Khi bóng Chính đã khuất sau rặng muồng vàng cuối đường, cô giáo Tâm mới chầm chậm quay vào. Bước chân cô ngập ngừng như vẫn còn dư âm cuộc nói chuyện vừa mới đây.
Khi bóng Chính đã khuất sau rặng muồng vàng cuối đường, cô giáo Tâm mới chầm chậm quay vào. Bước chân cô ngập ngừng như vẫn còn dư âm cuộc nói chuyện vừa mới đây.
Lớp 12A10 đón cô chủ nhiệm mới bằng sự vui mừng. Bởi sau hai năm với hai thầy cô chủ nhiệm chuyển công tác, giờ lại được một cô có tiếng dạy giỏi, lại tâm lý chủ nhiệm thì còn gì bằng. Lần hội diễn văn nghệ 26-3, cả lớp tất bật chuẩn bị ra sân khấu, đám con gái đang trang điểm. Cô bật cười khi thấy Chính cột tóc một chỏm trên đầu, môi tô son, đang sấy và kéo tóc cho nhỏ Diễm.
- Chính giỏi nhỉ! Biết làm tóc cho bạn. Lại còn tô son nữa...
- Cô ơi! Tụi em cột tóc cho hắn đấy. Cô thấy hắn xinh gái không?
Đám con gái lao xao khoe cô. Chính cười, tay vẫn khéo léo điều khiển cây lược.
- Cô ơi! Mấy đứa cứ gọi em là con gái.
Cậu nói với cô bằng giọng nghe có chút gì thích thú. Tâm cũng cười to…
Thế rồi các em ra trường. Tâm lại cùng các đồng nghiệp tất bật với những công việc thường ngày của nghề, chỉ thỉnh thoảng nhớ đến lớp chủ nhiệm cũ rồi lại mải miết quay tròn với giáo án, sổ sách, thao giảng... Đến một ngày cô thấy bật lên nick của Chính trong nhóm lớp với tin nhắn: “Tôi khổ quá mấy bà ơi!”. Té ra cậu đang làm việc ở một thành phố lớn và đã có người yêu. Điều đáng nói đó lại là một chàng trai.
Cô thấy vừa lạ lùng vừa thương cảm khi nghe Chính giãi bày:
- Người yêu em tên Phan, anh ấy là một kiến trúc sư tự do. Em gặp anh ấy trong một lần dự tiệc thôi nôi con một người bạn. Ngay từ lúc nhìn thấy anh ấy, em thấy quen lắm, cứ như đã gặp nhau ở đâu rồi. Tim em đập rộn lên một cách khác thường. Và em biết đây sẽ là người em muốn gắn bó suốt đời... Mọi người thấy em là một đứa con trai, nhưng từ nhỏ em đã luôn thích để tóc dài, thích váy áo sặc sỡ, thích chơi nấu ăn, may đồ cho búp bê như các bạn gái. Lớn hơn chút, em sợ hãi khi thấy mình càng ngày càng có cảm xúc khác lạ với các bạn nam. Nhất là những bạn như Y Đavit. Cô còn nhớ bạn ấy không ạ?
- Có, Đavit da nâu, mắt sáng, ngồi bàn thứ hai từ dưới lên, dãy bàn giáo viên. Cô nhớ lớp mình có nhiều người cùng thích bạn ấy.
- Trời, cô nhớ đúng quá. Không hiểu sao một ngày không nhìn thấy bạn ấy là em bồn chồn cả ngày. Khi biết mấy bạn cùng thích Đavit, em khó chịu lắm. Em giận cả Y Đavit khi bạn ấy hay cười đùa với mấy bạn kia mà có vẻ xa lánh em. Em càng cố gần gũi thì bạn ấy càng lùi xa em hơn. Học hết lớp 12, bạn ấy đi học đại học dự bị, em vào thành phố học cao đẳng. Thời gian đầu, em nhớ nhà, nhớ bạn ấy lắm. Cho đến khi gặp Phan... Anh ấy không xa lánh em, em cảm thấy sự ấm áp anh ấy dành cho em. Anh ấy có một cơ sở spa nhỏ. Tụi em yêu nhau cô ạ. Để cho thuận tiện, em học thêm rồi giờ về quản lý tiệm cho anh ấy.
