Chắc chắn, không người mẹ nào nhớ chính xác thời điểm bà phát hiện con trai không ăn khổ qua, con gái không ăn được cay, khi chúng biết cầm chén ngồi vào bàn ăn, gắp thức ăn như mọi người. Chỉ thấy, năm tháng dần trôi, các con lớn lên, chấm dứt cảnh lẽo đẽo theo con với tô cơm, làm mọi cách dụ cho con ăn hết. Con ăn xong mới đến lượt người lớn...
Chắc chắn, không người mẹ nào nhớ chính xác thời điểm bà phát hiện con trai không ăn khổ qua, con gái không ăn được cay, khi chúng biết cầm chén ngồi vào bàn ăn, gắp thức ăn như mọi người. Chỉ thấy, năm tháng dần trôi, các con lớn lên, chấm dứt cảnh lẽo đẽo theo con với tô cơm, làm mọi cách dụ cho con ăn hết. Con ăn xong mới đến lượt người lớn...
Rồi con “biết ăn” là lúc bà mẹ nghĩ đến việc chế biến thức ăn, thay đổi món mỗi ngày sao cho con ăn hết, khen ngon là mẹ vui lòng.
Chồng thích ăn mặn, cay, thích thịt mỡ nhưng ngược lại hai đứa con không ăn mặn, dị ứng với món cay và không ăn được thịt mỡ. Làm món thịt luộc, mẹ bày ra trên bàn hai chén mắm nguyên chất, một chén ớt tỏi cho chồng và một chén không có ớt dành cho con.
Con trai không ăn được khổ qua, trong khi 3 người còn lại đều thích món này. Mỗi lần hầm nồi khổ qua nhồi thịt hay xào trứng, bà mẹ phải làm thêm món canh, món xào khác cho con trai.
Người mẹ biết rõ gu ăn uống của từng người trong gia đình. Để thấu rõ được điều này là cả một quá trình sống, chăm chút nuôi con khôn lớn. Nấu cho người này phải khác khi nấu cho người kia nếu trong nhà mỗi người một khẩu vị. Để ai cũng gắp được món mình thích là từ kinh nghiệm, sự tinh tế được dệt nên bằng tình yêu thương, sự hy sinh và cả trái tim của người mẹ gửi gắm vào món ăn ấy.
Bày món ăn ra, bà mẹ “nghe ngóng” sự hài lòng của từng thành viên từ biểu cảm trên gương mặt mà không cần lời nói ra. Một cái nhăn mặt của con gái hay nhìn đôi đũa thờ ơ của con trai, bà biết mình đã thất bại với món ăn đó. Có thể bà sẽ hỏi ý kiến từng người về món ăn để lần sau điều chỉnh nêm nếm và tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn.
Có thể ví người mẹ như cái biểu thử trong gia đình. Bà có thể đo được sự thay đổi tâm tính của chồng, biết được cảm xúc họ mang từ bên ngoài về nhà trong bữa ăn, giấc ngủ, bước chân nặng, nhẹ, lời nói vui hay mệt mỏi, phấn khởi hay chán chường buông xuôi…
Người mẹ lo cho chồng, con cả đời như thế từ việc nêm nếm món ăn, mỗi người một khẩu vị, người thích ngọt, người thích chua, người ưng ăn rau xào giòn, người chỉ thích rau luộc mềm, người cơm nhão, kẻ cơm khô… và luôn biết điều chỉnh sao cho gia đình lúc nào cũng có bữa cơm ngon.
Vậy hỏi ngược lại, các thành viên trong gia đình có biết hay quan tâm vợ, mẹ của họ thích ăn món gì? Món ăn mà mẹ, vợ khen ngon lần gần nhất là món nào?
Nhiều người trả lời ngay rằng cảm thấy thẹn trong lòng vì chưa bao giờ quan tâm đến điều này. Cũng có người bảo, mẹ là chủ gian bếp, mẹ thích ăn gì thì mẹ nấu rồi mẹ ăn, mình đâu có biết...
Mẹ là như vậy đó. Hạnh phúc cho ai còn được ăn cơm mẹ nấu mỗi ngày. Và hạnh phúc hơn, cần tinh ý một chút với mẹ đi, ngầm quan sát xem thử mẹ thích ăn món gì.
Tôi thích bài thơ “Ông ngoại để chi” của nhà văn Võ Hồng: “Này con mẹ hỏi/… Bàn chân để chi? Để mang đôi guốc/Ông ngoại để chi?/Để ngồi hút thuốc”. Vậy thì nếu có câu hỏi mẹ để chi? Xin trả lời ngay rằng: Mẹ chỉ là để yêu thương mà thôi!
Kim Duy