Tôi có may mắn được cư ngụ tại một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa cổ xưa của TP. Nha Trang. Tiêu chí để nhận ra điều này chính là sự tồn tại của những đình làng có lịch sử hàng trăm năm nay. Trong khoảng 1km2 nhưng có rất nhiều đình làng.
Tôi có may mắn được cư ngụ tại một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa cổ xưa của TP. Nha Trang. Tiêu chí để nhận ra điều này chính là sự tồn tại của những đình làng có lịch sử hàng trăm năm nay. Trong khoảng 1km2 nhưng có rất nhiều đình làng. Có thể kể đến đình làng Phương Sài tọa lạc trên đường Phương Sài, gần chợ Phường Củi (bây giờ là chợ Phương Sơn). Từ đình Phương Sài, nhìn sang bên kia đường là ngã ba Phương Sài - Bến Cá. Rẽ vào đường Bến Cá, đi thêm vài trăm mét là vượt qua cây cầu Hộ bắc qua sông Kim Bồng, qua đến xóm Hộ. Vừa qua khỏi cầu Hộ, nhìn phía tay trái, thấy ngay đình làng Vĩnh Hội (nay là đình của xóm Hộ). Thêm vài trăm mét nữa, nhìn về bên tay phải là đình Lư Cấm. Thêm vài mươi mét, vẫn bên tay phải, là cổng vào đình Ngọc Hội - một trong những địa danh xuất hiện sớm nhất trong dư địa chí tỉnh Khánh Hòa.
Cả một vùng không rộng lắm nhưng dân cư sinh tụ đông đúc. Đây cũng chính là lưu vực của sông Cái Nha Trang. Toàn vùng đất này ăn nước dòng sông Cái ngọt lành, trong xanh. Con đường làng, vì vậy, cũng ôm dọc theo dòng sông Cái uốn lượn mềm mại. Con đường đi ngang địa danh nào thì mang tên địa danh ấy, chẳng hạn có đoạn bạn thấy nó có tên Hương lộ Ngọc Hiệp, có đoạn nó lại mang tên Hương lộ Lư Cấm,… Sức mạnh tái sinh của văn hóa dân gian vốn là như thế.
Con đường khá dài, kéo dài đến khi gặp Hương lộ 45. Đường làng cổ nên hẹp, vì ngày xưa là đường đất cát, người dân đi bộ hoặc xe ngựa. Con đường tuy hẹp nhưng luôn nhộn nhịp, hai bên nhà cửa san sát, nhiều chợ búa và hàng quán mọc lên. Tuy đã được bê tông hóa nhưng nó vẫn có dáng điệu của con đường làng truyền thống: nhỏ hẹp và quanh co. Nguyên nhân sâu xa là vì những ngôi làng xưa - nhất là làng nghề truyền thống - đều được lập dựng ven sông, lấy nước sông để ăn uống, làm nghề, nhất là để thông thương hàng hóa. Bạn thử hình dung, ngày xưa, làng gốm Lư Cấm vận chuyển nồi, lò, vật gia dụng bằng đất nung bằng các sọt tre có chèn rơm xung quanh, nếu vận chuyển bằng thuyền sẽ êm hơn bằng xe ngựa lộc cộc trên đường đất sống trâu.
Theo sách Xứ Trầm hương (Quách Tấn), dòng sông Cái “dài chừng 60 cây số, chảy qua hai quận Diên Khánh và Vĩnh Xương” (TP. Nha Trang ngày nay). Vì thế, sông Cái có nhiều tên gọi, tên theo địa danh mà nó đi qua. Chẳng hạn, chảy qua làng Phú Lộc (Diên Khánh) nó có tên là sông Phú Lộc, xuôi về Nha Trang thì được gọi là sông Nha Trang. Sông Cái còn có tên chữ là Cù Giang, nói gọn là sông Cù, vì một trong những cửa sông đổ ra biển có tên là Cù Huân.
Đường các làng chạy dọc theo bờ sông Cái. Dòng sông lại uốn lượn theo thế đất, thế núi. Cứ thế, các làng mạc nép mình dưới những vườn dừa, vườn cây trái xanh mướt soi bóng trên làn nước sông hai mùa mưa nắng lên xuống nhịp nhàng.
Có câu khuyên rằng: “Hãy học theo cách của dòng sông, gặp núi thì đi đường vòng”. Câu trên thể hiện quan niệm sống, cách ứng xử trước khó khăn, trở ngại trên đường đời. Mỗi lần đi trên con đường làng uốn quanh theo bờ sông Cái Nha Trang, tôi lại nhớ đến lời khuyên chí tình, chí lý ấy, hãy học theo cách của dòng sông, ứng xử linh hoạt, thích ứng hoàn cảnh, sáng tạo… Âu đó cũng là lối sống của người từng trải, lịch duyệt, ôn hòa vậy!
CHẾ DIỄM TRÂM