Chính ngừng lời, nhìn xa xăm ngoài sân.
- Không biết cô nghĩ sao, chứ ba mẹ từ khi biết chuyện đã mắng em ghê lắm. Ba mẹ nói em bị bệnh và bắt em đi chữa bệnh. Em cũng không biết làm như thế nào cho ba mẹ thay đổi suy nghĩ nữa. Thật, em khổ tâm quá cô ơi!
Chính thở dài. Tâm đưa ly nước cho chàng trai. Nhìn khuôn mặt, dáng ngồi, cô chợt thấy đúng là Chính có nhiều nét nữ tính.
- Em đừng buồn, đừng trách ba mẹ nhiều. Cô là mẹ rồi nên cô biết. Không dễ chấp nhận khi thấy con trai duy nhất của gia đình yêu một chàng trai khác đâu em.
- Vâng, em biết mà. Em không biết làm sao cho ba mẹ hiểu và chấp nhận nữa. May mà ba mẹ anh Phan lại hiểu và thương nên tụi em cũng đỡ tủi.
Sau buổi nói chuyện với Chính, cô Tâm tranh thủ ngày nghỉ đến thăm ba mẹ Chính. Bên bộ bàn ghế cũ, ông bà Kiêm đang ngồi yên lặng. Ông Kiêm trán gồ lên những nếp hằn, ánh mắt tối sẫm nhìn ra khoảng sân. Bà Kiêm ngồi bên cạnh ông. Ánh mắt bà cũng tối thẫm như chồng. Ba người không ai nói câu nào.
- Vợ chồng tôi cũng không biết nói gì. Nhà có mình nó là con trai, cả họ có ai như vậy đâu. Rồi còn con cái, dòng giống gia đình nữa...
Ông Kiêm rầu rĩ nói. Bà Kiêm khẽ hắng giọng rồi nghèn nghẹn:
- Ngày bé, tôi thấy nó hay chơi với đám con gái, rồi để tóc dài, có lần còn tô son, đánh phấn. Mấy lần vào thăm ở thành phố, thấy nó cặp kè với Phan, cứ nghĩ anh em thân nhau thôi, ai biết đâu...
Tâm nắm bàn tay bà Kiêm và khẽ khàng:
- Hai bác đừng trách mắng Chính nữa. Hẳn em ấy cũng không muốn khác mọi người, hay làm gia đình buồn đâu. Xã hội bây giờ đã cởi mở và chấp nhận thì mình cũng nên mở lòng cho con mình. Quan trọng nhất là tụi nó sống hạnh phúc, bác nhỉ?
Điện thoại khẽ rung. Tâm mở ra: tin nhắn của Chính. “Cô ơi! Cô nói với ba mẹ em giùm: Con mong ba mẹ hãy hiểu cho chúng con… Con hứa sẽ sống thật tốt. Con mong ba mẹ luôn mạnh khỏe”.
Bóng nắng đã đứng, Tâm trở về. Đến chỗ rẽ đường lộ, cô ngồi nghỉ, đọc nốt đoạn tin khi nãy không đọc cho ông bà Kiêm nghe: “Em còn bị biến chứng của bệnh quai bị ngày nhỏ nữa. Cô đừng nói cho ba mẹ em biết, cô nhé. Em không muốn ba mẹ cảm thấy có lỗi”.
Dòng tin nhòe đi, Tâm thấy cay trên khóe mắt. Những học trò của cô đã bước vào đời và không phải em nào cũng may mắn. Có người gặp nghịch cảnh như Chính, thật thương làm sao. “Được là chính mình… Hãy sống thật hạnh phúc em nhé”. Cô nhấn nút “Gửi” rồi rảo bước trở về nhà. Nắng và gió vẫn cứ chan hòa khắp nơi…
. Truyện ngắn của Bích Thiêm