11:01, 01/01/2017

Một bộ luật và 6 luật bắt đầu có hiệu lực

Từ ngày 1/1/2017, 1 bộ luật và 6 luật sẽ có hiệu lực thi hành, bao gồm Bộ luật Dân sự 2015; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Báo chí; Luật Dược; Luật Phí và lệ phí; Luật Kế toán; Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Từ ngày 1/1/2017, 1 bộ luật và 6 luật sẽ có hiệu lực thi hành, bao gồm Bộ luật Dân sự 2015; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Báo chí; Luật Dược; Luật Phí và lệ phí; Luật Kế toán; Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.


Với Bộ luật Dân sự 2015, điểm nhấn trọng tâm là quy định 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, thực hiện. Các quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác; vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của mình; hạn chế cạnh tranh hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Đặc biệt, vấn đề xác định lại giới tính được ghi nhận trong bộ luật được xem là một bước tiến cởi mở, bắt kịp xu thế toàn cầu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam.


Luật Ngân sách Nhà nước là đạo luật quan trọng, được coi là tạo bước ngoặt mới trong quản lý ngân sách nhà nước theo hành lang pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ hơn, phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tài chính công theo hướng hiện đại. Thực hiện quy định của Hiến pháp về việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống ngân sách nhà nước, nền tài chính quốc gia, luật quy định, các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn về chi ngân sách Nhà nước đều do trung ương ban hành, thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Mọi khoản chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đây cũng là lần đầu tiên Luật Ngân sách nhà nước quy định bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương - một điểm mới quan trọng để tăng cường kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước.


Đối với toàn xã hội nói chung và người làm báo nói riêng, Luật Báo chí 2016 cũng sẽ tạo ra nhiều thay đổi quan trọng về khung khổ luật pháp, thông qua việc quy định cụ thể các quyền của công dân có liên quan đến hoạt động báo chí. Ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, luật bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học. Luật cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Để bảo vệ nguồn tin báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo, so với luật hiện hành, Luật Báo chí vừa có hiệu lực quy định cơ quan báo chí, nhà báo chỉ buộc phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ bị tiết lộ…


Theo SGGP