Người đàn ông dáng vóc bệ vệ, đôi má chảy xệ thoáng hồng lên khi đưa mắt qua hàng rào chè tàu cắt ngắn, ánh nhìn neo lại nơi người phụ nữ cũng đã luống tuổi đứng bên kia.
Người đàn ông dáng vóc bệ vệ, đôi má chảy xệ thoáng hồng lên khi đưa mắt qua hàng rào chè tàu cắt ngắn, ánh nhìn neo lại nơi người phụ nữ cũng đã luống tuổi đứng bên kia.
- Mẹ con cô vẫn khỏe chứ?
Người phụ nữ hơi ngước mắt lên, dù cố giấu vẫn thấy rõ sự bối rối khi gặp ánh mắt ân cần của người đối diện:
- Dạ, mẹ con em vẫn bình thường ạ.
- Các cháu đi làm hết rồi hay sao?
Người đàn ông khẽ hỏi vọng sang, ánh mắt ông bao quát cả khoảng sân nhà hàng xóm, rồi chầm chậm mở cánh cổng gỗ cho ánh nắng ùa vào sân nhà. Ông định nói câu gì đó nhưng một cơn ho khiến ông phải dừng lại. Ông không nhìn thấy người phụ nữ hơi quay đi như che một ánh cười chớm lóe lên trong ánh mắt.
Ông là một doanh nhân từng có thời làm ăn phát đạt. Thế nhưng, thương trường vốn đầy những bất trắc. Vì quá tin người mà ông bị thua lỗ đậm. Phá sản. Vợ bỏ. Nhờ có người anh họ giúp, ông đi lao động xuất khẩu và ở cùng gia đình anh chị bên đó. Những năm gần đây, kinh tế khá hơn, ông mới về thăm quê vào những dịp Tết. Hàng xóm sát bên nhà con trai ông là bà An, nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu. Mấy lần về, ông hay hỏi chuyện về gia cảnh của bà. Đám con cháu ý nhị tránh đi mỗi khi thấy ông đứng bên này sân nhìn vu vơ sang phía bên kia nơi có bụi hoa tím biếc vẫn hằng rung rinh trong nắng sớm. Con nhỏ Út Nguyên lí lắc cũng không dám huyên thuyên những chuyện đâu đâu vì ánh mắt của ông nội lạ lắm. Những lúc đó, nó chỉ dám khẽ cầm bàn tay ông như một sự sẻ chia thầm lặng...
Lần về gần đây nhất, ông đã ngỏ ý nhưng bà cứ ngần ngừ chưa dám quyết định. Bà cũng như bao phụ nữ khác, lấy chồng rồi thì cả thế giới thu lại trong phạm vi gia đình nhỏ. Những bổn phận trách nhiệm của người vợ, người mẹ rồi người bà đã khiến họ quên cả bản thân mình. Vẫn biết giờ cả hai đều là những nửa đơn côi, và không phải bà không biết tình cảm của ông đối với bà nhưng bà vẫn e dè ngần ngại. Tuổi son trẻ còn khó nói gì bây giờ, lại còn có những đứa con và bao nỗi ngổn ngang sau một lần đổ vỡ…
- Em đã quyết chưa?
Ngần ngừ mãi rồi ông cũng cất tiếng hỏi. Bà hơi cúi đầu, ánh mắt dừng lại chỗ chùm hoa tím bị gió thổi vắt ngang hàng chè tàu. Bà An nhẹ nhàng nâng chúng lên. Bàn tay với những ngón rám nâu hình như hơi run run. Ông khẽ đặt tay mềm và ấm áp lên tay bà. Bà luống cuống nhưng vẫn để tay mình trong bàn tay ông.
- Ông… Em còn nặng gánh lắm ông ơi! Con em…
- Trời! Con cái lớn rồi thì chúng có phận của chúng. Em tính bảo bọc chúng suốt đời hén?
- Không phải vậy. Chẳng qua là… Bà ngần ngừ chút rồi nói khẽ: Em sợ làm lại mọi thứ. Em sợ lại thêm một lần mình sẽ lại đau nếu chẳng may…
- Chu choa! Thế thì em sợ hết đời à? Em cứ nghĩ kỹ đi. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Tôi sẽ về đây. Mình dựa vào nhau mà sống. Con cái rồi chúng cũng ủng hộ mà.
- Em biết. Em cảm ơn ông. Nhưng… Bà lại ngập ngừng rồi quả quyết: Thôi, em không dám đâu. Em cứ như này thôi ạ.
Ông chậm chậm quay vào nhà. Đang là giữa trưa. Ánh nắng đổ tràn trên sân gạch. Không khí oi bức lạ lùng. Cánh cửa phòng bên khép hờ, có tiếng vợ chồng Thắng thì thào:
- May quá! Cổ không đồng ý!
- Sao? Như nào? Tiếng con dâu ông sốt sắng.
- Thì ông nội nói cái gì mà “Con chăm cha…”, nhưng cổ không chịu. Hì hì!
- Sao anh lại cười? Em thấy ông bà đều tội! Ông bà về với nhau cũng tốt cho mình.
Ông khẽ thở nhẹ rồi ngả người trên sô-pha. Mai mình sẽ thuyết phục cổ tiếp.
Ông nhỏm dậy mở hộc tủ lấy lọ dầu tràm xoa vào hai hõm gan bàn chân, khẽ kéo chiếc mền mỏng đắp ngang người, rồi thở theo đúng bài tập được học từ ông anh họ chỉ cho. Tiếng thở nhỏ dần dịu dần. Căn phòng chỉ còn tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ treo bên góc tường.
. Truyện ngắn của Bích Thiêm