Lớn lên tôi ra phố làm việc, mỗi lần về thăm quê tôi thường mang bó hoa tươi cho mẹ, mùa nào hoa đó, mẹ đều nâng niu thích thú. Cũng có lần mẹ bảo: "Con để thêm khoản này mà đi lại". Phải, với những người có kinh tế khá giả thì chẳng đáng là bao, nhưng với tôi tiền hoa cũng là một khoản… Ấy vậy mà hiếm khi về với mẹ tôi quên mua hoa. Khi mở cửa đón tôi, bao giờ mẹ cũng nhìn tôi và đưa tay đỡ bó hoa trước rồi mới để ý đến đồ đạc…
Lớn lên tôi ra phố làm việc, mỗi lần về thăm quê tôi thường mang bó hoa tươi cho mẹ, mùa nào hoa đó, mẹ đều nâng niu thích thú. Cũng có lần mẹ bảo: “Con để thêm khoản này mà đi lại”. Phải, với những người có kinh tế khá giả thì chẳng đáng là bao, nhưng với tôi tiền hoa cũng là một khoản… Ấy vậy mà hiếm khi về với mẹ tôi quên mua hoa. Khi mở cửa đón tôi, bao giờ mẹ cũng nhìn tôi và đưa tay đỡ bó hoa trước rồi mới để ý đến đồ đạc…
Dần dần trở thành thói quen, bao giờ được tin tôi sắp về là mẹ chuẩn bị bình cắm hoa, kéo cắt tỉa… Cắm xong bình hoa, mẹ đi lại mấy lượt ngắm nghía thích thú. Gương mặt mẹ hiện lên rất sáng, ánh mắt mẹ đong đầy niềm vui, hạnh phúc. Nhiều bình hoa tôi mang về mẹ chơi được một tuần, nửa tháng mới chịu mang đi bỏ. Đó là những ngày mẹ chăm chút lau chùi bộ bàn ghế, ấm trà, chiếc màn hình tivi và luôn tay thu gom đồ chơi của các cháu về đúng chỗ. Một vài lần vì công việc, tôi về quê không kịp mua hoa, mẹ ra mở cổng, tôi phải chủ động nói trước: “Hôm nay con không kịp mua hoa mẹ ạ”. Mẹ lặng im một lúc rồi bảo: “Ừ, để hôm sau mua cũng được”. Hôm ấy tôi thấy ánh mắt mẹ buồn hiu…
Rồi một ngày tôi được cơ quan điều sang tỉnh bạn công tác nên ít về hơn, và đương nhiên việc mua hoa cũng không thuận như trước. Một số lần về thăm nhà, tôi vẫn thấy mẹ chơi hoa. Tôi chưa kịp hỏi thì mẹ đã rạng cười, khoe: “Mẹ chơi hoa bình dân thôi nhưng chơi được cả tuần đấy con ạ”. Đó là các loài hoa như: Cúc, đồng tiền, lưu ly, cát tường… hay những loài hoa mẹ trồng được trong vườn như: Hồng nhung, vạn thọ, mẫu đơn… Mẹ hái cắm vào bình, các cháu gái tuổi má hồng rối rít khen và nói bà nội dạy cắm hoa. Có lần tôi dẫn anh bạn đồng nghiệp về chơi nhà, đúng hôm mẹ hái cành bàng vuông xuống cắm vào bình. Anh thấy lạ và tiếc nuối vì hoa bàng vuông vốn chỉ nở lúc về đêm. Mẹ liền “giải trình” và kể với vị khách: Cây bàng vuông này ngày trước ông ấy hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa, trước ngày về đất liền, anh em trong đơn vị không biết lấy món quà gì tặng thủ trưởng nên đã mang xuống tàu một cây bàng vuông và ghi rõ “Kính tặng đảo trưởng”, nếu tặng ông ấy trên bờ sẽ bị ông mắng và không nhận, vì ông là người quyết liệt phủ xanh đảo bằng bàng vuông và cây tra. Hơn 20 đã trôi qua, cây bàng vuông giờ đã trở thành cây cổ thụ cao lớn trước sân vườn, hoa nở về đêm, gia đình không thưởng thức được, mẹ đã nghiên cứu hái cành, pha dưỡng chất vào nước cắm cho hoa nở. Kết quả cành khỏe, hoa đẹp và nở hết nụ. Dịp ấy cành bàng vuông của mẹ được anh đồng nghiệp viết một bài báo về kỹ thuật dưỡng cành và thú thưởng hoa của mẹ, mỗi dịp khách đến nhà mẹ đều mang ra khoe.
Giờ ba mẹ tuổi đã cao, ăn uống kiêng khem đủ thứ. Ngoài bát cơm, vài cọng rau, con cá, còn có cả tiếng chạy nhảy, tiếng bi bô, nô đùa của đám cháu nhỏ; những sắc hoa trên bàn, sự chăm chút hoa trái trong khu vườn… Vì dịch bệnh Covid-19, lâu lắm rồi tôi không về thăm mẹ. Mới đây mẹ điện lên báo tin, hàng hoa giấy trong con ngõ của xóm mà bố mẹ trồng, chăm sóc hơn 2 năm nay đã ra hoa ngũ sắc rất đẹp, ba mẹ được UBND xã trao tặng bằng khen vì có thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Tôi chợt nhận ra rằng, mỗi sắc hoa, niềm vui bình dị quây quần bên cuộc sống ba mẹ lại là nguồn năng lượng lớn hơn mỗi bát cơm, viên thuốc, con cá…
NGUYỄN VĂN HẠNH