10:02, 17/02/2023

Nặng tình

Hôm qua trên mạng xã hội có bạn than về một Valentine kỳ lạ, hoa không bán được, kèm theo hình ảnh những bó hoa sau lễ chất đống ở thùng rác. Mọi người lý giải rằng hoa không bán được vì năm nay thành phố cấm không cho bán hoa quanh ngã Sáu và xung quanh công viên nhỏ trước Trường THCS Thái Nguyên như mọi năm.

Hôm qua trên mạng xã hội có bạn than về một Valentine kỳ lạ, hoa không bán được, kèm theo hình ảnh những bó hoa sau lễ chất đống ở thùng rác. Mọi người lý giải rằng hoa không bán được vì năm nay thành phố cấm không cho bán hoa quanh ngã Sáu và xung quanh công viên nhỏ trước Trường THCS Thái Nguyên như mọi năm. Ừ, bao nhiêu năm qua, cứ dịp lễ Tình nhân, ngày 8-3, 20-10, 20-11… vỉa hè khu vực này rợp hoa. Các cô cậu sinh viên tranh thủ, hùn vốn mua hoa bán chút kiếm lời, vừa là trải nghiệm làm thêm. Người mua nhộn nhịp xịch xe máy, không cần bước khỏi xe cũng mua được bó hoa. Hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc với thành phố biển này. Năm nay thì chính quyền không cho bán kiểu đó nữa, tất cả phải có nơi có chốn.


Nói đi thì phải nói lại. Các bạn ấy nói vậy vì đấy là các bạn ấy nặng tình với hoa, thông cảm với các cô cậu sinh viên mất dịp làm thêm. Nhưng nói về lý, các bạn ấy quên Nha Trang có bao nhiêu cửa hàng hoa, những cửa hàng này kinh doanh phải chịu thuế các loại, chưa nói có người còn phải thuê mặt bằng. Họ cũng mong chờ bán được nhiều hoa hơn vào những dịp này, nhưng làm sao họ có thể cạnh tranh với những điểm bán hoa đột xuất tràn đầy ngoài đường như vậy? Vừa tiện lợi cho người mua, vừa chả phải thuế má gì?.


Người Việt mình sống nặng tình, luôn có xu hướng bênh vực những người cô thế. Lấy ví dụ như vụ em nhỏ bị lọt vào ống cọc bê tông trên công trường xây dựng mố cầu Rọc Sen vừa qua. Thương lắm, nhưng người ta quên là công trường thì tuyệt đối người ngoài không được phép vào chơi. Trẻ em thì nghịch tinh, mấy ông bảo vệ phát hiện các em đi vào, lỡ nổi nóng lên bợp tai các em một cái, có khi áp lực dư luận bị mất việc như không. Còn lơ là một chút thì hậu quả khôn lường. Mất đi một sinh mạng, xã hội tốn kém nhiều tỷ đồng giải cứu…


Những người có dịp đi du lịch Singapore đều trầm trồ về một thành phố sạch đẹp, quản lý nghiêm ngặt, quy củ, người dân tự giác chấp hành. Để có được điều ấy, người Singapore phải có cả quá trình dày công xây dựng và thực thi luật pháp nghiêm khắc nhất, kể cả duy trì hình thức đánh roi mây từ thời là thuộc địa của Anh. Nhớ vụ đình đám nhất có lẽ là vụ cậu thiếu niên người Mỹ Michael Fay bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công cộng hồi năm 1994. Fay bị tuyên phạt tới 6 roi. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ấy đã nỗ lực tác động để Fay không bị hình phạt đánh roi. Chính quyền Singapore “nể tình” giảm xuống 4 roi nhưng vẫn nhất quyết thi hành bản án. Pháp luật nước họ như vậy nên mới có được một Singapore mà người ta ca ngợi như hiện tại.


Cái gì mới đi vào khuôn khổ cũng không khỏi gặp một vài phản ứng, nhất là nếp sống nặng tình của chúng ta. Thay đổi một nếp sống đâu phải chuyện của ngày một ngày hai, phải là một quá trình. Xã hội muốn phát triển, đòi hỏi tất cả phải đi vào nề nếp, quy định. Cứ từ thực hiện nghiêm mỗi việc nhỏ, dần dần chúng ta sẽ hình thành nên một ý thức tuân thủ pháp luật. Những dịp lễ tới đây, rồi chúng ta sẽ thấy những hàng người xếp hàng chờ đến lượt trước các cửa hàng hoa.


Thủy Ngân