09:11, 06/11/2020

Tình người trong phố

Ngày chân ướt chân ráo bước vào thành phố mưu sinh, tôi sợ nhiều thứ lắm. Ngày đó, người ở quê thường hay truyền với nhau là "ở thành phố, nhà sát vách họ còn chẳng biết mặt nhau", "người thành phố sống chỉ biết mình", rồi coi chừng bị lừa, bị dụ dỗ… 

Ngày chân ướt chân ráo bước vào thành phố mưu sinh, tôi sợ nhiều thứ lắm. Ngày đó, người ở quê thường hay truyền với nhau là “ở thành phố, nhà sát vách họ còn chẳng biết mặt nhau”, “người thành phố sống chỉ biết mình”, rồi coi chừng bị lừa, bị dụ dỗ… Tôi mang theo nỗi sợ và những băn khoăn về người thành phố ấy bên mình. Và rồi sau hơn mười năm sống nơi phố thị, tôi nhận ra tình người trong phố vẫn rất nồng nàn, vẫn đậm nghĩa tình.


Giữa dòng đời xô bồ, nhịp sống hối hả của thị thành, những điều tử tế lại hiện lên vô cùng giản dị và đáng mến. Một buổi chiều tan làm, tôi đang trên đường về, ngang qua gác chắn tàu lửa, mọi người đang dừng xe đợi tàu chạy qua. Cậu bé con của đôi vợ chồng trẻ trước mặt tôi vung vẩy làm rớt chiếc giày. Tôi chỉ mới lên tiếng bảo với mẹ bé “Cháu bị rớt giày rồi chị ơi” thì đã có một chị bên cạnh dựng ngay xe xuống, nhặt giúp chiếc giày lên và mang giày cho bé. Một anh bạn trẻ cũng vừa xuống xe định đến nhặt giúp chiếc giày. Chứng kiến cảnh này, không hiểu sao lòng tôi thấy vui vui…


Có lẽ mọi người cũng như tôi, không ít lần đi xe máy mà quên gạt chân chống. Nhưng lần nào cũng vậy, đều có người nhắc nhở tôi “Chị ơi/bạn ơi/em ơi, gạt chân chống lên kìa”. Chỉ một câu nói đơn giản, một hành động nhỏ vậy thôi nhưng tình người trong phố hiện lên rất chân thật. Họ không chỉ biết đến bản thân mình mà còn quan tâm đến người khác nữa. Và tôi, mỗi lần nhắc nhở người khác gạt chân chống lên, dù chỉ nhìn khuôn mặt qua lớp khẩu trang vẫn biết người được nhắc nhở rất vui và cảm ơn vì đã nhắc họ. Họ vui, tôi cũng vui.


Nhớ năm đầu tiên đến ở xóm tôi bây giờ, nếu không nhờ sự giúp đỡ của mọi người, tôi chẳng biết mình sẽ làm thế nào. Một ngày mùa mưa, nước lụt tràn khắp nơi. Con đường về nhà ngập không thấy lối đi. Mưa như trút nước, tôi đứng bơ vơ chẳng biết làm thế nào trong khi nhà còn có con nhỏ, không thể không về. Chợt nhớ trong điện thoại mình lần trước có lưu số của anh cảnh sát khu vực, đánh liều gọi hỏi, anh bảo “đường ngập hết rồi, chỉ còn cách đi vòng từ Đồng Bò về thôi”. Tôi cảm ơn anh nhưng thật sự chẳng biết con đường đó đi thế nào. Nước mắt chực rơi. Bao lo lắng, sợ hãi hiện về. Trời thì mưa, đường vừa xa vừa không biết đi thế nào nhưng tôi vẫn phải đi. Tôi hỏi thăm một chú về con đường mà anh cảnh sát khu vực vừa chỉ. Vừa dứt lời, chú bảo “đi theo chú!”. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng lòng tôi “mừng hơn bắt được vàng”. Đường vừa xa vừa lạ lại vắng tanh. Ổ voi ổ gà ngổn ngang, chú chẳng để ý cứ chạy phía trước dẫn đường, thỉnh thoảng lại quay sau nhìn thử tôi còn theo kịp không. Để tôi yên lòng, lâu lâu chú còn động viên “qua khúc này nữa là gần tới rồi con”, “chạy cẩn thận chút nha”… Tới đường lớn, chú chỉ hướng đi cho tôi rồi vòng ngược lại để về nhà mình. Tôi nghe chăm chú, chưa kịp nói câu cảm ơn đã nghe tiếng xe của chú ở phía sau lưng mình. Mưa lạnh nhưng lòng tôi lại ấm vô cùng…


Nơi tôi ở, những năm trước hễ cứ tháng 9, tháng 10 hàng năm là nước lụt lại tràn đường, tràn cả vào nhà. Mỗi lần nước lên, cả xóm lại í ới nhắc nhau chuyển mọi thứ lên cao. Nhà neo người, mọi người xúm lại khiêng giùm tôi chiếc tủ lạnh, từng chiếc bàn, chiếc ghế chất lên cao; có bác còn mách tôi dắt xe máy ra đường lớn gửi nhờ. Người gửi cũng như chủ nhà thậm chí chưa từng biết mặt nhau vẫn đồng ý cho gửi nhờ xe tới khi nước rút. Bây giờ, khi con đường đã khang trang, nước có cống thoát, không phải lo lắng mỗi khi trời mưa nữa, tôi mãi không quên những ân tình của người thành phố.


Người thành phố giúp nhau bởi những điều tưởng chừng như nhỏ nhưng lại thiết thực vô cùng. Mỗi khi trời mưa, tôi vẫn thấy bác hàng xóm gom đồ giúp anh bạn trong xóm trọ lúc anh không có nhà. Anh thợ điện may mắn được “cải tử hoàn sinh” trong một tai nạn lao động chắc chẳng thể nào quên được câu chuyện cả xóm đã cứu anh như thế nào. Họ, chỉ là người dưng thôi nhưng vẫn lo lắng cho nhau bằng cả tấm lòng. Bởi, tình người trong phố vẫn luôn nồng nàn như thế…


Hòa Trang