Thấm thoắt đã 45 năm, những ai đã trải qua ngày 30 tháng Tư năm ấy, dù ở ngoài Bắc hay trong Nam, dù đón nhận theo chiều nào cũng mãi mãi không thể quên những phút giây in sâu trong lòng.
Thấm thoắt đã 45 năm, những ai đã trải qua ngày 30 tháng Tư năm ấy, dù ở ngoài Bắc hay trong Nam, dù đón nhận theo chiều nào cũng mãi mãi không thể quên những phút giây in sâu trong lòng.
Chúng tôi khi đó còn đang là học trò nhỏ nhít. Xóm nghèo nơi tôi ở, đầu xóm có cột loa truyền thanh, cả xóm gần như kéo ra hàng ngày vào giờ tin thời sự để nghe diễn biến ở chiến trường miền Nam. Xóm có mấy chục mái nhà, nhà nào cũng có con em đang chiến đấu trong Nam, mỗi khi nghe tin chiến thắng đều hiểu rằng, ngày được gặp lại con em mình gần hơn một chút. Mong chiến thắng để con em mình trở về với làng quê, đồng lúa, để vĩnh viễn không bao giờ còn những ngày khắc khoải ngóng tin…
Bọn học trò chúng tôi suốt một tháng Tư sôi động đi học mà nhấp nhổm không yên, cứ chờ đến giờ chiều lại chạy vù ra cửa hàng sách nhân dân, nơi đầu hồi có vẽ một bản đồ miền Nam thật lớn. Các anh thông tin hàng ngày tô cờ đỏ sao vàng cho các tỉnh mới được giải phóng, ngày nào cũng có thêm một vài cây cờ nhỏ xíu khiến bọn trẻ hò la phấn khích. Đến khi bắt đầu mở chiến dịch Hồ Chí Minh, đến cuối giờ chiều, cứ tan học là các thầy cô dẫn đám trò khăn quàng đỏ trên vai, trống ếch rộn ràng đi diễu hành quanh thị trấn, hô khẩu hiệu khản họng…
Ngày 30 tháng Tư vỡ òa niềm vui. Cả xóm kéo nhau ra chân cột loa để ôm nhau mừng vui, cười khóc… những giọt nước mắt của sự sung sướng đến tột cùng. Tụi trẻ chúng tôi, ngay chương trình thời sự đặc biệt buổi chiều hôm ấy, đã hát vang theo bài Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng lần đầu phát trên loa, như thuộc từ lâu lắm.
Bạn tôi có một ngày 30 tháng Tư rất khác. Hồi ấy gia đình bạn có một tiệm may khá có tiếng trên đường Độc Lập, Nha Trang (nay là đường Thống Nhất). Tin tức chiến sự dội về nên người bà con trong Sài Gòn cứ giục cả nhà chạy vô thành phố, có gì thì kịp di tản ra nước ngoài. Ba của bạn từ chối với lý do “Quê cha đất tổ ở đây, bỏ đi sao đành. Chính quyền nào thì cũng phải có dân chứ!”. Và khi đoàn quân giải phóng ngày 2-4 kéo vào Nha Trang, nhìn gương mặt măng tơ, hiền lành của những người chiến thắng, ông càng tin sự lựa chọn của mình là đúng. Giờ đây, gia đình bạn trở thành những người kinh doanh khá thành đạt, đến dịp 30-4 vẫn quây quần bên nhau ôn chuyện cũ và mừng vì quyết định rất thức thời khi ấy. Bạn tôi vẫn luôn tự hào vì người cha đã có một niềm tin, bởi khi ấy ông không quyết đoán, chưa biết gia đình sẽ ra sao trong dòng người cuống cuồng di tản vì những tin đồn…
Ngày 30 tháng Tư, những người con đất Việt đã được sống trong khoảng khắc ấy, dù ở miền đất nào, hoàn cảnh có khác nhau cũng đều có kỷ niệm riêng, để 45 năm sau ôn lại vẫn bồi hồi, xúc động. Mãi mãi ngày 30 tháng Tư là một cột mốc mới, mở ra chương mới trong cuộc đời.
Chợt nhớ những câu thơ xôn xao một thời của Đinh Thị Thu Vân: “Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư/Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/Không một lần dám sống hy sinh…”.
Thủy Ngân