Có lẽ tuổi thơ tôi biết mang máng về cái từ "vô tuyến truyền hình" là khi thấy một người trong xóm nhỏ ở quê đi xa, hình như từ miền Nam hay nước ngoài về chở một cái hộp rất to. Người trong xóm thì thào với nhau: "Đó là cái vô tuyến đấy… Rồi cả xóm sẽ được xem!".
Có lẽ tuổi thơ tôi biết mang máng về cái từ “vô tuyến truyền hình” là khi thấy một người trong xóm nhỏ ở quê đi xa, hình như từ miền Nam hay nước ngoài về chở một cái hộp rất to. Người trong xóm thì thào với nhau: “Đó là cái vô tuyến đấy… Rồi cả xóm sẽ được xem!”. Ai cũng háo hức nhưng chẳng thấy gia đình nhà kia hé mở gì. Rồi tôi hay mọi người đều quên đi, sau này mới biết dù cái thùng kia là máy thu hình - vô tuyến truyền hình đi nữa thì thời điểm đó cũng thành vô dụng vì có đài phát hay ăng-ten gì ở cái xóm nghèo của tôi đâu? Đó là những năm cuối thập niên 70 ở miền Bắc.
Tôi thấy được chiếc vô tuyến thật chính là lúc lên Hà Nội để đi vào miền Nam. Trong con ngõ ở Hà Nội, cứ buổi tối, người có máy đem ra để trước cái bàn nhỏ ở giữa đường cũng là khoảnh sân cho cả khu phố xem. Tất nhiên, khi đó Hà Nội chỉ có truyền hình đen trắng và cái vô tuyến kia khoảng 14 inch nhưng thực sự đem lại niềm vui cho rất nhiều người ở đây, nhất là trẻ con.
Gia đình tôi định cư ở thành phố miền Trung và bố tôi cố gắng mua được chiếc tivi Mỹ chạy đèn màn hình tương đối to, chừng 17 hay 19 inch. Do là tivi cũ nên mỗi khi khởi động, từ sau lưng nó, các loại đèn Diot chạy đỏ rực, nóng ran, bố tôi phải dành riêng một cái quạt con cóc để làm mát! Màn hình thỉnh thoảng trôi tuồn tuột từng khung hình như kéo phim, mỗi khi cô phát thanh viên xuất hiện dạng cận cảnh thì đầu méo kéo dài như quả dưa gang. Thời đó, tivi nào cũng có ăng-ten trần, tức treo trên nóc nhà, sân thượng nên chỉ cần nhìn khu dân cư nào nhiều cột ăng-ten là biết nơi đó có nhiều hay ít tivi.
Sau thời tivi Mỹ cũ thì lại chuyển sang dòng tivi đời mới của các nước xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc và cả Việt Nam liên doanh lắp ráp. Phải nói rằng tivi đen trắng thời này đóng rất đẹp, có thùng, có chân, cửa lùa mà sau này nhiều nhà sưu tập lưu giữ như một kỷ vật. Nhưng hệ tivi các nước xã hội chủ nghĩa chỉ tồn tại chừng hơn 10 năm thì nhường chỗ cho dòng tivi đời mới của Nhật Bản với đủ thương hiệu nổi tiếng: JVC, Sony, Sanyo, Hitachi, Sharp, National… bán rộng rãi trên thị trường. Rồi đầu thập niên 90, tivi màn hình cong, nhỏ bị dòng tivi màn hình phẳng, lớn cũng của Nhật Bản, Hàn Quốc lấn át; sau này đến tivi lớn, phẳng, mỏng… thì coi như đã trở nên tầm thường với mọi người.
Trở lại với thời kỳ đầu của vô tuyến - tivi đen trắng và một phần màu sau này. Có lẽ tỷ suất người xem luôn đạt đỉnh vì hầu như ai cũng xem. Đài thường chỉ có một kênh, phát theo khuôn mẫu và giới hạn giờ giấc, kết cấu chương trình như sau: 19 giờ chương trình Những bông hoa nhỏ dành cho thiếu nhi, chiếu phim hoạt họa nước ngoài Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan hay ca nhạc, sau này có phim tư bản. Tiếp đến là thời sự địa phương. Sau này có thêm thời sự quốc tế do chính đài tự khai thác hay do đài Trung ương chuyển băng hình; cuối cùng chiếu phim đơn hay phim nhiều tập. Phim chủ yếu là các đài xã hội chủ nghĩa, sau này có phim hay hơn của Pháp, Ấn Độ và cả Mỹ… Còn phim Việt Nam chỉ chiếu dịp lễ và trở thành mặc định, ví dụ ngày Quốc khánh sẽ chiếu các phim: Ngày ấy bên sông Lam, Sao tháng 8; ngày sinh nhật Bác sẽ chiếu Hẹn gặp Sài Gòn; ngày Tết chiếu phim Làng Vũ Đại ngày ấy… Riêng với bóng đá quốc tế như World Cup thì năm 1978 đã có chiếu nhưng rất chậm, mọi người vẫn nhớ Argentina 1978, Mario Kempes với mái tóc sư tử đấu với Johan Cruyff lừng danh trận chung kết nhưng chỉ là băng hình phát lại sau hơn 10 ngày, nhưng cũng không sao vì báo chí thời đó chưa phát triển nên chẳng ai rành thông tin. Từ Espana 82 trở đi, người xem tivi có thể xem trực tiếp một số trận do đài Hoa Sen của Liên Xô chia sẻ và hoàn thiện của truyền hình trực tiếp chính là Mexico 86…
Chúng ta hôm nay có thể xem tivi ở rất nhiều phương tiện: máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng và tivi ở nhà với nhiều kích cỡ, chất lượng hình ảnh… nhưng có lẽ cảm xúc về thời tivi vô tuyến đen trắng hay thời kỳ đầu của tivi màu là một kỷ niệm đáng nhớ. Đó cũng là thời còn đậm đà tình làng nghĩa xóm khi cả xóm, cả dãy phố hay nhiều gia đình quần tụ xem chung một màn ảnh vô tuyến những buổi tối…
Dương Trang Hương