09:10, 06/10/2020

Buổi chiều nghe câu vọng cổ

Có những câu chuyện thường bắt đầu bằng chữ ngày xưa. Đó không phải vì nuối tiếc về thì quá khứ, đó chỉ là hoài niệm về những kỷ niệm đẹp đẽ khó quên. Ngày xưa đó, khi tôi còn sống chung với cha mẹ và các em trong ngôi nhà nhỏ có cái sân to ở một con đường mà các ngôi nhà đều giống nhau.

Có những câu chuyện thường bắt đầu bằng chữ ngày xưa. Đó không phải vì nuối tiếc về thì quá khứ, đó chỉ là hoài niệm về những kỷ niệm đẹp đẽ khó quên. Ngày xưa đó, khi tôi còn sống chung với cha mẹ và các em trong ngôi nhà nhỏ có cái sân to ở một con đường mà các ngôi nhà đều giống nhau. Nhà này có thể khác nhà kia ở cái hàng rào trước nhà, có cái bằng gạch, có cái là những hàng dây kẽm gai, cũng có nhà trồng hoa dâm bụt. Tôi thích ngôi nhà có hàng rào dâm bụt nằm xéo bên kia đường, nhìn kín đáo nhưng rất thơ mộng. Hàng rào nhà tôi bằng gỗ sơn màu xanh, bên trong là cái sân rộng, ở một bên vách ba tôi trồng mấy bụi dâm bụt có hoa màu hồng và màu vàng. Phía cuối sân, ba đặt một cái xích đu bằng gỗ màu trắng cho mấy đứa con gái nhỏ có chỗ đung đưa, đùa giỡn. Vào buổi chiều, tôi thường ngồi học bài trên chiếc xích đu ấy và chắc chắn cũng có lúc sách vở trong tay nhưng cô gái nhỏ năm ấy ngó mông lung ra đường mà không ai biết.

 


Những năm tôi học cuối cấp, ba xây lại nhà mới cao hơn, rộng hơn, nằm một nửa sân và sát mặt đường, cái sân rộng vẫn còn giữ lại với chiếc xích đu nhưng tôi không còn những buổi chiều ngồi ở đó đung đưa mơ mộng. Khi dọn về nhà mới, ba dành căn phòng trên tầng 3 cho hai chị em, em gái tôi không mặn mà lắm với cái sân thượng phía trước nhà nên chỗ đó giống như dành riêng cho tôi. Khi đó tôi đã bước vào tuổi thiếu nữ, cái tuổi vừa lớn vừa nhỏ mà về sau tôi mới thấy thương, mới có lúc mơ ước được quay lại cùng nó thì cũng muộn lắm rồi.


Trên cái sân thượng của nhà mới tôi có thể nhìn ra ngọn núi cao trước nhà, nhìn thấy cây cối, phố xá với những ngôi nhà. Tầm nhìn vừa nhất lúc đó là chợ Xóm Mới, cách nhà tôi chỉ mấy bước chân. Lúc đó chợ rộng rãi và đông đúc hơn. Tôi không còn tuổi đứng trước nhà đón má đi chợ về, nhưng mỗi buổi chiều, lúc rảnh rang, tôi thường ra trước sân thượng nhìn xuống đường nhìn người qua lại. Hồi đó buổi chiều chợ vắng, thường có một chiếc xe hơi nhỏ đậu ở cuối chợ để bán các loại thuốc. Sau một hồi quảng cáo năm ba thứ thuốc chữa nhức đầu, đau bụng, thuốc dán hay vài loại dầu trị nhức mỏi, người ta dừng lại để biểu diễn một trích đoạn cải lương. Đoạn cải lương được trích trong vở tuồng Anh hùng xạ điêu từ truyện của Kim Dung, diễn đi diễn lại ở đoạn Dương Thiết Tâm gặp lại vợ trong gian nhà của Hoàng nhan Hồng Liệt. Khi Dương Thiết Tâm ca câu vọng cổ vì nhận ra khúc thương cũ và bà phu nhân mở lời hỏi ông là ai thì vở diễn dừng lại để người ta bán những thứ thuốc đã quảng cáo phía trước. Tôi đã mấy lần nán lại để xem hai người đó nhận vợ chồng như thế nào nhưng không bao giờ đợi được vì hình như người ta không có ý định diễn tiếp khúc sau. Những lúc đó, tôi hay nhìn theo cô bé vào vai bà phi của Hoàng nhan Hồng Liệt, vợ của Dương Thiết Tâm. Cô bé có vẻ ít tuổi hơn tôi một chút, khuôn mặt gầy bôi phấn trắng bệt nhưng đôi mắt cô rất đẹp, to và đen lay láy, đượm buồn vì long lanh như đang có nước mắt. Mỗi lần nhớ đến cái xe đó tôi vẫn nhớ cô bé nhỏ nhắn ấy mặc nguyên cái áo vải nâu đã cũ của vai diễn, đi qua đi lại mời khán giả mua thuốc.


Về sau này vẫn thấy cái xe bán thuốc thỉnh thoảng dừng lại ở cuối chợ nhưng tôi đã lớn, không còn đứng xem người ta diễn, với lại tôi cũng đã đọc bộ truyện Anh hùng xạ điêu nên không cần xem Dương Thiết Tâm nhận lại vợ thế nào. Bấy giờ tôi chỉ ngồi trên sân thượng nhà mình, lắng nghe tiếng ca vọng cổ vọng lại từ cuối chợ, đôi lần cũng tự hỏi không biết cô bé ngày xưa bây giờ thế nào, có còn diễn vai bà phi nữa không.


Bây giờ tôi không còn ở gần chợ Xóm Mới. Thỉnh thoảng đi qua nhìn chợ thay đổi ít nhiều mà trong lòng thấy nhớ da diết những ngày tuổi thơ gắn bó với chợ và thoảng đôi khi có buổi chiều nào chỉ cần nghe câu vọng cổ, không cần biết nội dung cũng thấy lòng mình thắt lại một cách vô cớ. Dẫu sao khi nhận ra vật đổi sao dời là chuyện bình thường thì tôi không còn buồn vì nỗi tiếc nhớ nào, chỉ là thấy thương quá một trời ký ức đẹp đẽ đã qua.


Lưu Cẩm Vân