L.T.S: Chuyển đổi xanh, phát triển xanh đang trở thành thách thức sống còn cho sự phát triển chung của xã hội. Đối với tỉnh Khánh Hòa, với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch mang đẳng cấp quốc tế, chuyển đổi xanh, phát triển xanh sẽ tạo nền móng cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng Đề án: “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030”. Để đề án thực sự bao quát và mang tính toàn diện, từ hôm nay, Báo Khánh Hòa trích đăng ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, địa phương, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, quần chúng nhân dân trong tỉnh đối với dự thảo Đề án. Qua đó, giúp cho đề án sớm được xây dựng hoàn thiện, đi vào thực tiễn, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng. Mời bạn đọc xem dự thảo Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030” tại đây.
* Thạc sĩ Trần Thị Khánh Hòa - Trường Chính trị tỉnh:
Tích cực truyền thông về các chuẩn mực, giá trị văn hóa lối sống xanh
Thạc sĩ Trần Thị Khánh Hòa - Trường Chính trị tỉnh. |
Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030” được xây dựng nhằm đưa Khánh Hòa trở thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050. Mục tiêu của đề án mang lại lợi ích thiết thực cho chính quyền và người dân Khánh Hòa. Trong 6 lĩnh vực trọng tâm của đề án, có lĩnh vực lối sống xanh. Lối sống xanh có thể hiểu đơn giản là lối sống bền vững, thay đổi các thói quen hàng ngày của cá nhân, cộng đồng, nhằm hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên hoặc giảm tác hại đến môi trường sống, giảm các tác động tiêu cực đến trái đất, giúp trái đất xanh hơn. Sống xanh đang trở thành một chuẩn mực mới, là xu hướng được mọi người lựa chọn, ngày càng phổ biến trong phong cách sống hiện đại, được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Qua tìm hiểu đề án, tôi thấy lĩnh vực lối sống xanh đã được phân tích rõ thực trạng của tỉnh từ trước đến nay với nhiều kết quả đáng khích lệ thể hiện trong hành vi, lối sống, nhận thức, thói quen của người dân về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, quản lý chất thải sinh hoạt… với rất nhiều mô hình, việc làm có ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Đề án cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp với lộ trình thực hiện cụ thể hoàn toàn phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Theo cá nhân tôi, để những nội dung liên quan đến lĩnh vực lối sống xanh đạt được hiệu quả như mong muốn, cần thiết phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư thay đổi từ những thói quen nhỏ hàng ngày; thực hiện những hành động thiết thực, hiệu quả chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống (vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố; thu dọn rác thải bờ biển; trồng cây xanh bảo vệ môi trường; phân loại rác thải ngay tại gia đình, tập kết rác thải đúng nơi quy định). Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường giáo dục thế hệ trẻ ý thức bảo vệ và có trách nhiệm với môi trường, hướng tới thúc đẩy hành vi xanh trong tương lai; xây dựng cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện các hành vi sống xanh và tạo ra môi trường sống sạch và bền vững; tích cực truyền thông về các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh trong ngành Giáo dục, cộng đồng dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.
N.T (Ghi)
* Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa:
Cần đẩy mạnh chuyển đổi xanh về du lịch
Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. |
Qua nghiên cứu dự thảo Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030, tôi đánh giá rất cao về định hướng chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển xanh của tỉnh, sự công phu, tính khoa học của đề án. Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi xanh trong ngành Du lịch.
Khánh Hòa là một trong những địa phương thu hút mạnh, hiệu quả về đầu tư phát triển du lịch tại Việt Nam. Hệ thống lưu trú của tỉnh có gần 60.000 phòng, trong đó lượng phòng 3 - 5 sao chiếm đến 60%. Sản phẩm du lịch ngày càng được đầu tư nâng cao chất lượng, từng bước đi vào chiều sâu với một số sản phẩm đặc thù, có sức cạnh tranh cao. Việc định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch tại khu vực vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong đã góp phần giảm sức ép cho khu vực trung tâm TP. Nha Trang, mở ra triển vọng mới trong phát triển du lịch Khánh Hòa.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó, trên thực tế, du lịch Khánh Hòa vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Khánh Hòa chỉ mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào lợi thế biển, đảo với các dịch vụ tham quan là chủ yếu. Tuy đã có những cải thiện nhưng đến nay du lịch Khánh Hòa chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ để kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch. Theo thống kê, doanh thu du lịch của Khánh Hòa chủ yếu từ hoạt động kinh doanh lưu trú và dịch vụ ăn uống, tỷ lệ dao động từ 50 đến 55%. Doanh thu từ hoạt động vui chơi giải trí và mua sắm chỉ chiếm từ 25 đến 30%. Chính vì vậy, tôi mong muốn đề án sẽ đưa ra được những mục tiêu, giải pháp cụ thể để thúc đẩy sự phát triển du lịch xanh, xanh từ môi trường cho đến “xanh” ở sản phẩm, dịch vụ du lịch. Từ đó, tạo nên sự thay đổi về “chất” của du lịch Khánh Hòa.
Tôi rất đồng tình khi trong dự thảo đề án, các chuyên gia đã đề ra những giải pháp để chuyển đổi xanh, như: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng điểm đến, cơ sở kinh doanh du lịch xanh và triển khai dán nhãn xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch, điểm đến du lịch trong toàn tỉnh; xây dựng các chương trình về phát triển sản phẩm du lịch xanh; xây dựng và triển khai đề án bảo tồn tài nguyên và cảnh quan du lịch; xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch xanh… Các giải pháp đã bao quát và khá toàn diện, quan trọng nhất vẫn là triển khai trên thực tế với những hành động cụ thể. Trước hết, để phát triển du lịch xanh cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh cần có giải pháp để chống rác thải nhựa một cách có hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền cần có chương trình hành động cụ thể như: Khuyến khích các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại không dùng túi ni lông; cấm mang túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần ra đảo, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khuyến khích các khu nghỉ dưỡng dùng năng lượng sạch, như việc đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái… Để có sản phẩm du lịch xanh, tỉnh cần sớm nghiên cứu đầu tư xây dựng bảo tàng, trung tâm hội nghị triển lãm… để tạo nên các thiết chế văn hóa cơ bản; đồng thời cần có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí để phát triển du lịch văn hóa. Qua đó, tạo điểm nhấn, tăng thêm sức hút với du khách. Nếu làm tốt việc chuyển đổi xanh, du lịch Khánh Hòa sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo sự khác biệt trên thị trường du lịch khu vực và quốc tế, đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm chất lượng cao và bền vững.
X.T (Ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin