Tôi không phải là dân Chụt nhưng nếu có câu hỏi nơi nào khơi gợi nỗi nhớ Nha Trang nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là Chụt. Hồi ở Nha Trang, một tuần có 3 ngày tôi lang thang xuống Chụt, chụp hình, ăn quà vặt. Bây giờ, mỗi lần về Nha Trang, dù thế nào tôi cũng phải xuống Chụt ít nhất một vòng.
Tôi không phải là dân Chụt nhưng nếu có câu hỏi nơi nào khơi gợi nỗi nhớ Nha Trang nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là Chụt. Hồi ở Nha Trang, một tuần có 3 ngày tôi lang thang xuống Chụt, chụp hình, ăn quà vặt. Bây giờ, mỗi lần về Nha Trang, dù thế nào tôi cũng phải xuống Chụt ít nhất một vòng.
Trong lần về mới đây, tôi gặp lại nghệ sĩ nhiếp ảnh Long Thành, cũng là một “người của Nha Trang”. Trong chầu cà phê hôm ấy, ông đã kể cho tôi nghe về Chụt xưa, nơi ông sinh ra và lớn lên.
*
Hồi xưa, trong 3 làng liền nhau là Cửa Bé, Chụt và Cầu Đá thì người dân Chụt có đời sống khá giả hơn do chủ yếu làm nghề khai thác yến sào theo dạng cha truyền con nối. Cầu Đá chuyên bán đồ lưu niệm và Cửa Bé thì chắt chiu mắm cá quanh năm vất vả, cũng có số ít khai thác yến sào nhưng không bằng Chụt. Chiều dài Chụt chỉ khoảng một cây số, có hai xóm là xóm trên và xóm dưới, bên tựa núi, bên ven biển.
Ông “trùm” yến sào ở Chụt thời ấy (những năm 60 - 70) là Phan Gia Ký, đến giờ vẫn còn nhiều người nhớ. Về đánh bắt hải sản, người dân Chụt có nghề câu thẻo, tức câu giăng, nhiều lưỡi câu thả dài mấy trăm mét. Người câu thẻo thường là dân Bình Định vào định cư sau này, chiều họ đi ghe nhỏ, thả lưới rồi ngủ, gần sáng kéo lưới.
Ba ông là người ở đảo Hải Nam sang Việt Nam những năm 30, gặp mẹ ông ở Cửa Bé, vợ chồng dắt díu qua Chụt mở một quán ăn nhỏ có tên Nhất Giai Hương. Gia đình đông con, cha mẹ lo làm ăn, buôn bán nên không nhớ ngày sinh của con cái. Một hôm, mẹ chỉ đứa bạn trang lứa cùng xóm và nói với ông rằng, nó sinh ngày nào con sinh ngày ấy. Thế nhưng, ngay cả đứa bạn cũng không biết ngày sinh của mình. Đến bây giờ ông vẫn băn khoăn về năm sinh của mình. Kể điều này để nói lên một điều rằng, đời sống tinh thần lúc ấy ở Chụt không cao.
Thế nhưng, ký ức về Chụt luôn sống động. Sinh hoạt buôn bán tập trung ở khu vực chợ, trong hẻm. Có một quán phở gà không có tên, người ta gọi theo tên chủ quán là Tư Theo, ngon nức tiếng những năm 60 - 70. Theo ý ông, ông Tư Theo không phải người gốc Nha Trang. Nhiều nhân vật nổi tiếng ngày xưa mỗi lần ghé Nha Trang, nghỉ ở lầu Bảo Đại đều đến đây ăn phở. Ngày cuối tuần, dân sành ăn ở Nha Trang đi xe hơi xuống ăn rất đông.
Người ta làm gà vào buổi trưa, ở ngoài sân, sau đó đốt củi luộc gà. Mỗi ngày cả trăm con gà. Xong con nào bỏ vào nồi nước dùng nên nước luôn ngọt. Ông Tư Theo trụng bánh phở bằng nước nóng già bỏ vào tô, xong ông cho một muỗng mỡ gà vào trộn đều. Thịt gà xé sắp lên. Múc nước dùng rồi nêm hành tây thái mỏng, hành ngò và phải có rau răm mới đúng điệu. Tô đặc biệt có thêm phao câu, bộ trứng non. Tô phở thơm mùi đặc trưng của phở gà, không có gia vị tạo hương như phở bây giờ. Đặc biệt, bánh phở ăn đến miếng cuối cùng vẫn dai, ngon, không nở. Bánh phở ngon do được làm từ gạo ngon hay do ký ức khó quên?
Ngoài món phở gà, quán còn có bánh mì gà. Ổ bánh mì chỉ bỏ gà xé, rắc muối tiêu nhưng ăn rất ngon!
Quán ăn Nhất Giai Hương của ba má ông chỉ là một quán nhỏ bán cơm, bia. Ngày xưa hay lắm, có người khách vào quán gọi nửa chai bia, nửa chai còn lại cất tủ lạnh. Ông vẫn còn nhớ cái tủ lạnh của Pháp chạy bằng dầu lửa, rất êm.
Thời ấy, phong phú các loài hải sản sinh sôi tự nhiên, ấn tượng nhất là chợ bán đầy con vích và con tráng. Trứng của chúng ăn rất bổ dưỡng. Bộ lòng thì xào chua ngọt. Người ta nấu bún bò với thịt tráng hay vích ăn rất ngon. Đặc biệt, mỡ tráng hay vích không tan chảy khi nấu, có thể xắt ra xào, mùi thơm, giòn, sựt, béo rất ngon.
Ký ức về Chụt còn là theo mẹ qua Cửa Bé, đi trên con đường mòn nhỏ rất sợ chỉ toàn mai dương, hay lên núi hái lá sâm nam, tha thẩn ra bờ biển chờ những chiếc tàu lớn cập bến. Hay bơi ra nơi có xác chiếc tàu bị bể để câu cá, những buổi cúng đình đông, vui… Nơi đình vẫn còn một cái giếng đến bây giờ…
*
Ký ức đẹp còn bởi người ta luôn bao dung với kỷ niệm mỗi khi nhớ về. Con người sống, già đi, kỷ niệm dày thêm. Nhìn về quá khứ đôi khi cảm giác như chỉ mới ngày hôm qua.
Tôi chép lại những điều nghe kể trên như cách gợi nhớ về một thời Nha Trang xưa, đẹp, hiền hòa, êm đềm, bình yên nhưng sống động.
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN