Sau những tháng kiên nhẫn cùng nhau vượt qua dịch bệnh, tôi cứ nghĩ có bao giờ chúng ta trở lại được nếp sống như xưa? Có một cái gì đó đảo lộn trong tất cả, có bình thường cũng là "bình thường mới" mà thôi. Những ngày trước đây, thực ra chỉ là nhịp sống hàng ngày nhưng sao cứ ánh lên, lấp lánh trong tâm trí…
Sau những tháng kiên nhẫn cùng nhau vượt qua dịch bệnh, tôi cứ nghĩ có bao giờ chúng ta trở lại được nếp sống như xưa? Có một cái gì đó đảo lộn trong tất cả, có bình thường cũng là “bình thường mới” mà thôi. Những ngày trước đây, thực ra chỉ là nhịp sống hàng ngày nhưng sao cứ ánh lên, lấp lánh trong tâm trí…
Do ảnh hưởng bão nên cả mấy ngày trời mưa to, họa may có lúc hửng lên thì chỉ là chút nắng vàng mong manh, yếu ớt. Chỉ vậy thôi cũng đủ làm lòng người phấn chấn. Sau những chộn rộn của những việc phải làm trong ngày đầu thực hiện phong tỏa của khu dân cư, tôi ngồi nhớ và gõ lại những tháng ngày lấp lánh vừa mới đó. Lòng những rưng rưng hoài cảm và cũng muôn nỗi bối rối như một người đứng giữa khu vườn sau bão, đang bão mà mơ về những ngày nắng rót mật khắp nơi.
Có lẽ bắt đầu từ những buổi trưa ve kêu râm ran và cây phượng góc sân trường cứ ngời lên giữa không gian tươi tắn rạng rỡ của tuổi học trò. Gió thổi vài cánh bướm la đà nhởn nhơ bay, những cuốn lưu bút, vài lá thư tay chuyền nhau trong cuốn vở cùng nụ cười bẽn lẽn và ánh mắt ngập ngừng trao nhau… Tất thảy đều hiện lên trong khoảng sáng trắng của miền ký ức đẹp đẽ mến yêu.
Đó là thời sinh viên phơi phới niềm vui và những khát khao cháy bỏng lãng mạn. Là những ngày sáng giảng đường, chiều thư viện miệt mài đọc sách. Có những hôm cô thủ thư đến nhắc mới biết là hết giờ. Trên đường về ký túc xá, trời tháng 12 không có nắng, thấy các bạn ùn ùn đi xuống nhà ăn ta ngơ ngác: “Nói thật đi, giờ là ăn cơm trưa hay chiều vậy?” làm đứa bạn cười khoái trá vì vẻ mặt ngây ngô lúc đó của ta.
Đó là những ngày mới lên dạy học ở xứ Lạng. Cô giáo 21 tuổi tóc cột hai bím bằng sợi dây màu tím, chân đi đôi guốc gỗ mua lúc chờ tàu ở ga Đông Anh, thấy cái gì cũng lạ, cũng hỏi. Lần đầu tiên đi rừng lấy củi, cô đi chân đất vì cứ nghĩ như rừng bạch đàn ở quê, có thảm cỏ mềm dưới gốc. Mấy “ma cũ” cười rũ ra mà cô vẫn ngơ ngác không hiểu lý do. Nhìn ngang đỉnh núi có dải mây trắng, cô háo hức leo thật nhanh. Leo mãi vẫn chỉ thấy trước mắt sương mù mờ mịt, cô mới quay sang băn khoăn: “Ơ! Mây đâu? Áng mây khi nãy đâu?”. Bạn cười độ lượng: “Mây đấy thôi”. Té ra mây là những hạt nước li ti đang bám cả trên tóc tai, lông mày lông mi. Lúc ngồi nghỉ ở ven rừng, cô reo lên khi thấy cả một đoạn suối cạn, dập dờn những con bướm vàng, bướm trắng. Cô huơ tay, chúng nhất loạt bay lên đậu trên vạt đất có những bông hoa tựa hoa hồng. Cô hỏi và người bạn nói đó là hoa kim anh. Cô cười nói “Cô bạn thân em cũng tên như hoa này”, hồn nhiên không thấy ánh mắt xót xa của người ấy đang nhìn đôi tay đầy vết gai cào của mình...
Là những tháng ngày say mê, bận rộn với công việc. Là ngày náo nức rộn rã cùng bạn ra mắt sách. Cà phê, hoa trái, sách... và những người bạn, chen vai chụp hình, cười nói hả hê, có lỡ ho hen cũng không ai e dè sợ sệt.
Là những ngày xóm nhỏ thênh thang con đường trước cửa. Người đi, xe chạy và đông nghẹt học sinh hai trường tan học. Những chiều hoàng hôn bình yên hắt lên trời những dải mây vàng chói lọi, rồi mờ dần, mờ dần cho đến khi tím sẫm dịu dàng. Mọi nhà sum họp bên mâm cơm. Sau mỗi khung cửa đang sáng đèn kia là một thế giới, một gia đình với số phận riêng của mình.
Là những sáng Chủ nhật, các bà, các chị xông xênh cái làn đi chợ. Gặp gỡ, chào hỏi nhau... Đủ để thấy cuộc sống đang bình yên và đầm ấm trôi qua.
Thế rồi cơn đại dịch đến. Suốt ngày nghe thấy giãn cách, cách ly, phong tỏa, cấp cứu, sàng lọc… Những thói quen sinh hoạt bị đảo lộn. Những điều bình thường nay không được phép làm và trong thâm tâm cũng chả ai muốn. Mọi người tự nhiễm cái tính đa nghi, tiếp xúc với ai trong lòng cũng tự hỏi, liệu có an toàn? Ngại đến nhà nhau, những gương mặt xa lạ sau lớp khẩu trang kín mít…
Rồi cuộc sống sẽ sang một chặng mới, bắt đầu thích nghi với việc sống chung với dịch. Cuộc sống lại tiếp tục dâng cho đời, cho người những tháng ngày lấp lánh yêu thương…
Những ngày tháng bình thường đã qua cứ lấp lánh trong tâm khảm.
Bích Thiêm