09:06, 30/06/2020

Ước mơ tuổi 18

- Tao không muốn thi khối A!


Nó vừa gào lên, vừa diễn màn tuyệt vọng úp mặt trên quyển sách Vật lý dày cộp. Nhỏ bạn đáp lại bằng một cái nhìn thờ ơ:


- Thế mày nghĩ ba mẹ mày sẽ đồng ý à?



....

- Tao không muốn thi khối A!


Nó vừa gào lên, vừa diễn màn tuyệt vọng úp mặt trên quyển sách Vật lý dày cộp. Nhỏ bạn đáp lại bằng một cái nhìn thờ ơ:


- Thế mày nghĩ ba mẹ mày sẽ đồng ý à?


Nhìn nhỏ vừa nhón chuối khô trong bịch nhai rộp rộp, nó tức tối gào lên:


- Không chịu thì làm gì tao nào? Cái môn Vật lý ấy có gì thú vị cơ chứ?


Nhỏ bạn quay qua nó và chậm rãi:


- Nhầm. Mỗi môn đều có cái hay riêng của nó. Mày thích môn Văn vì cái gì? Vì sự bay bổng, lãng mạn? Bộ mày tưởng những môn tự nhiên không bay bổng hả?


- Thôi đi bà ơi! Khô như ngói mà kêu bay bổng…


Nó uể oải nhìn ra ngoài khoảng sân đong đầy nắng vàng.


- Tao vẫn muốn được làm phóng viên…


- Nhưng mẹ mày lại không nghĩ thế!


- Ừ! Mẹ tao sợ con gái phải đi nhiều sẽ không tốt, sợ bị ăn hiếp…


- Mẹ mày nói có lý đấy!


- Lý gì? Thế chị Hạ Quyên thì sao? Chị ấy có bị ai ăn hiếp đâu?


- Ui! Sao mà so với chị ấy được. Chị học giỏi, lại biết võ nữa. Ai mà ăn hiếp được chớ?


Câu nói của nhỏ bạn làm nó chưng hửng. Ừ nhỉ, cái vụ học thì nó biết không thể so với Hạ Quyên, chưa kể chị đánh võ giỏi lắm. Nhỏ bạn vớ lấy cái cặp và ra về. Nó ngồi dậy, lại bên bàn học, lật lật mấy cuốn tập rồi lại đặt xuống. Thẫn thờ…


Nó là con gái một của gia đình nề nếp. Ba là phóng viên một tờ báo tỉnh, mẹ làm phòng nhân sự của một doanh nghiệp Trung ương. Lẽ tất nhiên nó được cưng chiều và không thiếu thứ gì. Ba mẹ lo liệu hết cho nó. Kể cả quyền chọn nghề của nó, ba mẹ cũng muốn quyết định thay. Hồi này ba mẹ, nhất là mẹ luôn “làm tư tưởng” cho nó thi khối A - Trường Đại học Ngoại thương. Nhưng nó lại thích thi vào Tổng hợp văn. Từ lâu rồi, nó thích nghề báo. Thần tượng của nó là nhà báo N.Q.T, người đã từng vạch trần những vụ án lớn. Nó thích cảm giác được phiêu lưu, được là người có ích, dám chống lại cái ác, cái xấu. Nó sưu tầm rồi cất những số báo có bài của Q.T và đặt rất trang trọng trên giá sách, chỗ cao nhất. Nó học văn cũng không tệ. Cô giáo dạy văn vẫn khen nó biết cách học.


Vậy mà ba mẹ vẫn khăng khăng ý định bắt nó phải theo ý mình. Tối qua, mẹ nó còn tuyên bố: “Hễ thi Đại học Ngoại thương, mẹ sẽ gửi vào một lò ôn thi ở thành phố, đậu 100%, và sẽ thưởng cho một chuyến đi Singapore. Nếu không nghe thì cắt tất!”.


Nhỏ bạn ra về rồi, nó uể oải xuống nhà ăn cơm khi nghe bác giúp việc gọi. Ba mẹ nó đang ngồi chờ sẵn từ khi nào. Nó lén nhìn và thấy cả hai người đang có vẻ mặt không vui. Nó biết ba mẹ lại đang nói về chuyện chú dì vừa rồi nhờ người quen vay tiền ngân hàng đầu tư cho rẫy cà phê nhưng bị người ta lừa. Giấy báo nợ của ngân hàng gửi đến, chú dì nó mới biết là nợ còn nguyên mà người kia đã trốn đi.


