03:09, 03/09/2021

Tin tưởng vào quyết sách mới trong phòng chống dịch

Đợt dịch bùng phát lần thứ tư này đã được hơn 4 tháng. Cả nước căng mình chống dịch và tình hình vẫn hết sức phức tạp chưa biết đến khi nào kết thúc. Phong tỏa, giãn cách sẽ hạn chế lây lan dịch bệnh, tránh hệ thống y tế quá tải, nhưng cũng chính nó làm kiệt quệ sinh kế, đứt gãy chuỗi sản xuất và lưu thông. 

Đợt dịch bùng phát lần thứ tư này đã được hơn 4 tháng. Cả nước căng mình chống dịch và tình hình vẫn hết sức phức tạp chưa biết đến khi nào kết thúc. Phong tỏa, giãn cách sẽ hạn chế lây lan dịch bệnh, tránh hệ thống y tế quá tải, nhưng cũng chính nó làm kiệt quệ sinh kế, đứt gãy chuỗi sản xuất và lưu thông. Với bối cảnh khốn khó trăm bề, chi phí doanh nghiệp vẫn phải trả, trong khi nhà xưởng, khách sạn, công trình không hoạt động, doanh thu không có, lãi ngân hàng vẫn phải nộp đều... thì chuyện phá sản, giải thể doanh nghiệp chưa bao giờ gần đến như thế. Tình trạng mất việc làm, nỗi lo cơm áo đang đè nặng lên mỗi gia đình, mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần "Không ai bị bỏ lại phía sau". 
 
Giữa những âu lo bộn bề đó, sáng 29-8 trong buổi làm việc trực tuyến với các xã phường, và chiều 1-9, gặp gỡ và làm việc với hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, biến đổi khôn lường và có thể còn kéo dài. “Chúng ta không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Việc ứng dụng khoa học y khoa trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh”.
 
Là một công dân, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm mới này của Thủ tướng. Theo tôi, đây là sự thay đổi có tính chiến lược trong cuộc chiến với dịch bệnh. Theo góc độ quan sát của tôi, các nhà hoạch định chiến lược có lẽ sẽ không còn tham vọng "Zero-Covid", nghĩa là loại bỏ hoàn toàn Covid-19 ra khỏi cộng đồng mà thay vào đó là chấp nhận sống chung với dịch bệnh như hầu hết các nước đang làm, chuyển trọng tâm từ số ca bệnh sang tỉ lệ nhập viện.
 
Để sống chung với con virus quái ác này, điều đầu tiên đòi hỏi là phải đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng cho ít nhất 70% dân số. Theo số liệu của Bộ Y tế, đến 20-8 cả nước đã tiêm tổng cộng gần 20 triệu liều vaccine, trong đó mũi hai khoảng 2,6 triệu người, chủ yếu là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Con số này còn rất khiêm tốn so với mục tiêu của Chính phủ là tiếp nhận 150 triệu liều vaccine trong năm 2021 để tiêm chủng khoảng 70% dân số, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên việc mua vắc xin hiện nay đâu phải có tiền là mua được. Vắc xin nội thì chưa hoàn tất việc cấp phép khẩn cấp.
 
Trong khi chờ đến thời điểm có thể chung sống với virus, chúng tôi mong các địa phương sẽ thật linh hoạt khi áp dụng các giải pháp phòng chống dịch tùy theo thực tế địa phương, không cứng nhắc để từng bước phục hồi sản xuất và lưu thông.
 
Dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp với hậu quả thật khôn lường. Hơn lúc nào hết, mỗi người cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong phòng, chống dịch, không so bì các loại vắc xin, với tinh thần “vắc xin tốt nhất là vắc xin sớm nhất” để mau chóng bước sang giai đoạn mới.
 
Phạm Duy Hùng