10:03, 14/03/2023

Quên sao được mà quên

Một ngày cuối tuần, nhận được thư hẹn, chỉ vài dòng ngắn ngủi trên tin nhắn: Chiều thứ Bảy ở Lầu ông Tư nhé. Rồi nhiều cuộc điện thoại gọi đến hỏi có được mời, có đi không? Thư mời đặc biệt như thế nhất định phải đi rồi, chỗ hẹn như thế thì người mời cũng phải đặc biệt. Người Nha Trang trẻ bây giờ chắc không nhiều người biết đến Lầu ông Tư, người còn nhớ chắc hẳn phải là bạn bè kiểu tri âm, tri kỷ, làm sao lỡ hẹn được.

Một ngày cuối tuần, nhận được thư hẹn, chỉ vài dòng ngắn ngủi trên tin nhắn: Chiều thứ Bảy ở Lầu ông Tư nhé. Rồi nhiều cuộc điện thoại gọi đến hỏi có được mời, có đi không? Thư mời đặc biệt như thế nhất định phải đi rồi, chỗ hẹn như thế thì người mời cũng phải đặc biệt. Người Nha Trang trẻ bây giờ chắc không nhiều người biết đến Lầu ông Tư, người còn nhớ chắc hẳn phải là bạn bè kiểu tri âm, tri kỷ, làm sao lỡ hẹn được.

 

 Ảnh: G.C

Ảnh: G.C


Lầu ông Tư là ngôi nhà cũ của bác sĩ A. Yersin - người bạn, ân nhân của người dân Nha Trang. Ngôi nhà nằm ở xóm Cồn, là xóm nhà cao chân nghiêng ngả trên bãi biển ngày xưa. Bây giờ nơi ấy là một nhà hàng có vị trí nhìn ra biển rất đẹp, có tên gọi, có địa chỉ hẳn hoi nhưng người Nha Trang cứ gọi nhà hàng Lầu ông Tư là ai cũng biết.


Đến nơi đúng hẹn, nắng buổi chiều đã tắt, bầu trời và mặt biển cùng một màu xám nhạt, thấy buồn buồn. Nhưng không ai thấy buồn vì những nụ cười vui vẻ, tiếng gọi nhau ồn ào. Bỗng nhớ đến lớp học trước giờ vào lớp ngày xưa. Bạn bè lâu lắm mới có dịp gặp nhau, ai thỉnh thoảng có gặp thì vui mừng hớn hở khi nhận ra đứa nào cũng mạnh khỏe. Cũng có những người từ khi chia tay lớp học đến giờ mới gặp lại nên không nhận ra được nhau, phải nhắc tên mới òa lên rồi ôm chầm nhau. Những cái ôm thật chặt, ấm áp và có thể ai đó còn để nước mắt nhạt nhòa.


Chủ nhân đến sau một chút đứng yên nhìn khách cười cười, vài người kéo áo nhau hỏi nhỏ phải nó không? Nó là đứa con gái ngày xưa ốm o nhất lớp và nghịch ngợm không chịu đứng thứ hai. Nó là đứa có hai lúm đồng tiền thật sâu trên má, nụ cười rất hiền nên không ai biết nó chính là đứa giật dây những trò đùa trong lớp.


Thời gian thật là kỳ diệu khi biến những cô thiếu nữ dịu dàng ngày xưa thành  những quý bà rất có cá tính nên bữa tiệc hội ngộ sau phút ngỡ ngàng gặp nhau đã trở nên ồn ào sôi nổi. Mấy mươi năm bỗng trở thành ngày hôm qua, bao nhiêu câu hỏi còn nhớ không, hồi đi học tụi mình vui quá.


Hồi đi học là lúc mà các bà bây giờ mới 12, 13 đến 17, 18 tuổi, là học trò của ngôi trường màu trắng nằm giữa thành phố. Ngôi trường có vẻ lớn so với thành phố lúc bấy giờ còn nhỏ bé nên các cô học trò cũng cảm thấy có chút tự hào trong lòng. Thành phố ngày xưa vắng vẻ, những con đường còn chật chội vì những hàng cây cao nên thấy biển cũng gần. Bãi biển là nơi hò hẹn của các cô học trò mỗi khi có giờ trống. Ai đó nhắc về hàng dương trên đường Duy Tân, là đường Trần Phú bây giờ, những cây dương không biết được trồng từ bao giờ đã thành cổ thụ, cho mấy cô leo trèo đùa giỡn. Ai đó lại nhắc đến hàng cây tra phía cuối đường, gần Viện Pasteur Nha Trang, rất nhiều cô bé thuở đó hái trái tra làm món ăn vặt. Vị chua chua chát chát của cây tra bây giờ chỉ còn trong ký ức mấy bà vì có khi qua lại trên con đường biển nhiều lần nhưng không ai dừng lại hái vài trái cho thỏa lòng nhớ về hai chữ ngày xưa.


Bạn nói, ở xa lâu trở về thấy Nha Trang đổi thay nhiều quá, thành phố bây giờ đông đúc ồn ào hơn xưa, có vậy mới đúng diện mạo với vẻ rực rỡ, hoành tráng. Bạn nói, biển bây giờ thấy xa hơn vì các con đường ra biển cũng rộng hơn. Bạn lại nói, biết làm sao, chính chúng ta cũng thay đổi rất nhiều vì đã mấy mươi năm trôi qua rồi.


Không ai nói gì vì mọi người đều nghĩ giống nhau. Thời gian là thứ dịch chuyển mà không có gì ngăn trở được. Ai rồi cũng khác, thành phố, tôi và bạn cũng thế, nên tiệc rồi cũng tàn. Chúc nhau sức khỏe và chào nhau với lời hẹn khi nào trở về Nha Trang nhớ hẹn nhau, lần sau cũng ở đây, Lầu ông Tư, vào buổi chiều khi trời và biển gặp nhau. Nhớ đừng quên nhé.


Bạn không nói gì chỉ cười vẫy tay. Quên sao được mà quên.


Lưu Cẩm Vân