Bữa cơm tối vừa xong, nó mở tivi coi. Trên màn hình đang truyền đi cảnh một người phụ nữ đang bị hai cô công an áp tải ra xe. Tiếng phát thanh viên rõ rệt: “Chiều 8-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đ. đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 2 đối tượng nguyên là cán bộ Phòng Giao dịch G-G, Chi nhánh Ngân hàng N. để phục vụ công tác điều tra trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn…”.


- Ba ơi! Mẹ ơi! Nghe này…


Ba mẹ nó cùng đến trước màn hình. Mẹ nó run run:


- Vụ của chú dì đấy. Bà này lừa nè. Ơn trời. Các em tôi được cứu rồi!


- Có báo chí với truyền thông lên tiếng thế này thì chạy sao thoát tội.


Ba nó lẩm bẩm. Mẹ nó lại đang sụt sùi. Nó lại ôm vai mẹ:


- Mẹ ơi! Chú dì sẽ ổn mà. Mẹ đừng khóc nữa.


- Ừ, mẹ không khóc nữa. Con lo học đi chứ?


- Dạ. Bỗng như sực nhớ ra, nó quay lại:


- Mẹ ơi! Hôm nay con làm hồ sơ thi đại học rồi đó.


- Vậy à? Thế bao giờ nộp? Con thi trường nào? Mẹ vừa lau nước mắt vừa hỏi.


Nó ngần ngại nhìn mẹ. Bà vẫn ngồi trước màn hình. Nó ghé mắt sang: Ô, đang chương trình “Khoa học giáo dục”. Sao hôm nay mẹ cũng xem chương trình này nhỉ?


“Một học sinh trường V.Đ Hà Nội đã gọi điện đến Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, bày tỏ muốn tìm lối thoát khỏi áp lực thi cử bằng cách… tự sát. Qua tâm sự, trò chuyện, các chuyên gia tư vấn tâm lý đã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự trầm uất của học sinh này. Được biết, em là con trai cưng của gia đình trí thức, học cũng khá giỏi và bố mẹ rất kỳ vọng vào tương lai con mình sẽ thi đỗ đại học tài chính, trong khi em luôn muốn đi học nghề tạo mẫu tóc mà mình yêu thích. Sự áp đặt của cha mẹ đã khiến em rơi vào tâm trạng u uất, mất phương hướng và phải gọi điện cầu cứu trung tâm”.


- Dạ! Trường… Trường Tổng hợp ạ. Thoáng ngập ngừng, bắt được ánh mắt khích lệ của cha nên nó nói nhanh.


- Con thích học nghề báo chí ba mẹ à… Con muốn được như ba, như chú Q.T. Nó ôm ngang người mẹ, nhắc lại: Con muốn được như ba.


- Liệu con có đủ sức không? Phụ nữ làm báo, viết văn là khó lấy chồng lắm! Rồi còn nguy hiểm nữa. Con nhớ chuyện cô nhà báo viết về vụ phá rừng bị họ đốt xe không?


- Mẹ lo xa quá. Bao nhiêu nhà báo nữ vẫn thành công đấy thôi? Còn nguy hiểm… Còn có pháp luật nữa mà. Mẹ nhìn nó, nhìn ba, thoáng nghĩ ngợi rồi gật đầu:


- Con đã thích thì mẹ đồng ý. Nhưng mẹ nói trước: Nay mai sướng khổ không được kêu ca hay bỏ dở chừng nha.


Nó dạ một cách ngọt ngào. Nó nhìn thời khóa biểu dán trên tường, lật chồng vở ra, dừng mắt lại trên quyển sách Vật lý lớp 12.


- Mình sẽ bắt đầu từ đây!


Nó vớ cây bút dạ và nắn nót viết lên góc chiếc bảng vẫn dùng học nhóm treo trên tường: ĐỪNG BAO GIỜ BOTAY.


. Truyện ngắn của Bích Thiêm