Mỗi người trong chúng ta hẳn ai cũng nhiều lần nghe đến từ trống chầu, nhưng chắc rằng sẽ có ít người hiểu cặn kẽ về nó. Trong sân khấu hát bội (tuồng), tiếng trống chầu tạo nên sức hấp dẫn của vở diễn, và người cầm chầu đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, xung quanh nhân vật này cũng có khá nhiều chuyện hài hước, nhiều câu ca khen, chê hóm hỉnh…
Cảnh một người đánh chầu vào cuối thế kỷ XIX. (Ảnh tư liệu) |
Cầm chầu trong đêm hát bội là việc làm không hề đơn giản, không phải ai cũng làm được. Đây là một hoạt động nghệ thuật, đòi hỏi phải tuân theo quy chuẩn nghiêm ngặt, dùng âm thanh của trống để giao tiếp, nên mỗi tiếng phát ra từ trống chầu đều có những ý nghĩa nhất định. Chính vì vậy, khi tới xem hát bội, người ta khuyên nhau: “Biết thì gõ trống đánh chầu/Không thì ngồi xuống tụm đầu mà xem”.
Ngày xưa, thông thường, một gánh hát bội đến diễn tại một làng, xã nào thì chủ gánh hát phải mời cho được một vị khách trong số các bậc thân hào có uy tín và có trình độ thưởng ngoạn tại địa phương lên cầm chầu. Vị khách này phải am hiểu nội dung vở tuồng và các vai mà các nghệ sĩ thủ diễn; đồng thời phải thông thạo các điệu hát trong hát bội, như: Nói lối suông, Nói lối rịn, Nam ai, Nam khách, Nam chạy, Phú lục, Tẩu mã... để tiếng trống chầu có thể tiếp hơi cho diễn viên đang hát. Nói cách khác, người cầm chầu phải thực sự am tường về hát bội, sành các “ngón nghề” của diễn viên, để khi cầm dùi gõ vào mặt trống hoặc tang trống thì diễn viên lẫn khán giả có thể hiểu được ý nghĩa là người đánh trống chầu chê hay khen, chứ không phải tùy tiện, bạ đâu đánh đó.
Không ít vị “tai to mặt lớn” trong làng, trong xã, dù dốt nhưng lại thích làm oai, khi có gánh hát về là giành đánh chầu, để rồi làm hư cả đêm diễn. Phê phán trường hợp này, trong dân gian miền Trung có câu: “Lối suông chẳng biết nửa câu/Cũng lên cầm chầu làm khổ người ta”. Chuyện hài hước về nội dung này cũng không ít. Ví dụ, ở gánh hát nọ, trong một đêm diễn gặp phải người cầm chầu không có trình độ, đánh lung tung, làm diễn viên không hát được. Để cứu nguy tình thế, một anh hề đang tham gia buổi diễn bèn nhìn chằm chằm vào mặt người cầm chầu bên dưới, pha trò mấy câu, rồi ngâm: “Tổ cha con quạ trên đầu/Lâu lâu mổ tấm da trâu cái đùng”. Người cầm chầu khi ấy đỏ mặt, biết mình bị chơi xỏ nên lấy cớ đau bụng, xin ra về, nhường vai cầm chầu cho người khác.
Người cầm chầu chuẩn bị khi vở diễn sắp bắt đầu. (Ảnh tư liệu) |
Mặc dù có hiểu biết, giỏi, nhưng người cầm chầu cũng phải tập trung khi thực hiện vai trò của mình. Có trường hợp do quá say sưa với các tình tiết đầy kịch tính của vở tuồng hoặc cách diễn quá cuốn hút của đào xinh, kép đẹp mà tiếng trống của người cầm chầu bị sai lệch, khiến khán giả chẳng biết anh ta khen hay chê, thậm chí có trường hợp đánh lộn xộn làm cho diễn viên không hát được. Trong nghề, người ta rất kiêng kỵ điều này và gọi cách đánh ấy là đánh “tắc khẩu”, tức bịt miệng người diễn.
Còn một điều kiện nữa cũng khá quan trọng đòi hỏi phải có ở người cầm chầu là khả năng về tài chính, vì khi đánh chầu, để khen thưởng những đoạn hát hay, người cầm chầu phải thưởng tiền cho các diễn viên. Có khi thưởng tiền trực tiếp, cũng có khi thưởng gián tiếp. Ngày xưa, người ta dùng các thanh tre vót dẹp, một đầu sơn đỏ (gọi là thẻ thưởng) trong đó quy ước số tiền (loại 1 xu, 5 xu, 10 xu…), rồi cắm trong một ống tre hoặc bỏ trên chiếc khay đặt cạnh chiếc trống để người cầm chầu dễ lấy, ném lên sân khấu khi cần. Diễn viên nào lãnh được nhiều thẻ, khi buổi hát kết thúc sẽ đến gặp vị cầm chầu để lãnh tiền thưởng, chiếu theo số thẻ đã nhận được. Nếu vị cầm chầu không đem theo đủ tiền thì sáng hôm sau sai người mang tới, hoặc người được thưởng sẽ đến tận nhà để nhận. Riêng số tiền người đi xem thưởng cho hoặc được ném lên sân khấu hay trao tay, đa phần sau đó được chủ gánh hát phân phối cho anh em.
Có những vị khách thích cầm chầu, muốn thể hiện vai trò của mình, nhưng tiếc tiền, không chịu ném thẻ thưởng lên sân khấu. Trong dân gian nói về trường hợp này có câu: “Gặp ông cầm chầu ki bo/Trống thì đánh mãi chẳng cho đồng nào”. Có chuyện kể rằng, khi gánh hát nọ về làng, tuy thấy diễn viên diễn hay, khán giả vỗ tay rần rần nhưng người cầm chầu không hiểu vì sao quên thưởng, thế là hai anh hề đóng vai lính gác cổng ở một cửa quan liền diễn cương (diễn thêm, không có trong kịch bản). Một anh ôm bụng hát với giọng than thở: “Trời ơi! Có ai khổ như thân tôi, hồi sáng tới giờ chưa có miếng cơm vô bụng! Nỗi khổ này, ai biết… (ứ ừ)… ai biết (ừ) chăng ai…?”. Nghe hát, anh lính khác bước tới la rầy: “Ơ, cái thằng này! Mày đứng đây, quan có cho mày tiền lương, tiền thưởng. Vậy mà mày còn kêu đói nữa là sao?”. Bấy giờ, anh lính thứ nhất hướng mắt về người cầm chầu, trả lời: “Làm gì có thưởng! Đều là lính tráng mà sao ông anh nói oan cho thằng em này. Từ nãy tới giờ, đứng đây, em có thấy thưởng thiếc gì đâu!”… Người cầm chầu nghe, hiểu được nội dung ẩn chứa bên trong nhằm nhắc nhở mình nên lập tức ném thẻ lên sân khấu làm cho không khí trở nên vui hẳn…
Không phải là nhạc công được đào tạo của gánh hát, chỉ là một nghệ sĩ dân gian am hiểu nghệ thuật hát bội và với tài năng bẩm sinh, người cầm chầu đã góp phần quan trọng vào sự thành công của các đêm diễn, để lại những hình ảnh đẹp trong công chúng. Những người nghệ sĩ không tên tuổi ấy đã góp phần lôi cuốn khán giả nên dân gian có câu: “Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy”.
HOÀNG NHẬT TUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin