải trên ghế nhà trường như những đứa trẻ khác, mà là trên những bước đa đoan trong chốn cày thuê, cuốc mướn. Tuổi nhỏ, cho nên công việc nhỏ, và tiền công cũng nhỏ. Có điều, bà con cô bác khi gửi trả tiền công cho bạn vẫn thường cho thêm khi bơ gạo, củ khoai; lúc chén mắm, muỗng đường. Mùa mưa bão, xóm giềng cho tấm tranh, miếng bạt che chắn cho căn nhà tranh vách đất khỏi bị nước xối vào; rồi xúm lại chống lên cho nó khỏi ngã. Ơn trời. Mấy anh em bạn tôi chẳng mấy khi bệnh tật, cứ trùi trũi như những củ khoai vùi trong cát. Nhiều người gọi ấy là con Trời nuôi. Những đứa trẻ cút côi ấy dường như cảm nhận được một cách sâu sắc rằng, trong cách cư xử của xóm làng chứa đựng một tình yêu thương khôn cùng, một lòng bao dung vô hạn. Và, dường như, tình yêu thương ấy, lòng bao dung ấy đã có sức giáo hóa hết sức lớn lao. Những đứa trẻ không cha, không mẹ ấy đã biết yêu thương, đùm bọc nhau, biết trên, biết dưới; đã biết cư xử với mọi người xung quanh tốt hơn rất nhiều so với một số đứa trẻ khác cùng lứa tuổi có điều kiện sống đủ đầy hơn.

Có vậy, mà một hôm, tôi tự bảo mình, dường như ta đã gặp được Bụt. Có ai đó nói rằng, Bụt có trong ta; và ta có trong Bụt. Tôi tin điều ấy. Và cũng tin một cách thật chắc chắn rằng, tôi đã gặp được Bụt, là những thực thể hẳn hoi, có cử, có động hẳn hoi chứ không là những hình ảnh râu tóc bạc phơ trong ý niệm bay bổng ngày nào. Bụt ở đâu vậy? Bụt là ai vậy? Bụt ở đây chính là những người láng giềng tốt bụng của bạn tôi. Tuy không trả lại được bạn cho tôi trên những quãng đường đi học, trên cánh đồng chiều nhiều gió, nhưng họ đã có những việc làm thật thiết thực, thật hiệu quả để nâng bước chân bạn tôi lên cho được thành Người.

Tôi gọi họ là Bụt mà không phải đắn đo, phân vân gì. Họ không triết lý sâu xa. Họ không vỗ ngực xưng tài. Đến với bạn tôi, họ không giáo điều mà đem lại những lời ngay thẳng, những khuôn lẽ phải ở đời với bao nhiêu ân cần, trìu mến. Họ đến với bạn tôi bằng những việc làm nhỏ nhặt, như lợp giúp mái nhà dột nát, ghé chở em bạn tôi đi học vào mỗi buổi sáng. Bụt ở trong ta. Bụt ở xung quanh ta. Hà tất phải cất công đi cầu xin, tìm kiếm ở đâu xa. Và, cũng chính bởi những lẽ ấy, cũng có thể nói rằng, ta đang ở trong cõi Bụt; cõi Bụt quanh ta, khi lòng ta an nhiên mà nhìn ngắm mùa Xuân phơi phới, hoa lá tốt tươi; khi tâm ta tự tại mà nghe tiếng nhạc du dương, cùng những lời yêu thương đằm thắm.

Dấu chân vô thường vẫn hằn in trên những nẻo phù sinh. Nhưng làm sao thấy cho được lẽ ấy? Vô thường mà thường tình. Thường tình mà vô thường. Chỉ biết rằng, ai đến thăm cũng khen mấy anh em bạn tôi giỏi giang, lễ phép. Và, có phải chăng, như vậy, họ cũng đã ngầm khen làng tôi hồng đức?
Tôi có rất nhiều bạn làm báo, phụ trách công tác bạn đọc. Trên cương vị này, họ đã sống, đã dằn vặt cùng muôn mặt của những tâm sự nhân sinh. Đó là những câu chuyện con cái tranh đất, giành nhà mà đuổi cả cha mẹ đẻ của mình ra đường. Nhưng, có khi, đó là những dòng chữ, những tiếng kêu thắt ruột, xé lòng từ những phận người không may; những câu chuyện trong cơn thập tử nhất sinh mà con người vẫn cứ đùm bọc, yêu thương, nhường cả mạng sống của mình cho người khác.

Sao lại có những câu chuyện trái ngược nhau làm vậy? Tôi vẫn hằng tin rằng, trong mỗi con người, ai ai cũng có một bản tâm thanh tịnh, như mặt trời, mặt trăng ngày đêm vẫn hằng sáng tỏ. Có điều, do thiếu rèn tập, do để cho cái tâm tập nhiễm tham sân si mà nhiều người bị chìm đắm trong cõi u mê. Như mặt trời, mặt trăng bị mây đen che khuất, không thể nhìn thấy ánh sáng được nữa vậy. Cho nên, mỗi sáng, mấy câu hát bâng quơ của người đàn bà ở cạnh nhà cứ như nhắc nhở tôi câu chuyện về sự an nhiên cũng như tâm thế sẵn sàng ứng phó với những đám mây đen luôn lảng vảng bên mình.

Những ngày cuối năm, đọc tin trên mạng, tôi thấy có một câu chuyện rất xúc động. Trong một vụ tai nạn, bố mất, mẹ cũng trong cơn nguy kịch, đứa con trai kêu lên những tiếng kêu khẩn thiết xin cứu mẹ. Trước tình cảnh ấy, một cô bé sinh viên đã dành toàn bộ số tiền 500 USD bố mẹ cho mừng sinh nhật để giúp. Có thể, số tiền ấy không nhiều. Nhưng nhiều ở tấm lòng - tấm lòng biết sẻ chia. Gia đình người bị nạn đã ấm lòng hơn, ấy đã đành một lẽ. Cô bé sinh viên kia cũng lại rất ấm lòng. Bởi, cho đi là một hạnh phúc. Cũng bởi, ở đó, đức vị tha đang được tỏa sáng. Không có một bữa tiệc sinh nhật rộn ràng, nhưng cô bé sinh viên kia đã lớn lên rất nhiều, nhiều lắm.

Cuối năm, tôi và bạn ngồi cùng nhau. Chỉ có rượu và tí dưa cải chua. Mấy chục năm qua rồi. Giờ anh em bạn tôi đã khôn lớn. Mà bạn vẫn nhớ rành rành những câu chuyện thuở nào; vẫn nhắc đến từng người, từng người một đã ghi dấu tận cõi lòng mình bao nhiêu ân tứ sâu xa, với những hằng tâm trong trẻo.
Đêm đã về tự lúc nào. Trong căn phòng thật tối, tôi bật một que diêm.

Ánh sáng lan ra.

Bóng tối lùi xa.

Nha Trang, trước thềm Xuân Nhâm Thìn

Tùy bút của Phong Nguyên