06:01, 26/01/2012

Cận cảnh nhà máy sản xuất vắc xin cúm đầu tiên ở Việt Nam

Đến thời điểm này, Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xây dựng được một nhà máy độc lập sản xuất vắc xin cúm.

Đến thời điểm này, Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xây dựng được một nhà máy độc lập sản xuất vắc xin cúm. Nhà máy trị giá 6,5 triệu USD này đặt tại Trại Chăn nuôi Suối Dầu (huyện Cam Lâm). Song song với việc xây dựng nhà máy, IVAC đã thành công trong việc phát triển công nghệ sản xuất vắc xin cúm trên quy mô lớn. Đây là thành tựu lớn không chỉ của IVAC mà của cả Việt Nam trong công cuộc nghiên cứu, tìm kiếm vắc xin phòng, chống dịch cúm.

Nhà máy sản xuất vắc xin cúm nhìn từ bên ngoài.
Nhà máy sản xuất vắc xin cúm nhìn từ bên ngoài.

. Đi đầu trong phát triển công nghệ

Tiến sĩ Lê Văn Bé, Viện trưởng IVAC cho biết, những năm qua, vắc xin dự phòng nguy cơ đại dịch cúm luôn là mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Nắm bắt xu thế đó, từ năm 2006, IVAC đã chủ động tiếp cận các thông tin của quốc tế, chủng sản xuất vắc xin chuẩn thức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép, tự nghiên cứu sơ khởi ban đầu. Năm 2007, IVAC thực hiện nhánh đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bất hoạt dùng cho người bằng kỹ thuật nuôi cấy trên trứng gà có phôi”, kết quả đã xây dựng được quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng ở quy mô phòng thí nghiệm. Thành công của đề tài nghiên cứu này là cơ hội thuận lợi cho IVAC nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cúm phòng nguy cơ đại dịch do WHO tài trợ. Năm 2009, Bộ Y tế giao cho IVAC thực hiện đề tài nghiên cứu “Ứng dụng quy trình nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vắc xin cúm A/H1N1/09”. Đến nay, IVAC đã nghiên cứu hoàn chỉnh và thành công công nghệ sản xuất vắc xin cúm trên quy mô lớn. Tháng 8-2011, đơn vị đã sản xuất liên tiếp 3 lô vắc xin cúm A/H1N1/09 đạt tiêu chuẩn chất lượng của WHO và Việt Nam do Viện Kiểm định quốc gia cấp. Hiện Bộ Y tế đã cho phép IVAC phối hợp với Tổ chức PATH (Hoa Kỳ) và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị đề cương nghiên cứu lâm sàng trình Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế xem xét. Nếu được Bộ Y tế phê duyệt, vắc xin cúm do IVAC sản xuất sẽ được thử lâm sàng vào năm 2012. Và trong tương lai gần, IVAC không chỉ tiếp tục phát triển quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 trên quy mô lớn, mà còn tiếp nhận các kỹ thuật mới để tiến tới sản xuất vắc xin cúm mùa.

Thu dịch trứng có chứa vi rút để sản xuất vắc xin cúm.
Thu dịch trứng có chứa vi rút để sản xuất vắc xin cúm.

. Xây dựng nhà máy hiện đại đầu tiên ở Việt Nam

Song song với việc nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất vắc xin cúm, từ năm 2007, WHO đã phê duyệt tài trợ cho IVAC “Thiết lập cơ sở sản xuất thực nghiệm sản xuất vắc xin cúm” gồm 2 giai đoạn với tổng vốn tài trợ 4,2 triệu USD, bao gồm thiết kế xây dựng nhà xưởng đạt chuẩn WHO-GMP (thực hành sản xuất tốt), cung cấp máy móc thiết bị và huấn luyện chuyển giao công nghệ, kiểm định trên quy mô lớn. Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm của Bộ Y tế, cơ sở sản xuất vắc xin cúm được khởi công xây dựng từ năm 2008 và đến cuối năm 2009 cơ bản đã hoàn thiện. Nhà máy có công suất thiết lập trên 1 triệu liều/năm vắc xin cúm đại dịch, trường hợp xảy ra đại dịch có thể huy động sản xuất 3 - 4 triệu liều/năm.

Siêu ly tâm phân đoạn tách vi rút khỏi các thành phần khác.
Siêu ly tâm phân đoạn tách vi rút khỏi các thành phần khác.

Năm 2010, IVAC được Tổ chức PATH tài trợ 1,5 triệu USD để đưa nhà máy sản xuất vắc xin cúm nói trên vào hoạt động. Dự án “Hỗ trợ IVAC sản xuất vắc xin cúm đạt chuẩn WHO-GMP” được Bộ Y tế phê duyệt và chính thức triển khai tháng 1-2011, thời gian thực hiện 18 tháng với 3 mục tiêu chính: Bổ sung thêm một số thiết bị để đưa nhà xưởng sản xuất vắc xin cúm vào vận hành theo tiêu chuẩn WHO-GMP; hoàn thiện hệ thống hồ sơ thẩm định nhà xưởng, thiết bị, thiết lập các quy trình chuẩn sản xuất và kiểm định vắc xin cúm đạt chuẩn WHO-GMP; thiết lập nguồn cung cấp trứng gà tin cậy về chất lượng cho việc sản xuất vắc xin cúm trước mắt và lâu dài. Kết quả, sau 1 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đảm bảo mục tiêu giúp IVAC sản xuất được vắc xin cúm đạt chuẩn WHO-GMP.

Vắc xin cúm thành phẩm do IVAC sản xuất.
Vắc xin cúm thành phẩm do IVAC sản xuất.

 

Soi trứng trước khi đưa vào sản xuất.
Soi trứng trước khi đưa vào sản xuất.

NGỌC KHÁNH